Số tiêu chí đạt chuẩn về nông thôn mới còn ít (4/19) và cũng không phải là xã điểm xây dựng nông thôn mới, nhưng với thế mạnh về đất đai, khoáng sản, nhân lực, Cam Phước Đông hoàn toàn có thể bứt phá về trước thời hạn.
Số tiêu chí đạt chuẩn về nông thôn mới còn ít (4/19) và cũng không phải là xã điểm xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nhưng với thế mạnh về đất đai, khoáng sản, nhân lực, Cam Phước Đông hoàn toàn có thể bứt phá về trước thời hạn.
Nằm cận kề trung tâm TP. Cam Ranh, Cam Phước Đông có nhiều thuận lợi về tự nhiên cũng như xã hội khi triển khai XDNTM. Xã có nhiều diện tích lúa nước, đồng cỏ chăn nuôi, rừng phòng hộ, tài nguyên khai khoáng, dồi dào về lao động, ngành nghề… Đây là những thuận lợi cơ bản để địa phương có thể bứt phá một khi nội lực được phát huy. Tuy nhiên, năm 2012, đánh giá thực trạng về NTM, Cam Phước Đông chỉ đạt 4/19 tiêu chí của Bộ Tiêu chí quốc gia về NTM gồm: điện, bưu điện, hệ thống chính trị và trật tự an ninh. Theo ông Lâm Ngọc Trọng - Bí thư Đảng ủy xã Cam Phước Đông, địa phương có xuất phát điểm của nền kinh tế còn thấp, chưa có tích lũy, nguồn thu nhập chính của nhân dân vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính, chưa tạo được sức cạnh tranh trên thị trường. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, quản lý cũng như tổ chức sản xuất chưa được quan tâm thích đáng. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất về giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao tuy có quan tâm nhưng chưa đúng mức. Điều này dẫn tới khó khăn khi triển khai XDNTM.
Thi công nhà văn hóa thôn Suối Môn, xã Cam Phước Đông. |
Để tháo gỡ khó khăn trên, từng bước thực hiện các tiêu chí XDNTM, năm 2010 - 2011, xã đã tập trung xây dựng các công trình, hạng mục phục vụ XDNTM từ nguồn vốn phân bổ. Năm 2010, xã xây dựng nhà văn hóa thôn với 411 triệu đồng; nhà thi đấu đa năng 670 triệu đồng; kênh thoát nước chợ liên xã 186 triệu đồng. Về giao thông, xã thi công hàng loạt tuyến giao thông nông thôn quan trọng với tổng kinh phí hơn 3,1 tỷ đồng. Về thủy lợi, tập trung xây dựng, nâng cấp hàng loạt tuyến kênh mương, tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Năm 2011, xã đầu tư sửa chữa kè dân cư thôn Trà Sơn 213 triệu đồng; xây hội trường thôn Tân Hiệp 123 triệu đồng; nhà kho UBND xã 186 triệu đồng… Năm 2012, xã tiếp tục đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn Suối Môn 790 triệu đồng (kể cả cổng, tường rào); các tuyến đường dân sinh số 25, 46, 60 với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng…
Theo ông Trọng, xã phấn đấu đến năm 2012 hoàn thành quy hoạch NTM. Năm 2013, hoàn thành tiêu chí văn hóa (hơn 70% số thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa) và hình thức sản xuất (hình thành 2 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả). Năm 2014, hoàn thành tiêu chí y tế (hơn 35% dân số tham gia bảo hiểm y tế); năm 2015, hoàn thành các tiêu chí: thủy lợi, chợ, hộ nghèo, giáo dục, môi trường (hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh; cơ sở vật chất chợ đạt chuẩn; tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo hơn 35%; 95% dân cư dùng nước sạch. Năm 2016, hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn). Năm 2017, hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn. Năm 2018 - 2020, hoàn thành các tiêu chí: giao thông, nhà ở dân cư, thu nhập, lao động (100% đường trục thôn, xóm, ngõ xóm, trục chính nội đồng được “cứng hóa”; hơn 80% nhà ở dân cư đạt chuẩn của Bộ Xây dựng; thu nhập bình quân đầu người bằng 1,4 lần so với khu vực nông thôn toàn tỉnh; lao động nông nghiệp giảm còn dưới 35%).
Thời gian qua, trên cơ sở phát huy thế mạnh của địa phương, xã từng bước thực hiện lộ trình nói trên. Xã đã quy hoạch vùng sản xuất lúa, rau, hoa tại các thôn: Thống Nhất, Hòa Bình và Tân Hiệp; hình thành 3 tổ liên kết sản xuất kinh doanh lúa giống và rau; mở rộng và nâng cấp chợ hiện có; xây mới chợ xã theo hướng chợ đầu mối. Đồng thời vận động phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại; vận động xây dựng các làng nghề may, thêu ren; mây tre lá ở thôn Thống Nhất; phối hợp đào tạo nghề phục vụ phát triển làng nghề; quy hoạch và bố trí dân cư tập trung theo trục đường chính… Giai đoạn 2012 - 2015, xã tập trung hình thành các hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp, thực hiện một số khâu như: cày đất, thủy nông, tín dụng, vật tư đầu vào; xây dựng vùng trồng lúa chất lượng cao, vùng trồng rau, hoa phát triển bền vững; sử dụng cơ giới trong khâu làm đất và thu hoạch. Bên cạnh đó, quy hoạch và mở rộng các tuyến đường liên thôn xóm, tiếp tục “cứng hóa” các tuyến còn lại (phấn đấu đạt 100%); vận động nông dân thay đổi phương thức sản xuất, sản xuất tập trung, sử dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản có thế mạnh như: rau, hoa, lúa… Giai đoạn 2016 - 2020, xã lập thủ tục đề nghị công nhận làng nghề và thương hiệu các mặt hàng nông sản; thành lập hợp tác xã dịch vụ tín dụng ngân hàng…
Với lộ trình đặt ra, xã Cam Phước Đông có thể về đích trước thời hạn trong tiến trình XDNTM.
H.A