10:10, 27/10/2022

Quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa ban hành Kết luận số 91 về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Qua đó, yêu cầu các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân tồn tại, hạn chế để khắc phục và tập trung thực hiện đồng bộ một số mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa ban hành Kết luận số 91 về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Qua đó, yêu cầu các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân tồn tại, hạn chế để khắc phục và tập trung thực hiện đồng bộ một số mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.


Nhiều chuyển biến


Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sau hơn 5 năm triển khai Chương trình hành động số 12, ngày 31-3-2017 của Tỉnh ủy, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện tương đối đồng bộ, đạt được một số kết quả nhất định. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân đã nhận thức rõ các quan điểm, chủ trương, giải pháp của tỉnh về CCHC. Tổ chức bộ máy chính quyền địa phương được kiện toàn, gắn với việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền theo đúng quy định và phù hợp với thực tiễn. Thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên các lĩnh vực được đơn giản hóa; dịch vụ công trực tuyến được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, phục vụ tốt hơn công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương...

 

Bộ phận tiếp nhận hồ sơ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa.

Bộ phận tiếp nhận hồ sơ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa.


Qua hơn 5 năm, cấp tỉnh đã tiến hành kiểm tra 163 đơn vị. Trong đó, kiểm tra toàn diện 75 đơn vị, kiểm tra chuyên đề về giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm một cửa điện tử 75 đơn vị, chuyên đề tài chính công 13 đơn vị. Các đoàn còn lồng ghép kiểm tra các chuyên đề khác như: Kết quả đánh giá, xếp hạng CCHC đối với các đơn vị trực thuộc (12 đơn vị); việc thực hiện đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, thi đua - khen thưởng trên cơ sở kết quả đánh giá, xếp hạng CCHC, kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị; kiểm tra việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo quản lý của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chỉ đạo tại Công văn số 4591 ngày 15-5-2017 của Văn phòng Chính phủ về việc tổ chức thanh tra, kiểm tra về công tác cán bộ (19 đơn vị). Cấp huyện đã tiến hành kiểm tra 250 lượt cơ quan, đơn vị trực thuộc. Các sở, ngành thuộc UBND tỉnh, các cơ quan ngành dọc chủ động xây dựng kế hoạch tự kiểm tra hàng năm và tiến hành kiểm tra nhiều lượt đối với cơ quan cấp dưới, đơn vị trực thuộc. Từ kết quả kiểm tra đã kịp thời phát hiện, nhân rộng những mặt tích cực, các sáng kiến và cách làm hay; chỉ đạo khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót; tổng hợp và xử lý, kiến nghị xử lý những bất cập, vướng mắc; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.


Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC vẫn còn có những hạn chế. Các chỉ số đánh giá về CCHC, hiệu quả quản trị và hành chính công... của tỉnh có cải thiện nhưng thứ bậc vẫn còn thấp. Cá nhân người đứng đầu của một số cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của CCHC trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; quan tâm chưa đúng mức trong việc xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, dẫn đến tình trạng triển khai nhiều hoạt động nhưng hiệu quả chưa cao…


Tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp


Để tiếp tục đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân tồn tại, hạn chế để khắc phục; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng CCHC, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy và phương thức chỉ đạo, điều hành công tác CCHC; nâng cao hiệu quả cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh một cách bền vững, tập trung thực hiện tốt việc thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.


Đồng thời, các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông và dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, tăng cường phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Các lĩnh vực cải cách công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải tiếp tục được đẩy mạnh nhằm đáp ứng nhiệm vụ quản lý nhà nước và phục vụ nhân dân. Song song đó, đổi mới cơ chế tài chính công, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.


Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong CCHC. Các cấp ủy đảng phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác CCHC; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức triển khai thực hiện; xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, khâu đột phá nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu không xếp hạng tốt về kết quả CCHC đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương có từ 5% hồ sơ trễ hạn trở lên, hoặc chỉ số hài lòng từ 80% trở xuống. Cán bộ, công chức, viên chức có từ 10% hồ sơ trễ hạn trở lên thì không được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, sẽ xem xét trách nhiệm, đưa ra khỏi quy hoạch, điều chuyển, thay thế người đứng đầu nếu kết quả CCHC của cơ quan, đơn vị, địa phương 2 năm liên tục xếp hạng trung bình hoặc 1 năm xếp hạng yếu; tổ chức cơ sở đảng, tập thể lãnh đạo xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải có kết quả  CCHC xếp hạng tốt.

 

Ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy: Kết luận số 91 nhằm mục tiêu xây dựng bộ máy chính quyền tỉnh Khánh Hòa chuyên nghiệp, trong sạch, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển và hội nhập; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phục vụ nhân dân theo định hướng đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương. Trọng tâm CCHC đến năm 2030 gồm: Cải cách thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với cụ thể hóa, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, thân thiện, nhiệt huyết, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, theo định hướng của Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; hiện đại hóa hệ thống chính trị ở cơ sở gắn với thực hành dân chủ ở cơ sở.


ĐÌNH LÂM