Năm 2015, chỉ số cải cách hành chính và chỉ số mức độ hài lòng của khối UBND cấp huyện đều tăng so với năm 2014.
Năm 2015, chỉ số cải cách hành chính và chỉ số mức độ hài lòng của khối UBND cấp huyện đều tăng so với năm 2014.
Chỉ số mức độ hài lòng: 5 đơn vị đạt kết quả tốt hơn
Chỉ số mức độ hài lòng là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp hạng cải cách hành chính (CCHC). Những đơn vị có chỉ số mức độ hài lòng cao thường có chỉ số CCHC cao. Những đơn vị thực hiện tốt công tác CCHC sẽ được cá nhân, tổ chức đánh giá mức độ hài lòng cao hơn.
Bộ phận một cửa của TP. Nha Trang |
Năm 2015, chỉ số mức độ hài lòng chung của khối UBND cấp huyện là 76,45%, tăng so với năm 2014 (74,69%); chênh lệch chỉ số mức độ hài lòng giữa các đơn vị không lớn (đơn vị cao nhất và thấp nhất chỉ cách nhau 4,9%). Trong 8 đơn vị được đánh giá: UBND TP. Cam Ranh dẫn đầu, tiếp đó là UBND thị xã Ninh Hòa và UBND TP. Nha Trang. Có 5 đơn vị đạt kết quả tốt hơn so với năm 2014 là UBND các huyện: Cam Lâm, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, TP. Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa. Đáng chú ý, UBND huyện Khánh Sơn đã tiến bộ vượt bậc với mức tăng đến 13,16%.
Theo ông Nguyễn Trọng Thái - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, 5/6 tiêu chí đánh giá mức độ hài lòng đều có sự cải thiện so với năm trước. Trong đó, khách hàng tiếp tục đánh giá khá cao về sự phục vụ của cán bộ, công chức. Tiêu chí điều kiện tiếp đón, phục vụ cũng nhận được sự phản hồi tích cực nhờ những nỗ lực triển khai hoàn thành mô hình một cửa liên thông theo hướng hiện đại tại các địa phương. Tuy nhiên, cũng như các cơ quan thuộc khối sở, tiêu chí tiếp cận dịch vụ vẫn là điểm hạn chế của khối UBND cấp huyện. Ở tiêu chí này, UBND TP. Nha Trang được đánh giá tốt nhất, nhưng toàn khối không có đơn vị nào đạt mục tiêu tỉnh đề ra (75%). Trong số khách hàng được hỏi, phần lớn vẫn chỉ biết thông tin về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính (TTHC) qua 1 kênh truyền thống là bảng niêm yết, chưa từng tiếp cận qua trang web của đơn vị. Điều này cho thấy việc tuyên truyền để người dân, tổ chức, doanh nghiệp khai thác các nguồn thông tin, dịch vụ trên cổng thông tin điện tử cấp huyện còn hạn chế.
Biểu đồ chỉ số cải cách hành chính |
Với tiêu chí TTHC, UBND TP. Nha Trang dẫn đầu, mức độ chênh lệch với đơn vị thấp nhất hơn 8%. Nếu như ở khối các cơ quan sở có sự khác nhau về mức độ phức tạp của TTHC thì ở khối UBND huyện thực hiện chung một bộ TTHC do UBND tỉnh công bố, nhưng kết quả vẫn có sự khác biệt đáng kể ở các địa phương. Lý do chính là nhiều khách hàng vẫn phải nhờ công chức chuyên môn hướng dẫn mới hoàn thiện được hồ sơ; một số trường hợp khách hàng phải đi lại nhiều lần, tự liên hệ nhiều nơi mới làm xong hồ sơ thủ tục; một số trường hợp phiếu biên nhận hồ sơ ghi ngày trả chậm hơn quy định, có trường hợp không ghi ngày trả hoặc ghi không rõ ràng.
Về tiêu chí sự phục vụ của cán bộ, công chức, các đơn vị đều đạt mục tiêu chung của tỉnh, nhưng chỉ số trung bình giảm nhẹ so với năm trước, trong đó, TP. Nha Trang tiếp tục dẫn đầu. Điểm tích cực là đa số khách hàng nhận xét cán bộ, công chức tận tình, lịch sự, hòa nhã và đánh giá khá tốt về năng lực chuyên môn; không còn tình trạng công chức nhận hồ sơ ngoài cơ quan. Tuy nhiên, một số ít khách hàng chưa hài lòng, còn gặp nhũng nhiễu, phải chờ đợi vì công chức vắng mặt, bận việc riêng hay đi trễ.
Ở tiêu chí kết quả, tiến độ giải quyết công việc, chỉ số chung thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra; chênh lệch giữa các địa phương không đáng kể, trong đó, UBND huyện Vạn Ninh dẫn đầu. Với 2 tiêu chí điều kiện tiếp đón, phục vụ và tiếp nhận, xử lý thông tin phản hồi, các đơn vị đều đạt mục tiêu chung và TP. Cam Ranh đều dẫn đầu.
Chỉ số cải cách hành chính: Cam Lâm, Khánh Sơn bứt phá
Chỉ số CCHC trung bình của khối UBND cấp huyện năm 2015 đạt 81,75%, tăng khá so với năm 2014 (73,7%). Trong đó, UBND huyện Cam Lâm và Vạn Ninh đều đạt 85,35%, được xếp hạng tốt; ngoại trừ Khánh Vĩnh xếp hạng yếu do nộp hồ sơ trễ, các địa phương còn lại đều xếp hạng khá. Ở khối này đánh giá sự bứt phá của huyện Cam Lâm từ hạng khá lên hạng tốt, huyện Khánh Sơn từ hạng yếu lên hạng khá. UBND huyện Khánh Vĩnh 2 năm liên tiếp đều bị xếp hạng yếu (năm 2014 chỉ số CCHC chỉ đạt 50,27% và năm 2015 nộp hồ sơ trễ).
Để tiếp tục cải thiện chỉ số CCHC và chỉ số mức độ hài lòng của UBND cấp huyện, theo ông Nguyễn Trọng Thái, các địa phương cần chú trọng hoàn thiện quy trình giải quyết TTHC, đổi mới, cải tiến về cách thức giao dịch hồ sơ, nâng cao chất lượng phục vụ. Đặc biệt, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào mô hình quản lý, giải quyết TTHC. Đồng thời, giảm chi phí thực hiện thủ tục; hạn chế những rào cản, bất cập và khác biệt trọng cách tiếp cận, giải quyết TTHC giữa chính quyền và nhân dân. Bên cạnh đó, tăng cường công chức tại bộ phận một cửa; hướng dẫn cụ thể, thủ tục hồ sơ cho khách hàng trong một lần để tránh bổ sung, đi lại nhiều lần; bảo đảm thời hạn giải quyết hồ sơ, khi trễ hẹn phải thông báo trước, hẹn lại rõ ràng…
N.D