Sau hơn 4 năm thực hiện, Dự án hợp phần "Tăng cường năng lực tổng thể ngành Thanh tra tỉnh đến năm 2014" đã hoàn thành, góp phần đáng kể vào công tác cải cách hành chính của Thanh tra tỉnh.
Sau hơn 4 năm thực hiện, Dự án hợp phần “Tăng cường năng lực tổng thể ngành Thanh tra tỉnh đến năm 2014” đã hoàn thành, góp phần đáng kể vào công tác cải cách hành chính (CCHC) của Thanh tra tỉnh.
Thanh tra viên thao tác trên phần mềm Thanh tra xây dựng cơ bản. |
Từng bước hiện đại hóa
Để hoạt động thanh tra được tăng cường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, Thanh tra tỉnh đã xây dựng, thí điểm và đánh giá các quy định bảo đảm tính độc lập trong tổ chức và hoạt động thanh tra. Chức năng, nhiệm vụ của văn phòng và phòng nghiệp vụ được quy định phù hợp với yêu cầu CCHC. Đơn vị cũng ban hành và áp dụng quy chế phối hợp với thanh tra các sở và cấp huyện; hình thành bộ phận giúp việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng (PCTN) và xây dựng hệ thống cảnh báo rủi ro. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN-TC), tiếp công dân được đổi mới với việc đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm và chuẩn hóa quy trình. Đồng thời, Thanh tra tỉnh xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan quản lý trong phổ biến, tuyên truyền, đánh giá tác động. Nhờ đó, đa số khiếu kiện đúng đối tượng, đúng cấp; các trường hợp khiếu kiện sai quy định, khiếu kiện đông người đã giảm. Tỷ lệ đơn KN-TC sai giảm 10 đến 15% so với trước khi thực hiện Dự án (trước đây chiếm 60 đến 65%). Kết quả khảo sát, đánh giá của Dự án cho thấy, người dân hài lòng với phương pháp xử lý KN-TC của Thanh tra tỉnh.
Việc đơn vị xây dựng và đưa vào sử dụng một số phần mềm như: hỗ trợ thanh tra xây dựng cơ bản, thanh tra tài chính, theo dõi đơn thư, giao tiếp với công dân... đã giúp giảm đáng kể chi phí về thời gian và nguồn lực; đảm bảo chính xác khi phân tích về lập dự toán, quyết toán công trình xây dựng cơ bản hay phân tích báo cáo tài chính. Qua đó, giảm 10% về thời gian kéo dài trong tác nghiệp thanh tra. Trung tâm Lưu trữ hồ sơ dữ liệu điện tử về công tác thanh tra, KN-TC, PCTN cũng được xây dựng, hỗ trợ công tác lưu trữ và khai thác dữ liệu điện tử khoa học, bảo đảm an toàn.
Nâng cao năng lực cán bộ
Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh chú trọng xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả; năng lực cán bộ, thanh tra viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác quản lý, tuyển dụng cán bộ được chuẩn hóa với việc hoàn thành Đề án vị trí việc làm của Thanh tra tỉnh và Quy định tuyển dụng công chức ngành Thanh tra Khánh Hòa.
*Dự án hợp phần “Tăng cường năng lực tổng thể ngành Thanh tra tỉnh đến năm 2014” thuộc Chương trình Tăng cường năng lực tổng thể ngành Thanh tra tới năm 2014, được triển khai trong 4 năm (tính từ tháng 12-2009) với tổng vốn gần 20 tỷ đồng. Đây là 1 trong 10 dự án hợp phần (gồm có: Thanh tra tỉnh Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Bình Dương, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh; Thanh tra các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Công an và Thanh tra Chính phủ), hướng tới trọng tâm: Xây dựng và hoàn thiện thể chế; đổi mới tổ chức và đào tạo cán bộ. |
Nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, Thanh tra tỉnh mở nhiều khóa đào tạo chuyên sâu; tổ chức tham quan học tập các kỹ năng chuyên môn về PCTN trong và ngoài nước. Cụ thể như: Tổ chức đào tạo nâng cao trong lĩnh vực thanh tra xây dựng cơ bản; tập huấn nâng cao về áp dụng Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, giải quyết KN-TC về đất đai; tập huấn về kỹ năng giao tiếp với công dân và áp dụng Luật Tiếp công dân. Bên cạnh đó, đào tạo nâng cao kỹ năng quản lý, lãnh đạo trong hoạt động điều hành quản lý và triển khai thanh tra, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ thanh tra thực hiện pháp luật về thuế, nghiệp vụ giải quyết KN-TC về đất đai... Nhờ đó, số vụ việc công dân phản ánh thái độ về cách hành xử của cán bộ, công chức, thanh tra viên giảm. Tỷ lệ thanh tra viên, cán bộ thanh tra vi phạm và không hoàn thành nhiệm vụ khi được phân công đã giảm so với năm 2010. Số vụ việc khiếu nại liên quan đến lĩnh vực đất đai, bồi thường giải tỏa vượt cấp giảm đáng kể so với năm 2010 trở về trước. 100% cán bộ, thanh tra viên đều ứng dụng tin học vào thực hiện nhiệm vụ.
Các quy trình làm việc được tin học hóa cũng tạo thói quen làm việc hiện đại, khoa học, chuyên nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ thanh tra và giảm thời gian giải quyết công việc. Ông Trần Quang Tuấn (Phòng Nghiệp vụ 3) cho biết, việc sử dụng phần mềm hỗ trợ thanh tra xây dựng cơ bản đã giúp rút ngắn 70% thời gian tính toán số liệu so với cách tính thủ công, giúp dễ dàng kiểm tra việc lập định mức đơn giá của đối tượng thanh tra.
Theo ông Nguyễn Yên Sơn - Chánh Thanh tra tỉnh, các hoạt động của Dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, từ việc xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về thanh tra, giải quyết KN-TC và PCTN trên địa bàn tỉnh, đến đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức... Kết quả trên là nền tảng để hoạt động thanh tra được tăng cường theo hướng từng bước chuyên nghiệp, hiện đại. Thanh tra tỉnh sẽ nỗ lực duy trì, từng bước nhân rộng các sản phẩm của Dự án để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hoạt động trong ngành.
N.V
Tại hội nghị kiểm điểm kết thúc Dự án hợp phần Thanh tra tỉnh Khánh Hòa mới đây, ông Nguyễn Hồng Giang - Vụ trưởng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án hợp tác phát triển (Thanh tra Chính phủ) đánh giá: Thanh tra Khánh Hòa đứng trong top đầu hoàn thành kế hoạch. Một số sản phẩm của Dự án hợp phần Thanh tra Khánh Hòa như các phần mềm: Thanh tra xây dựng cơ bản, Theo dõi đơn thư được đánh giá cao và được Thanh tra Chính phủ chọn làm sản phẩm điển hình để giới thiệu cho cơ quan thanh tra toàn quốc tại các hội nghị nhân rộng ở Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Cần Thơ, Thừa Thiên - Huế, Lào Cai.