Hơn 20 năm kể từ khi tỉnh thí điểm mô hình một cửa, trải qua nhiều lần cải tiến, hoàn thiện, hiệu quả cải cách hành chính của tỉnh đã được nâng lên đáng kể.
Hơn 20 năm kể từ khi tỉnh Khánh Hòa thí điểm mô hình một cửa, trải qua nhiều lần cải tiến, hoàn thiện, hiệu quả cải cách hành chính của tỉnh đã được nâng lên đáng kể.
Liên tục cải tiến, hoàn thiện
Năm 1998, UBND tỉnh thí điểm mô hình một cửa tại một số sở, ngành, đơn vị cấp huyện, cấp xã. Qua nhiều lần cải tiến, hoàn thiện, mô hình từng bước khắc phục bất cập trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Đến năm 2003, mô hình được áp dụng tại các cơ quan hành chính nhà nước ở tỉnh. Năm 2007, UBND tỉnh mở rộng triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Quyết định 93 của Thủ tướng Chính phủ tại 164 cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh và 6 khối cơ quan ngành dọc, đạt 100%. Năm 2009, sau khi nghiên cứu kinh nghiệm ở một số địa phương trong nước, tỉnh đã thí điểm cơ chế theo hướng hiện đại tại 3 UBND cấp huyện (Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa). Từ năm 2012, tỉnh mở rộng triển khai thêm tại 5 sở, 14 UBND cấp xã.
Giữa năm 2015, thực hiện Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước tỉnh nhưng bổ sung nhiều nội dung mới, phù hợp với địa phương. Cuối năm, tỉnh hoàn thành triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại tại 100% cơ quan hành chính nhà nước tại tỉnh và 6 khối cơ quan ngành dọc. Tháng 10-2015, tỉnh chính thức sử dụng số liệu giải quyết hồ sơ TTHC trên phần mềm một cửa điện tử thay báo cáo giấy. Đến năm 2018, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại tỉnh đã đáp ứng hầu hết, thậm chí vượt yêu cầu của Nghị định 61/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Ông Đỗ Ngọc Hồng (ở Hương lộ Ngọc Hiệp, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) nhận xét: “Từ khi có bộ phận một cửa, tôi chỉ cần đến một nơi nộp hồ sơ và chờ tới hẹn đến nhận kết quả. Các trang thiết bị tại đây ngày càng đầy đủ, hiện đại hơn”.
Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công
Đồng bộ với quá trình trên, tỉnh cũng quyết liệt cải cách TTHC. UBND tỉnh đã hoàn thành rà soát, tái cấu trúc, chuẩn hóa, đồng bộ mã lĩnh vực, mã thủ tục theo cơ sở dữ liệu TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia và theo quyết định công bố của UBND tỉnh. Theo bà Lê Thị Điệm - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kiểm soát TTHC (Văn phòng UBND tỉnh), đến hết quý I năm nay, có tổng cộng 1.769 TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của tỉnh. Tất cả TTHC đều được công khai. Trên cơ sở quy trình nội bộ giải quyết TTHC được phê duyệt, các cơ quan chuyên môn về ngành, lĩnh vực đã xây dựng quy trình điện tử giải quyết TTHC gửi Sở Thông tin và Truyền thông cập nhật 2.153 quy trình trên phần mềm một cửa điện tử của tỉnh. Từ năm 2011 đến 2020, Văn phòng UBND tỉnh đã rà soát, đánh giá, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh thông qua phương án đơn giản hóa; kiến nghị Trung ương đơn giản hóa 56 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn, ước tính tiết kiệm 945 triệu đồng/năm sau khi được phê duyệt.
Đến năm 2020: - 100% cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. - UBND tỉnh đã công bố danh mục TTHC với 1.143 quy trình thủ tục thực hiện bưu chính công ích; 355 quy trình mức độ 3; 391 quy trình mức độ 4; 451 quy trình cho phép thanh toán trực tuyến và tích hợp, cung cấp hơn 300 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. - Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã đã giải quyết hơn 9,9 triệu hồ sơ; tỷ lệ đúng, sớm hạn đạt 98,82%. Khối cơ quan ngành dọc giải quyết gần 33 triệu hồ sơ; đúng và sớm hạn đạt 99,99%. Quý I/2021, toàn tỉnh tiếp nhận hơn 124.000 hồ sơ; tỷ lệ quá hạn còn 1,96%, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2020. |
Việc cắt giảm thời gian giải quyết TTHC được tỉnh quan tâm từ rất sớm. Chương trình Cải cách hành chính tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 đặt mục tiêu năm 2013 rút ngắn 15% so với quy định của Trung ương; Kế hoạch Cải cách hành chính tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 tăng lên 30%. Năm 2017, UBND tỉnh công bố cắt giảm thời gian giải quyết 249 TTHC trên 12 lĩnh vực. Năm 2020, gần 400 TTHC được cắt giảm từ 1/2 đến 1/3 thời gian giải quyết; một số TTHC lĩnh vực khoáng sản giảm từ 3 năm xuống 20 ngày. Việc ghép liên thông các TTHC có liên hệ chặt chẽ với nhau để giải quyết trên 1 quy trình cũng được tỉnh đẩy mạnh thực hiện từ năm 2016. Đến năm 2020, gần 50 quy trình TTHC ghép liên thông đã được tỉnh phê duyệt, ban hành.
Đột phá nhất là việc đưa vào vận hành Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh (tháng 8-2018). Từ đây, tất cả dịch vụ trực tuyến đều được tích hợp trên một hệ thống, giúp khách hàng có thể nộp hồ sơ dù ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào; tra cứu thông tin hồ sơ qua nhiều phương thức. Hệ thống cũng cung cấp nền tảng tập trung để quản lý, số hóa quá trình giải quyết, phối hợp giải quyết TTHC liên thông trực tuyến; cho phép lưu trữ, quản lý, hiệu chỉnh, cập nhật, sử dụng chung cơ sở dữ liệu; dễ dàng nâng cấp, phát triển dịch vụ mới, kết nối với các hệ thống bên ngoài mà không làm gián đoạn quá trình giải quyết, cung cấp dịch vụ công. Từ 109 TTHC trực tuyến mức độ 3 năm 2014, sau 6 năm, danh mục quy trình TTHC cho phép nộp trực tuyến tăng lên 746 quy trình (mức độ 3 và 4). Tháng 7-2020, trung tâm đã kết nối xong với Cổng dịch vụ công quốc gia trên toàn bộ yêu cầu.
Theo bà Điệm, kết quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng yêu cầu Nghị định 61. Thời gian tới, tỉnh sẽ củng cố thêm trang thiết bị và nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của bộ phận một cửa; cụ thể hóa việc tổ chức triển khai với yêu cầu cao hơn về chất lượng thực hiện, tính chuyên nghiệp, hiện đại hóa trong giải quyết TTHC; đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Các nội dung trên sẽ được ưu tiên nguồn lực theo kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 468/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
NGUYỄN VŨ