Năm 2016, công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, trong đó có việc chuẩn hóa và công khai 1.569 TTHC. Tuy nhiên, quá trình thực hiện kiểm soát TTHC còn gặp một số khó khăn.
Năm 2016, công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, trong đó có việc chuẩn hóa và công khai 1.569 TTHC. Tuy nhiên, quá trình thực hiện kiểm soát TTHC còn gặp một số khó khăn.
Chuẩn hóa thủ tục
Theo ông Đặng Văn Khánh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, năm qua, công tác kiểm soát TTHC đã hoàn thành khối lượng công việc khá lớn, trong đó thẩm định chất lượng dự thảo quyết định công bố TTHC gấp gần 4 lần so với năm 2015; góp ý văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có quy định TTHC gấp 4,5 lần. Đặc biệt, một trong những thành tích nổi bật năm qua là chuẩn hóa 1.569 TTHC (cấp tỉnh 1.201, cấp huyện 244, cấp xã 124). Tất cả các TTHC này đều đã công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia và Cổng thông tin điện tử tỉnh. Đây là công việc đòi hỏi nhiều thời gian, công sức của những người làm công tác kiểm soát TTHC.
Thủ tục hành chính được chuẩn hóa và công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh |
Về đơn giản hóa TTHC, năm 2016, có 4 nhóm TTHC thuộc lĩnh vực khoáng sản, y tế, tư pháp, công thương được đề xuất đơn giản hóa về quy trình, thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết. Các sáng kiến đơn giản hóa đã có chất lượng, giúp tiết kiệm cho xã hội ước tính hơn 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Phòng Kiểm soát TTHC của Sở Tư pháp còn thực hiện kiểm soát và báo cáo định kỳ hàng tuần cho Chủ tịch UBND tỉnh về việc tiếp nhận, giải quyết TTHC của cả tỉnh trên phần mềm kiểm soát TTHC tổng số 340.968 hồ sơ, trong đó đã giải quyết 330.003 hồ sơ (262.903 hồ sơ trước hạn, 42.681 đúng hạn và 2.441 trễ hạn).
Sau khi hoàn tất việc thẩm định TTHC, Phòng Kiểm soát TTHC đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch kiểm tra công tác kiểm soát TTHC tại 6 sở, 4 UBND cấp huyện, 7 UBND cấp xã. Kết thúc kiểm tra, đã có báo cáo thông báo kết luận kiểm tra và tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo khắc phục sai sót sau kiểm tra.
Những khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác kiểm soát TTHC còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dẫn đến ảnh hưởng chung về tiến độ của một số mặt công tác đề ra. Về công bố TTHC, Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ quy định UBND tỉnh “Rà soát, hệ thống, bổ sung, hoàn chỉnh và ban hành quyết định công bố bộ TTHC thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của địa phương theo từng cấp giải quyết trên cơ sở quyết định công bố TTHC đã được bộ, ngành chuẩn hóa theo thẩm quyền; đồng thời chuẩn hóa dữ liệu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC”. Trên thực tế, quyết định công bố chuẩn hóa của bộ, ngành gửi về không đầy đủ, kịp thời dẫn đến các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh rơi vào tình trạng chờ đợi quyết định công bố của bộ, ngành hoặc phải tự chủ động tham mưu quyết định công bố để đảm bảo tính kịp thời, công khai, minh bạch TTHC theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, quyết định công bố TTHC của bộ, ngành còn khái quát, chung chung, chưa phản ánh hết các nội dung kết cấu của một TTHC nên đối tượng thực hiện TTHC khó có thể căn cứ áp dụng ngay. Một số cơ quan chưa quan tâm đến công tác kiểm soát TTHC, không xây dựng kế hoạch kiểm soát TTHC ngay từ đầu năm hoặc có xây dựng nhưng không phân công cụ thể trách nhiệm của từng phòng, ban. Điều đó dẫn đến có một số lĩnh vực TTHC cấp huyện không đưa vào tiếp nhận tại bộ phận một cửa, còn tình trạng nhận hồ sơ ngoài thành phần quy định, yêu cầu bổ sung hồ sơ không theo đúng quy trình, hồ sơ còn trễ hạn… Ngoài ra, phần mềm báo cáo công tác kiểm soát TTHC của Bộ Tư pháp chưa được hoàn thiện nên gặp khó khăn cho các cơ quan, địa phương nhập số liệu báo cáo.
Đề xuất các giải pháp khắc phục
Theo lãnh đạo Sở Tư pháp, để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên, nhằm hoàn thành nhiệm vụ công tác kiểm soát TTHC năm 2017, các cơ quan, đơn vị cần quan tâm xây dựng kế hoạch công tác kiểm soát TTHC ngay từ đầu năm; nội dung kế hoạch bao quát toàn diện nhiệm vụ, phân công cụ thể trách nhiệm của từng phòng, ban, cán bộ, công chức thực hiện, thời gian hoàn thành, sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành cần thường xuyên cập nhật văn bản luật về lĩnh vực được giao quản lý để xác định những nhiệm vụ đã được phân quyền, phân cấp, nhằm kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh đưa vào đề nghị xây dựng VBQPPL theo đúng quy trình. Việc tham mưu ban hành VBQPPL có quy định TTHC phải có căn cứ pháp lý về thẩm quyền được giao, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính cần thiết và chi phí tuân thủ thấp nhất.
Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành cần thường xuyên vào trang web cơ sở dữ liệu TTHC của Bộ Tư pháp (csdl.thutuchanhchinh.vn) để cập nhật danh mục, nội dung TTHC của bộ, ngành để tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh công bố TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thuộc lĩnh vực giao quản lý. Đồng thời, bổ sung những nội dung chưa đầy đủ tại quyết định công bố của bộ trên cơ sở quy định của VBQPPL nhằm đảm bảo chất lượng của quyết định công bố. Tỉnh Khánh Hòa, phấn đấu đạt 100% TTHC đã được quy định tại VBQPPL phải được công bố, công khai đúng vào thời điểm quy định TTHC có hiệu lực.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị cần rà soát và đề xuất quy định giải quyết liên thông TTHC đối với nhóm TTHC có liên quan với nhau. Đối với những TTHC này cần phải giao cho một cơ quan tiếp nhận và trả kết quả, đó là cơ quan tiếp nhận đầu tiên, còn các cơ quan tiếp theo thực hiện theo cơ chế phối hợp. Rà soát và báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) những TTHC mang tính định tính; thủ tục, quy trình rườm rà, phức tạp đang là rào cản cho việc phát triển kinh tế - xã hội để đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ kịp thời; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng hồ sơ giải quyết TTHC bị chậm trễ do có vướng mắc, bất cập nhưng cơ quan giải quyết không báo cáo và đề xuất giải pháp kịp thời cho UBND tỉnh chỉ đạo.
Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính nhà nước để khai thác kịp thời, nhanh chóng, chính xác dữ liệu thông tin phục vụ cho giải quyết TTHC, góp phần giảm thiểu thời gian giải quyết và chi phí tuân thủ TTHC. Mỗi cơ quan thực hiện TTHC phải tự kiểm soát được quy trình tiếp nhận, giải quyết, từ đó có sáng kiến cải tiến quy trình nội bộ, hướng đến cắt giảm được thời gian giải quyết TTHC.
N.D