Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đang tích cực triển khai kế hoạch tổ chức cuộc thi "Mô hình, sáng kiến cải cách hành chính của công chức, viên chức trẻ" lần thứ 3-2017. Phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Thái - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Trưởng Ban tổ chức cuộc thi về vấn đề này.
Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đang tích cực triển khai kế hoạch tổ chức cuộc thi “Mô hình, sáng kiến cải cách hành chính (CCHC) của công chức, viên chức trẻ” lần thứ 3-2017. Phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Thái - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Trưởng Ban tổ chức cuộc thi về vấn đề này.
- Xin ông cho biết để tham gia cuộc thi, các mô hình, sáng kiến, giải pháp dự thi phải đáp ứng được các yêu cầu gì?
- Cuộc thi này yêu cầu các mô hình, sáng kiến, giải pháp CCHC được lựa chọn để dự thi phải có tính mới, hữu ích, thiết thực, có thể nhân rộng triển khai áp dụng trong thực tiễn quản lý, giải quyết công việc, thủ tục hành chính, tạo đột phá cho công tác CCHC của tỉnh, cơ quan, đơn vị, địa phương. Các mô hình, sáng kiến, giải pháp dự thi năm 2017 tập trung vào một số chủ đề chính sau đây: mô hình, giải pháp giúp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI); các giải pháp nâng cao trách nhiệm chính quyền cơ sở để cải thiện Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh (PAPI); cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; CCHC công; nâng cao mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập; gắn kết các cơ chế, ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành CCHC. Các mô hình, sáng kiến, giải pháp dự thi được trình bày dưới dạng đề cương hoặc đề án, dự án hoàn chỉnh, mô tả được các nội dung chủ yếu gồm: tên gọi, bối cảnh ra đời của mô hình, sáng kiến, giải pháp; nội dung chủ yếu của mô hình, sáng kiến, giải pháp triển khai; phương án nhân rộng, triển khai áp dụng trong thực tiễn; đánh giá những lợi ích mang lại về mặt quản lý, phục vụ, về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, địa phương.
- Cuộc thi sẽ được tổ chức như thế nào, thưa ông?
- Cuộc thi sẽ tổ chức vòng sơ khảo ở các cụm thi để lựa chọn các đội với những mô hình, sáng kiến, giải pháp tiêu biểu dự thi vòng chung khảo cấp tỉnh. Theo kế hoạch, vòng sơ khảo được tổ chức ở 5 cụm, cụ thể: cụm 1 gồm các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, do Sở Văn hóa và Thể thao làm cụm trưởng. Cụm 2 gồm các cơ quan ngành dọc của Trung ương đóng tại địa phương và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, do Công an tỉnh làm cụm trưởng. Cụm 3 gồm: UBND TP. Cam Ranh, huyện Cam Lâm và huyện Khánh Sơn, do UBND TP. Cam Ranh làm cụm trưởng. Cụm 4 gồm: UBND TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh và huyện Khánh Vĩnh, do UBND TP. Nha Trang làm cụm trưởng. Cụm 5 gồm UBND thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh, do UBND huyện Vạn Ninh làm cụm trưởng. Ban tổ chức cuộc thi đã có văn bản hướng dẫn một số nội dung triển khai vòng sơ khảo cho các cụm. Dự kiến, vòng thi sơ khảo tại các cụm sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 28-7; các đội thi sẽ phải tham gia các phần thi: chào hỏi, tiểu phẩm, thuyết trình và kiến thức CCHC. Khoảng đầu tháng 8, các cụm thi sẽ báo cáo kết quả, gửi danh sách đội thi và mô hình, sáng kiến CCHC dự thi vòng chung khảo cho Ban tổ chức cấp tỉnh. Dự kiến, vòng chung khảo cấp tỉnh sẽ tổ chức trong tháng 8 với 14 đội dự thi (từ cụm 1 đến cụm 4 mỗi cụm chọn 3 đội, riêng cụm 5 chọn 2 đội dự thi); các đội sẽ tham gia 5 phần thi: chào hỏi, xử lý tình huống, kiến thức CCHC, thuyết trình, tiểu phẩm; trong đó, riêng phần thi thuyết trình về mô hình, sáng kiến, giải pháp chiếm 50% số điểm.
- Xin cảm ơn ông!
N.D (Thực hiện)