Vai trò của người đứng đầu
Thực tế, kết quả cải cách hành chính (CCHC) phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm và hiệu quả chỉ đạo, điều hành CCHC của người đứng đầu.
Vai trò của người đứng đầu
Thực tế, kết quả cải cách hành chính (CCHC) phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm và hiệu quả chỉ đạo, điều hành CCHC của người đứng đầu.
Còn nhớ, tại một hội nghị về CCHC đầu năm 2016, ông Nguyễn Văn Đồng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh từng hứa trước Chủ tịch UBND tỉnh sẽ tập trung cho công tác CCHC và huyện Khánh Vĩnh quyết tâm vươn lên xếp hạng khá, tốt về CCHC trong năm 2016 sau 2 năm liên tiếp (2014 và 2015) bị xếp hạng yếu về CCHC.
Xác định nguyên nhân chủ yếu là hoạt động của Ban chỉ đạo (BCĐ) CCHC huyện và cơ quan thường trực BCĐ chưa thực sự sâu sát, vì thế, UBND huyện đã kiện toàn lại BCĐ CCHC huyện, do chính Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, phân công từng thành viên phụ trách giám sát công tác CCHC tại từng xã, thị trấn; đồng thời, thay đổi nhân sự cơ quan thường trực BCĐ. Từ tháng 3-2016, bộ phận một cửa của UBND huyện và 13 xã, thị trấn đồng loạt hoạt động. Huyện cũng trưng cầu tham vấn chuyên môn trên cơ sở khảo sát thực tế từ các sở: Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Tài chính… Nhờ đó, công tác CCHC của huyện Khánh Vĩnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ từ công tác chỉ đạo, điều hành; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, hiện đại hóa hành chính… Kết quả, năm 2016, trong khối UBND cấp huyện, UBND huyện Khánh Vĩnh là 1 trong 2 địa phương được xếp hạng tốt về CCHC và tăng mạnh về chỉ số hài lòng (địa phương còn lại là UBND huyện Diên Khánh).
Theo đánh giá của Sở Nội vụ về kết quả CCHC các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị sự nghiệp giai đoạn 2014 - 2016, kết quả chỉ số và xếp hạng CCHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương đạt được đều tương xứng với quyết tâm và hiệu quả chỉ đạo, điều hành CCHC trên thực tế của người đứng đầu. Theo ông Nguyễn Trọng Thái - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, kết quả thực hiện CCHC được đánh giá khách quan, công khai, công bằng, chính xác đã giúp phản ánh thực chất những mặt đã làm được, điểm còn hạn chế trong tổ chức chỉ đạo, thực hiện CCHC tại từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Thông qua đó, người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị có cơ sở để tiếp tục phát huy những mặt tích cực, rút kinh nghiệm và có giải pháp phù hợp để khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Những cơ quan, địa phương có quyết tâm và có biện pháp quyết liệt đều tạo ra chuyển biến tích cực về kết quả CCHC như UBND huyện Khánh Vĩnh; các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tư pháp; Thanh tra tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong. Bên cạnh đó, người đứng đầu một số đơn vị, địa phương vẫn chưa tự giác, xem nhẹ trách nhiệm và kết quả CCHC của cơ quan, đơn vị.
Người đứng đầu chịu trách nhiệm chính về kết quả cải cách hành chính
Chương trình hành động số 12 ngày 31-3-2017 của Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và Chỉ thị số 12 ngày 26-5-2017 của UBND tỉnh triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy đã đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ nhằm hoàn thành các mục tiêu CCHC giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, có những quy định rất “cứng rắn” liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu về kết quả CCHC. Theo đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương không được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên nếu xếp hạng kết quả CCHC đạt mức trung bình trở xuống; xử lý trách nhiệm, đưa ra khỏi quy hoạch, điều chuyển, thay thế người đứng đầu nếu kết quả CCHC đơn vị, địa phương 3 năm liên tục xếp hạng trung bình hoặc 2 năm liên tục xếp hạng yếu; tổ chức cơ sở đảng đơn vị đó không được xếp loại trong sạch, vững mạnh.
Bên cạnh đó, Chỉ thị số 12 của UBND tỉnh cũng quy định rõ, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả CCHC. Cấp phó của người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc tổ chức thực hiện và kết quả, hiệu quả CCHC trong phạm vi chức trách, lĩnh vực được phân công.
Ngoài những quy định về trách nhiệm của người đứng đầu, Chương trình hành động số 12 của Tỉnh ủy và Chỉ thị số 12 của UBND tỉnh cũng có những quy định cụ thể liên quan đến đánh giá, xếp hạng CCHC; trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức như: cơ quan, đơn vị có từ 10% hồ sơ trễ hạn trở lên trong năm không được xếp hạng tốt về kết quả CCHC, không được công nhận danh hiệu thi đua, khen thưởng. Cán bộ, công chức, viên chức trễ hạn trên 10% hồ sơ trong năm không được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, đồng thời xem xét kỷ luật nếu có vi phạm. Chỉ thị số 12 còn quy định rõ: xem xét xử lý kỷ luật, thay thế ngay công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ không đúng về thành phần và số lượng, yêu cầu công dân thực hiện công việc không có trong quy trình thủ tục, hướng dẫn không đầy đủ trong 1 lần, đề nghị bổ sung từ 2 lần trở lên hoặc từ chối giải quyết hồ sơ sai quy định, có thái độ, hành vi nhũng nhiễu, cửa quyền. Toàn bộ hồ sơ quá hạn phải được lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương hẹn lại thời gian rõ ràng, chỉ hẹn 1 lần và xin lỗi bằng văn bản theo quy định. Việc gửi thông báo xin lỗi và hẹn lại thời gian trả kết quả phải thực hiện trước ngày hẹn trả kết quả; thời hạn hẹn lại được cộng thêm không quá 1/3 tổng thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
N.D