Nêu cao tinh thần vì nhân dân phục vụ, thời gian qua, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Khánh Hòa đã triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy.
Nêu cao tinh thần vì nhân dân phục vụ, thời gian qua, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH), Công an tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chuyển đổi số trong lĩnh vực PCCC.
Hiện nay, công tác tiếp nhận, giải quyết các TTHC trong lĩnh vực PCCC- CNCH được thực hiện tại trụ sở Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH và công an các địa phương. Ngày 10-12-2021, Công an tỉnh có Công văn số 5650 đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực PCCC-CNCH mức độ 3, 4. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh cung cấp hồ sơ đề xuất thông tin TTHC để thực hiện cập nhật phân hệ cơ sở dữ liệu. Hiện nay, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH đang tiếp tục phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực PCCC-CNCH mức độ 3, 4 đối với các TTHC. Toàn bộ công tác tiếp nhận, giải quyết các TTHC trong lĩnh vực PCCC-CNCH thực hiện theo quy định của Bộ Công an và theo nội dung phân cấp công tác quản lý nhà nước.
Thượng tá Đường Trung Thành - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC-CNCH cho biết, năm 2022, đơn vị tiếp tục duy trì việc rút ngắn thời gian giải quyết TTHC trong lĩnh vực PCCC, thường xuyên rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực PCCC-CNCH, kịp thời kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Đơn vị đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kịp thời đăng tải thông tin, kết quả giải quyết TTHC, góp phần thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận dễ dàng.
Cụ thể, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh tham gia hoàn thiện hệ thống mạng máy tính diện rộng ngành Công an, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4; triển khai chữ ký số, xác thực điện tử, bảo đảm các hệ thống bảo mật thông tin nghiệp vụ hoạt động ổn định, thông suốt, phục vụ chuyển đổi số. Qua đó, đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 và gửi nhận văn bản điện tử trong ngành Công an. Cùng với đó, đơn vị đã triển khai xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu phục vụ Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến Bộ Công an và nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu Bộ Công an; hệ thống định danh điện tử bảo đảm đáp ứng các yêu cầu tại Quyết định số 34, ngày 8-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đơn vị cũng triển khai hướng dẫn số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an, kết nối kho dữ liệu điện tử cá nhân, tổ chức của Cổng dịch vụ công quốc gia; cập nhật, khai thác và phát triển dữ liệu chuyên ngành.
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng trong cải cách hành chính, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử; mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp cơ quan hành chính nhà nước, người dân và doanh nghiệp thực hiện các TTHC trên nhiều lĩnh vực một cách thuận tiện. Với việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sẽ giảm thời gian gửi/nhận hồ sơ và có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày; tăng tính minh bạch của các cơ quan cung cấp dịch vụ. Người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thể theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ của cơ quan công an, như: Được tiếp nhận bởi đơn vị nào, đang được giải quyết ở bước nào, kết quả giải quyết ra sao… Vì thế, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH khuyến khích người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực PCCC do Bộ Công an cung cấp.
Năm 2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ của đơn vị phấn đấu đạt 80%; tỷ lệ hồ sơ TTHC xử lý trực tuyến đạt 50%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 100% và tỷ lệ báo cáo của các đội được thực hiện trực tuyến đạt 50%; 70% hệ thống thông tin được xác định cấp độ và triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin; 90% thiết bị đầu cuối được cài đặt giải pháp bảo vệ; 100% người đứng đầu các đơn vị, địa phương được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo đảm an toàn thông tin... |
Thành Long