Đều đặn mỗi tháng 2 lần, Chủ tịch UBND xã Cam Bình (TP. Cam Ranh) cùng đoàn cán bộ lại lên đò vượt sóng từ đảo Bình Ba qua đảo Bình Hưng để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân nơi đây. Dù mưa lớn, sóng to, công việc này vẫn duy trì từ năm 2012 đến nay để người dân đỡ đi lại vất vả.
Đều đặn mỗi tháng 2 lần, Chủ tịch UBND xã Cam Bình (TP. Cam Ranh) cùng đoàn cán bộ lại lên đò vượt sóng từ đảo Bình Ba qua đảo Bình Hưng để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân nơi đây. Dù mưa lớn, sóng to, công việc này vẫn duy trì từ năm 2012 đến nay để người dân đỡ đi lại vất vả.
Vượt sóng “đi đóng dấu”
Một ngày giữa tháng 11, ông Nguyễn Ân - Chủ tịch UBND xã Cam Bình lại mang con dấu, máy tính xách tay chuẩn bị cho chuyến công tác quen thuộc - “đi đóng dấu” cho người dân ở đảo Bình Hưng. Cùng đi với ông có khoảng 10 người, là Phó Chủ tịch UBND xã, Công an xã cùng đại diện đoàn thể, mặt trận…
Cam Bình là xã đảo gồm hai đảo Bình Ba và Bình Hưng. Trụ sở UBND xã Cam Bình đặt tại đảo Bình Ba, nằm cách đất liền khoảng 15km. Những năm trước, người dân muốn xin con dấu, chữ ký của xã phải đi từ đảo qua đất liền tại vị trí giáp tỉnh Ninh Thuận, sau đó bắt xe ôm về cảng Cam Ranh rồi mới đi đò qua đảo Bình Ba. Khoảng cách từ đảo Bình Hưng qua đảo Bình Ba cũng bằng khoảng cách từ đảo Bình Ba qua đất liền, đi đò hết hơn 1 giờ, nhưng bất cập là không có chuyến đò cố định phục vụ nhu cầu này. “Hồi đó, nhiều người đi được đến đảo Bình Ba thì đã qua buổi chiều, đóng dấu xong có khi không kịp quay lại đất liền mà phải ngủ nhờ lại đảo; hoặc quay về đất liền nhưng không có chuyến đò đêm ra đảo Bình Hưng. Có khi chỉ xin giấy xác nhận nhân thân hoặc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thôi mà phải đi mất 2 ngày. Thấy người dân vất vả quá nên UBND xã Cam Bình đã tham mưu, đề xuất UBND thành phố cho phép UBND xã đem con dấu đến tận nơi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân đảo Bình Hưng”, ông Ân kể.
Để thuận lợi cho công việc, UBND xã Cam Bình quy định mỗi tháng 2 lần vào giữa tháng (ngày 14 hoặc 15) và cuối tháng (ngày 29 hoặc 30), đoàn công tác của xã sẽ đến đảo Bình Hưng. Trước khi đi một ngày, xã thông báo cho trưởng thôn Bình Hưng để tập trung người dân có nhu cầu tại hội trường Nhà văn hóa thôn. “Trừ khi bão lớn, cấm tàu thì mới hoãn, còn lại mưa to, sóng lớn chúng tôi cũng đi”, bà Võ Thị Ngọc Mỹ Hiền - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cam Bình cho biết. Những lần sóng lớn quá, chị em phụ nữ trong đoàn say sóng, nằm bẹp trên tàu. Nhưng khi lên đến đảo Bình Hưng vẫn cố gắng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. “Có lần gặp sóng lớn, đi về tôi bị ốm, phải xin phép nghỉ mấy ngày, nhưng đến lần tiếp theo vẫn cố gắng đi vì người dân rất cần mình”, bà Đặng Thị Hằng Ny - cán bộ Văn phòng UBND xã Cam Bình kể.
Giúp dân bớt vất vả
Tàu đưa đoàn công tác của UBND xã Cam Bình vừa cập bến đã thấy trưởng thôn Bình Hưng Trần Văn Vinh đứng đợi trên bờ. Hôm nay, sóng lớn nên tàu đi chậm hơn dự kiến. Tại hội trường thôn, gần 100 người dân đã đứng đợi sẵn.
Cầm sẵn sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Trầm và chị Nguyễn Hoàng Duyên cho biết, do đi lại rất khó khăn, trong khi bận tổ chức lễ cưới nên vợ chồng anh đợi đoàn công tác qua để xin giấy đăng ký kết hôn.
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh: Đây là một việc làm rất đáng biểu dương trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân ở đảo xa, bởi nếu để người dân tự đi lại thì quá vất vả, mất thời gian, ảnh hưởng đến công việc của họ. UBND thành phố sẽ tổ chức đánh giá lại để phát huy những mặt làm được; nếu khảo sát thấy nhu cầu người dân nhiều thì có thể yêu cầu xã bố trí tăng thêm số lần qua đảo để giải quyết. |
Nhiều người như vợ chồng anh Trầm cũng phấn khởi khi được giải quyết thủ tục hành chính tại chỗ bởi nếu đi lại sẽ rất tốn kém cả tiền bạc lẫn thời gian.
Theo trưởng thôn Trần Văn Vinh, trước kia, mỗi lần cần xin chữ ký, đóng dấu của xã, chi phí người dân đi lại, ăn ở hết khoảng 300.000 đồng. Chưa kể tàu ghe trắc trở, mưa gió vất vả. Nhờ đoàn công tác qua định kỳ mỗi tháng 2 lần mà các thủ tục hành chính của hơn 400 hộ trên đảo được giải quyết thuận lợi hơn, đỡ tốn kém. Hiện nay, chỉ những gia đình cần giải quyết thủ tục gấp thì mới tự qua xã giải quyết, còn lại đều chờ đoàn công tác của xã đến tận nơi.
Ông Nguyễn Ân tính toán, mỗi lần qua xã giải quyết thủ tục hành chính tại đảo Bình Hưng cho khoảng 50 hồ sơ, mỗi hồ sơ tiết kiệm cho dân 300.000 đồng. Mỗi năm xã trực tiếp đến giải quyết cho khoảng 120 - 150 hồ sơ, tiết kiệm cho người dân khoảng 400 triệu đồng. “Mỗi lần đi qua Bình Hưng tốn khoảng 3 triệu đồng tiền thuê đò và chi phí ăn trưa cho đoàn công tác. So với chi phí mà người dân bỏ ra thì tiết kiệm được khá nhiều. Nhưng quan trọng nhất là chúng ta “hoán đổi” từ cái vất vả của người dân sang vất vả của cán bộ. Tuy nhiên, chúng tôi luôn coi đó là một nhiệm vụ hàng tháng phải hoàn thành. Cán bộ trong xã đi nhiều cũng thành quen”, ông Ân tâm sự.
VĂN KỲ