Vạn Lương là địa phương được huyện Vạn Ninh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 2 năm triển khai, xã đã đạt 7/19 tiêu chí. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng đã nảy sinh vướng mắc khó giải quyết.
Vạn Lương là địa phương được huyện Vạn Ninh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 2 năm triển khai, xã đã đạt 7/19 tiêu chí. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng đã nảy sinh vướng mắc khó giải quyết.
Có thể nói, qua hơn 2 năm thực hiện, bộ mặt nông thôn ở Vạn Lương đã có nhiều khởi sắc, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, đời sống vật chất, tinh thần người dân có chuyển biến tích cực. Xã phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành các tiêu chí còn lại. Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới của xã, địa phương đang gặp khó khăn ở tiêu chí thu nhập và cơ cấu lao động, trong đó, tiêu chí về thu nhập đang là vấn đề khó khăn nhất.
Theo tiêu chí này, thu nhập bình quân đầu người hàng năm của người dân ở đây phải đạt từ 1,4 lần so với mức thu nhập bình quân chung của toàn tỉnh. Nhưng thực tế, Vạn Lương là xã chuyên về nông nghiệp, khoảng cách thu nhập của người dân nông thôn so với thành thị khá xa. “70% người dân ở đây sống bằng nông nghiệp nên mức sống còn thấp, do đó, không thể tích lũy được vốn và cũng không mua được nhiều trang thiết bị. Mặt khác, trên địa bàn xã cũng không có sơ sở sản xuất kinh doanh nào lớn để thu hút bà con làm ăn, nâng cao thu nhập. Ở xã, thu nhập thực tế hiện nay là 8 triệu đồng/người/năm. Để đạt tiêu chí nông thôn mới với thu nhập 1,4 lần so với bình quân chung của tỉnh là rất khó”, ông Nguyễn Giáo - Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ.
Cơ cấu lao động cũng đang là tiêu chí mà địa phương này khó thực hiện được. Theo tiêu chí này, đến năm 2015, Vạn Lương chỉ còn 35% lao động làm nông nghiệp, còn lại chuyển sang lao động phi nông nghiệp. Trong khi đó, địa phương này hiện có hơn 70% dân số làm nông nghiệp, hơn nữa, trên địa bàn xã cũng không có cơ sở sản xuất quy mô lớn để thu hút lao động, nên việc chuyển đổi ngành nghề cho người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nếu thực hiện theo tiêu chí trên, nông dân ở đây cũng không biết phải chuyển sang làm việc gì, bởi việc chăn nuôi, trồng trọt đã gắn bó với người nông dân nơi đây từ rất lâu đời. Đó là chưa nói đến việc thay đổi nhận thức cho nông dân khi chuyển từ làm nông nghiệp sang làm ngành nghề khác không đơn giản, đặc biệt khi công tác đào tạo nghề cho lao động ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Giáo nêu ý kiến: “Việc đưa ra tiêu chí này chưa phù hợp với một xã có đến 70% người dân sống bằng nông nghiệp. Đề nghị các cấp sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tế”.
Để việc xây dựng nông thôn mới đạt tiến độ đề ra, thiết nghĩ, các ngành chức năng cần sớm điều chỉnh, bổ sung những vấn đề bất cập để phù hợp hơn với tình hình thực tế, giúp địa phương xác định hướng đi trọng tâm và xây dựng chương trình cụ thể.
VĂN DƯ