06:08, 17/08/2017

Cam Lâm: Phấn đấu nâng hạng

Năm vừa qua, chỉ số cải cách hành chính của UBND huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) bị giảm sút, kết quả xếp hạng cũng giảm bậc. Vì vậy, huyện đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để khắc phục. 

 

Năm vừa qua, chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của UBND huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) bị giảm sút, kết quả xếp hạng cũng giảm bậc. Vì vậy, huyện đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để khắc phục. 

 
Tụt hạng


Năm 2016, UBND huyện được đánh giá giải quyết tốt thủ tục hành chính (TTHC) các lĩnh vực: công thương, tư pháp, lao động - thương binh và xã hội, nông nghiệp, nội vụ, quản lý đầu tư, tài chính và tài sản công, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Đồng thời, tích cực đề xuất đẩy mạnh phân cấp cho cấp huyện, xã; thực hiện tốt biên chế, số lượng người làm việc theo vị trí việc làm và chuyển đổi vị trí công tác ở các phòng, ban chuyên môn trực thuộc. Huyện đã khoán kinh phí hành chính cho 100% xã, thị trấn trực thuộc.

 

Tuy nhiên, so với năm 2015, chỉ số hài lòng của UBND huyện năm 2016 tăng không đáng kể (tăng 0,87%, đạt 75,14%). Đặc biệt, về kết quả xếp hạng CCHC, UBND huyện bị tụt từ hạng tốt xuống hạng khá với chỉ số CCHC còn 75,76%, do các nguyên nhân: ban hành kế hoạch CCHC trễ; kiểm tra công tác CCHC nhưng chưa ban hành văn bản chỉ đạo khắc phục; không báo cáo rà soát, hệ thống hóa văn bản pháp luật theo quy định; chưa công khai đầy đủ TTHC trên phần mềm một cửa điện tử ở lĩnh vực y tế, lao động, tư pháp; chưa tổng hợp, đánh giá tình hình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC hàng tháng; kết quả giải quyết TTHC thấp... Cam Lâm là một trong những địa phương có mức giảm chỉ số tiếp nhận, xử lý thông tin phản hồi khá mạnh (9,42%), chỉ còn 70,46%. Tỷ lệ hồ sơ trễ hạn của UBND huyện là 24,05%, riêng UBND xã Cam Hải Đông tới 64,73%, tập trung ở lĩnh vực tài nguyên và môi trường, chủ yếu do cán bộ, công chức chưa thành thạo phần mềm một cửa; xử lý hồ sơ chưa đúng quy trình trên phần mềm; hệ thống bị sự cố.

 

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND huyện Cam Lâm

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND huyện Cam Lâm

 

Quyết tâm khắc phục


Từ năm 2017, UBND huyện chỉ đạo bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã và trên website phải niêm yết, công bố công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về giải quyết hồ sơ, TTHC; phân công người tiếp nhận, xử lý, trả lời rồi công bố công khai và có báo cáo định kỳ. Các quy định, chỉ đạo về CCHC của các cấp được tập hợp thành sổ tay CCHC năm 2017. Huyện cũng ban hành văn bản cập nhật, niêm yết công khai theo danh mục TTHC được tỉnh công bố; đẩy mạnh tuyên truyền việc tiếp nhận, giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trực tuyến mức độ 3. Hàng tháng, chậm nhất ngày 1, các cơ quan, đơn vị phải gửi báo cáo tình hình phối hợp giải quyết TTHC.


Để hạn chế thấp nhất số hồ sơ trễ hạn theo phần mềm một cửa điện tử, bộ phận công nghệ thông tin sẽ theo dõi hàng tháng và thông báo cho cơ quan liên quan. Lãnh đạo huyện chỉ đạo giảm số lượng hồ sơ, giấy tờ phải nộp; bảo lưu thông tin khách hàng và các giấy tờ đã nộp lần đầu để không nộp trùng lắp ở lần giải quyết tiếp theo, sẵn sàng cung cấp thông tin, mở rộng dịch vụ công trực tuyến khi cần. Hồ sơ trễ hạn phải thông báo xin lỗi, hẹn lại thời gian trả kết quả và chỉ được hẹn 1 lần. Huyện giao chỉ tiêu hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 cho từng cơ quan và đưa vào đánh giá kết quả CCHC từ năm 2017. Đồng thời, hoàn thiện quy chế phân công, phối hợp thực hiện công tác CCHC, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó. Đối với những cơ quan có tỷ lệ hồ sơ trễ hạn cao, sau khi kiểm điểm trách nhiệm, đoàn kiểm tra của huyện tiếp tục kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, sau đó huyện tổ chức họp chấn chỉnh, nhắc nhở, khắc phục tình trạng hồ sơ trễ hạn tại một số UBND xã…

 

Năm 2017, UBND huyện Cam Lâm phấn đấu triển khai toàn diện, hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông gắn với đẩy mạnh tin học hóa, trực tuyến hóa giao dịch TTHC ở 2 cấp. Trong đó, đưa 50% TTHC đủ điều kiện vào thực hiện trực tuyến mức độ 4, tối thiểu 15% hồ sơ TTHC được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến mức độ 4; giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hạn trong lĩnh vực đất đai, môi trường, đầu tư, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội xuống dưới 10%. 100% UBND cấp xã triển khai dịch vụ tin nhắn thông báo kết quả giải quyết hồ sơ tự động…

Tính đến tháng 6, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn đã giảm đáng kể. 14 xã, thị trấn đã tiếp nhận gần 6.000 hồ sơ, tỷ lệ trễ hạn chiếm 6,48%. Tỷ lệ hồ sơ trễ hạn tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của huyện là 6,25%, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Hiện tại, các cơ quan, đơn vị ở Cam Lâm vẫn chưa phát sinh hồ sơ trực tuyến mức độ 3. 29/31 cơ quan, đơn vị đã đăng ký, sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng. Nhiều nơi chủ động tự kiểm tra để khắc phục tồn tại. Tuy vậy, việc triển khai tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trên phần mềm một cửa điện tử tại một số nơi vẫn chưa hiệu quả, như: Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Cam Lâm và UBND các xã: Cam Hải Tây, Cam Phước Tây, Cam Tân, Cam An Nam.


Ông Nguyễn Hữu Hảo - Chủ tịch UBND huyện cho biết, trong công tác CCHC, huyện quán triệt cán bộ, công chức, viên chức trễ hạn hơn 10% hồ sơ trong năm không được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên và xem xét kỷ luật nếu vi phạm. Người đứng đầu không được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên nếu kết quả xếp hạng CCHC đạt trung bình trở xuống; xử lý trách nhiệm, đưa ra khỏi quy hoạch, điều chuyển, thay thế người đứng đầu nếu kết quả CCHC của đơn vị đó 3 năm liên tục xếp hạng trung bình hoặc 2 năm liên tục xếp hạng yếu. UBND huyện phấn đấu hết năm 2017 sẽ cải thiện chỉ số CCHC và được nâng lên hạng tốt.


TIỂU MAI - NGUYỄN KIM