Năm 2022, tuy số biên chế ở các cơ quan, đơn vị chưa tương xứng với khối lượng công việc được giao và tiếp tục thực hiện tinh giảm trong khi yêu cầu cải cách hành chính ngày càng cao, nhưng công tác cải cách hành chính của tỉnh Khánh Hòa vẫn đạt nhiều kết quả tích cực.
Năm 2022, tuy số biên chế ở các cơ quan, đơn vị chưa tương xứng với khối lượng công việc được giao và tiếp tục thực hiện tinh giảm trong khi yêu cầu cải cách hành chính (CCHC) ngày càng cao, nhưng công tác CCHC của tỉnh Khánh Hòa vẫn đạt nhiều kết quả tích cực.
Tích cực cải cách về thủ tục, tổ chức bộ máy
Nhằm tiếp tục thực hiện những giải pháp nâng cao các chỉ số đánh giá cấp tỉnh, năm 2022, UBND tỉnh đề ra 11 mục tiêu trọng tâm, 60 nhiệm vụ, giải pháp trên 6 lĩnh vực CCHC, trong đó cải cách thể chế là then chốt. HĐND, UBND tỉnh đã ban hành gần 50 văn bản thể chế các chủ trương, chính sách của Trung ương và Tỉnh ủy. Tỉnh cũng xây dựng nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển các vùng động lực; sắp xếp cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập; chú trọng tuyên truyền, đẩy mạnh hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến.
Đến cuối năm 2022, fanpage CCHC Khánh Hòa dẫn đầu cả nước về xu hướng tìm kiếm trên Google với 3,9 nghìn lượt yêu thích. Các cơ quan, đơn vị đã hoàn thành đúng tiến độ 60/60 nhiệm vụ đề ra. Trong 150 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, tỉnh chỉ có 1 nhiệm vụ quá hạn nhưng chưa hoàn thành.
Trong năm, tỉnh đã ban hành danh mục 130 TTHC thực hiện rà soát, đơn giản hóa trọng tâm; đề xuất 6 phương án đơn giản hóa 10 TTHC. 100% hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được quét, gắn tệp lưu trữ trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và được cung cấp cả bản giấy, bản điện tử. So với năm 2021, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn khối UBND cấp huyện giảm mạnh (4,06%); tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn của khối sở, UBND cấp huyện, cấp xã đạt 98,62%, tăng 4,06%.
So với cuối năm 2015, năm qua, toàn tỉnh giảm 34 đầu mối thuộc sở và 2 phòng thuộc huyện; giảm 68 đơn vị sự nghiệp công lập (tương đương 9,96%). Cùng với đó, 18 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 8 cơ quan chuyên môn cấp huyện được quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Một số đơn vị sự nghiệp công lập được tổ chức lại, sáp nhập, giải thể…; 619/619 đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ tài chính. Trên cơ sở nghị quyết của HĐND tỉnh tại kỳ họp chuyên đề tháng 12-2022, toàn tỉnh đã sáp nhập các thôn, tổ dân phố không đủ điều kiện, còn 943 thôn, tổ; giảm 7 thôn, 21 tổ dân phố. Một số chế độ về thu hút nhân tài cũng được điều chỉnh phù hợp hơn.
Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số
Hoạt động chuyển đổi số tiếp tục được triển khai mạnh mẽ. Đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 251.000 hồ sơ trực tuyến, tăng hơn 95.000 hồ sơ. Thanh toán trực tuyến đạt rất cao với 108.401 lượt, gần 348 tỷ đồng và là một trong những địa phương dẫn đầu toàn quốc. Toàn bộ TTHC đủ điều kiện đã được UBND tỉnh công bố thực hiện trực tuyến. Tỉnh cũng tích hợp, công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia 628/640 TTHC trực tuyến mức độ 3, 4, đạt 98,13%...
UBND tỉnh cũng đã giao quản lý, vận hành, khai thác sử dụng Hệ thống GIS Khánh Hòa (hệ thống thông tin điện tử sử dụng công nghệ ứng dụng hệ thống thông tin địa lý để quản lý cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh); triển khai tổ công nghệ số cộng đồng; hợp tác chuyển đổi số. Có 8/8 UBND cấp huyện tiếp tục đạt mức 1 (mức cao nhất) về điều kiện sẵn sàng xây dựng chính quyền điện tử. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (E-Office) liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã và kết nối vào trục liên thông văn bản quốc gia. Phần mềm nhắc việc giúp UBND tỉnh quản lý toàn bộ công việc giao, hạn chế thấp nhất công việc tồn đọng. Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh cập nhật 20 biểu mẫu báo cáo thống nhất và hoàn thành kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh đã kết nối, tích hợp với nhiều hệ thống thông tin của các bộ, Cổng thanh toán quốc gia…
Ông Võ Chí Vương - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, năm 2022, các cơ quan, đơn vị đã cơ bản triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ CCHC và đạt kết quả tích cực, nhất là cải cách về thể chế, TTHC, tổ chức bộ máy; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần được chấn chỉnh, tháo gỡ. Năm 2023, UBND tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu quả CCHC và thực hiện Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với đẩy mạnh xã hội hóa. Cùng với đó, tiếp tục triển khai toàn diện, hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến; phấn đấu tăng tỷ lệ hồ sơ giải quyết sớm, đúng hạn và số lượng, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phấn đấu cải thiện các chỉ số đánh giá cấp tỉnh; đưa vào vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh…
Năm 2022, toàn tỉnh phát sinh hơn 108.000 lượt thanh toán trực tuyến với gần 348 tỷ đồng, tăng 3,92 lần về số lượt thanh toán và 12,28 lần về số tiền so với năm 2021. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 54,61%, tăng 8,89%. |
NGUYỄN VŨ