10:01, 10/01/2022

Giai đoạn 2021 - 2030: Hướng tới chính quyền số

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Chương trình cải cách hành chính tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 với 6 nội dung, trọng tâm là xây dựng, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

 

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Chương trình cải cách hành chính (CCHC) tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 với 6 nội dung, trọng tâm là xây dựng, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CCVC); xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.


Tiếp tục xây dựng bộ máy hành chính chuyên nghiệp, liêm chính


Mục tiêu cơ bản của tỉnh 10 năm tới là tiếp tục xây dựng bộ máy hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân. Để đạt được điều đó, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý đáp ứng yêu cầu hiện đại, hội nhập, phù hợp thực tiễn và tạo đột phá trong huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh cũng sẽ cải cách đồng bộ, hiệu quả thủ tục hành chính (TTHC); rà soát, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ; tối ưu quy trình giải quyết TTHC; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; đổi mới, nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC…

 

Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen  cho các tập thể xuất sắc tại hội nghị tổng kết thực hiện Chương trình cải cách hành chính tỉnh  giai đoạn 2011 - 2020, tổ chức tháng 10-2020.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen cho các tập thể xuất sắc tại hội nghị tổng kết thực hiện Chương trình cải cách hành chính tỉnh giai đoạn 2011 - 2020, tổ chức tháng 10-2020.


 Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện TTHC không phải cung cấp lại thông tin, giấy tờ đã được chấp nhận thực hiện thành công TTHC trước đó mà cơ quan giải quyết TTHC đang quản lý, hoặc thông tin, giấy tờ đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ. Tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên. 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 và trên cổng Dịch vụ công quốc gia. Mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 90%; riêng lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 85%. Đến năm 2030, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 50% trở lên. 90% người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử trên tất cả hệ thống thông tin từ Trung ương đến địa phương; mức độ hài lòng về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 95%, riêng lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 90%...


Việc sắp xếp, tinh gọn đơn vị hành chính cấp huyện, xã, thôn, tổ dân phố sẽ được tỉnh hoàn thành vào năm 2025. Tỉnh cũng đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước; tăng cường rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập; phấn đấu xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, thực tài; dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng CCVC. Mức độ hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước phấn đấu đạt tối thiểu 90%. Đến năm 2030, biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách sẽ giảm tiếp 10% so với năm 2025; giảm 15% chi trực tiếp từ ngân sách cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 - 2025.


Xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số


Một mục tiêu CCHC quan trọng khác là xây dựng, phát triển hiệu quả chính quyền điện tử, chính quyền số. Tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử; triển khai Đề án thí điểm xây dựng Khu dân cư điện tử; đổi mới phương thức phục vụ. Đồng thời, tiếp tục điện tử hóa việc quản lý, giải quyết TTHC, lưu trữ dữ liệu, khai thác tài nguyên số; tổ chức lại, nâng cấp hệ thống dữ liệu của tỉnh theo mô hình dữ liệu lớn (big data), ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ kiểm soát chất lượng dịch vụ công; điện tử hóa kết quả giải quyết TTHC, tích hợp ISO điện tử; triển khai mô hình ISO điện tử đồng bộ với phát triển hệ thống Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh. Tỉnh cũng tiếp tục hoàn thiện hệ thống báo cáo cấp tỉnh tích hợp với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; sử dụng văn bản điện tử (trừ văn bản mật), chữ ký số đồng bộ ở cả 3 cấp chính quyền và thực hiện lưu trữ điện tử.


Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập. 100% người dân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh, xác thực điện tử thông suốt trên tất cả hệ thống thông tin chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp từ kho dữ liệu trực tuyến dùng chung của tỉnh...


Bà Trần Thu Mai - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, để triển khai tốt 32 nhiệm vụ, đề án CCHC trọng tâm của chương trình, Sở Nội vụ sẽ nỗ lực tham mưu UBND tỉnh nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo công tác CCHC gắn với xây dựng, thực hiện chế tài trách nhiệm người đứng đầu; phân công trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan chủ trì triển khai các nội dung; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và thực hiện tốt chính sách cải cách tiền lương, chế độ đãi ngộ, tạo môi trường làm việc thuận lợi để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; tiếp tục lấy kết quả CCHC, giải quyết TTHC để đánh giá năng lực của người đứng đầu, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của CCVC và xét thi đua.


NGUYỄN VŨ