07:10, 27/10/2014

Cải cách hành chính còn nhiều bất cập

Năm 2013, tuy chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Khánh Hòa tăng 2 bậc so với năm trước, nhưng một số chỉ số thành phần lại giảm về điểm số lẫn thứ hạng. Điều này cho thấy, nỗ lực cải cách hành chính ở các sở, ngành, địa phương chưa đồng đều.

Năm 2013, tuy chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Khánh Hòa tăng 2 bậc so với năm trước, nhưng một số chỉ số thành phần lại giảm về điểm số lẫn thứ hạng. Điều này cho thấy, nỗ lực CCHC ở các sở, ngành, địa phương chưa đồng đều.


Kết quả không đồng đều


Theo báo cáo của Sở Nội vụ, năm 2013, chỉ số CCHC của tỉnh đạt 78,15%, nằm trong nhóm 34 tỉnh đạt chỉ số trên 70% đến dưới 80%, xếp thứ 32/64 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2013. Trong đó, chỉ số thành phần cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đạt được cao nhất với tỷ lệ 93,68%. Chỉ số thành phần xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức đạt thấp nhất với 62,07%. Một số chỉ số thành phần khác cũng có tỷ lệ thấp như: chỉ số cải cách thủ tục hành chính (62,5%), tiêu chí thành phần hiện đại hóa nền hành chính (67,92%)...


Theo thống kê của Sở Nội vụ, có 5/8 tiêu chí thành phần có sự cải thiện so với năm 2012 gồm: công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đặc biệt, tiêu chí thành phần xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh có bước tiến triển vượt bậc từ vị trí 57 lên vị trí 12/63 tỉnh, thành.

 

Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ Văn phòng UBND tỉnh.  Ảnh: K.N
Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ Văn phòng UBND tỉnh.


Tuy nhiên, có 3 tiêu chí giảm điểm so với năm 2013 gồm: Cải cách thủ tục hành chính; đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và sự nghiệp công lập; hiện đại hóa hành chính. Trong đó, tiêu chí cải cách thủ tục hành chính bị tụt nhiều bậc nhất từ vị trí 34 xuống vị trí 59/63 tỉnh, thành. Đây cũng là một trong các tiêu chí tác động mạnh mẽ đến tiêu chí tương ứng của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh như: chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí không chính thức. Điều này cho thấy, công tác cải cách thủ tục hành chính tại tỉnh vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được kết quả thực chất, hiệu quả hơn.


Còn nhiều bất cập


Theo đánh giá của Sở Nội vụ, những nỗ lực CCHC tại các sở, ngành, địa phương chưa đồng đều, nhất là trong khâu triển khai thực hiện. Nhiều đơn vị vào cuộc chưa quyết liệt, còn xem nhẹ công tác CCHC, trong khi đây là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược giai đoạn 2011 - 2020 mà Đảng và Nhà nước đã xác định. Điều đáng lo ngại là kết quả cải cách thủ tục hành chính và chất lượng dịch vụ công năm qua còn rất hạn chế, khiến cho người dân, doanh nghiệp cảm nhận và đánh giá chưa tốt về môi trường đầu tư kinh doanh và sự phục vụ của các cơ quan nhà nước tại tỉnh.


Qua kiểm tra của đoàn kiểm tra CCHC tỉnh năm 2014 và theo dõi của Sở Nội vụ, đến nay, trong 19 sở đã được phê duyệt Đề án một cửa, một của liên thông theo hướng hiện đại vẫn còn các sở: Giáo dục và Đào tạo, Ngoại vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa đầu tư xong cơ sở vật chất và trang thiết bị công nghệ thông tin. Trong 16 sở đã được chuyển giao Bộ phần mềm một cửa điện tử vẫn còn các sở: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Tư pháp chưa thực hiện quản lý quá trình giải quyết hồ sơ trên phần mềm một cửa điện tử; Sở Kế hoạch - Đầu tư chưa cập nhật cơ sở dữ liệu thủ tục đăng ký doanh nghiệp vào phần mềm theo đúng đề án được phê duyệt. Các sở: Giao thông vận tải, Kế hoạch - Đầu tư, Y tế, Tài nguyên - Môi trường và Thanh tra tỉnh vẫn chưa tạo liên kết cổng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa trên website của cơ quan…  


Ông Ngô Truyện - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, nguyên nhân trước hết phải nói đến nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương; chưa trực tiếp chỉ đạo công tác CCHC mà giao cho cấp phó, thậm chí khoán trắng cho công chức chuyên trách CCHC. Do vậy, việc triển khai CCHC không bám mục tiêu, thiếu động lực, thiếu sự nghiên cứu nghiêm túc và thiếu sự phối hợp ngay trong chính nội bộ cơ quan. “Thời gian qua, cải cách thể chế và cải cách thủ tục hành chính còn chưa đồng bộ, chưa có trọng tâm, chậm và thiếu sự đột phá. Doanh nghiệp và nhà đầu tư còn thiếu nhiều thông tin về danh mục và chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư, chính sách xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công. Cải cách thủ tục chủ yếu là công bố và công khai theo quy định mới của Trung ương nhưng còn nhiều bất cập”, ông Truyện nhận xét.


Theo ông Truyện, để công tác CCHC trong tỉnh đạt kết quả tốt hơn nữa, các sở, ngành, địa phương phải chủ động và có trách nhiệm cao trong việc tổ chức thực hiện, khắc phục triệt để những yếu kém; đồng thời, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức thiếu tích cực trong việc chấp hành các quy định về CCHC. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương phải chủ động đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp CCHC chứ không chỉ dừng lại ở việc chấp hành chỉ đạo từ cấp trên. Ngoài ra, Sở Nội vụ kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt công tác CCHC, xem xét xử lý trách nhiệm, lấy kết quả CCHC để đánh giá kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ của người đứng đầu, làm căn cứ quan trọng để bình xét thi đua, khen thưởng.


 NHẬT THANH