Xác định công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm 2014, UBND thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn hạn chế…
Xác định công tác cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ) là nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm 2014, UBND thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh việc cấp GCN QSDĐ cho người dân. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn hạn chế…
Kết quả còn hạn chế
Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thị xã, 7 tháng qua, địa phương đã giải quyết 7.536 hồ sơ đất đai các loại cho nhân dân. Trong đó, đã cấp 2.909 GCN QSDĐ ban đầu, đạt 90,4% kế hoạch, hiện còn 313 hồ sơ đang tiếp tục giải quyết. Với những con số trên, có thể nói, việc cấp GCN QSDĐ ở thị xã đạt kết quả khá cao. Tuy nhiên, nếu tính theo diện tích, kế hoạch tỉnh giao thì tỷ lệ cấp GCN QSDĐ của thị xã còn rất khiêm tốn. Cụ thể, đối với đất sản xuất nông nghiệp, thị xã đã cấp hơn 443ha, chỉ đạt gần 30%; đất lâm nghiệp hơn 438ha, đạt 26%; đất ở nông thôn gần 19ha, đạt hơn 36,15%; đất ở đô thị 2,29ha, đạt 4,35% kế hoạch.
Lý giải về sự chênh lệch trên, theo một cán bộ Phòng TN-MT thị xã, do một số xã, phường chưa quan tâm đúng mức công tác thống kê, rà soát đăng ký cấp GCN QSDĐ. Điều này dẫn đến địa phương chưa nắm chính xác tổng số thửa, diện tích cần kê khai, đăng ký, số thửa đã kê khai đăng ký cấp GCN QSDĐ và số thửa còn lại phải kê khai. Vì vậy, khi xây dựng kế hoạch thực hiện không sát với thực tế của địa phương. Trong khi đó, Phòng TN-MT thị xã lại dựa vào số liệu báo cáo của các xã, phường nên từ đầu năm đã đề ra chỉ tiêu, kế hoạch cao hơn con số thực tế tại địa phương. Ngoài ra, một số hộ dân có đất lâm nghiệp, nông nghiệp cũng chưa quan tâm nhiều đến việc đăng ký để cấp GCN QSDĐ.
Người dân làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Bộ phận một cửa thị xã. |
Nguyên nhân khác dẫn đến việc cấp GCN QSDĐ còn hạn chế là một số hộ dân lấn chiếm mở rộng diện tích; thay đổi về hình thể thửa đất như: tự chuyển đổi đất giữa các hộ, cho mượn đất, cho thuê, gộp thửa... nên công tác cấp đổi GCN mất rất nhiều thời gian điều tra nguồn gốc và xác định tính pháp lý của thửa đất... Công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn thiếu chặt chẽ, thiếu hồ sơ, tài liệu gốc... Một số xã, phường chưa được đo đạc lập bản đồ địa chính chính quy hoặc trong quá trình xây dựng hồ sơ địa chính có sai sót về vị trí và hình thể thửa đất so với thực tế.
Giải pháp cụ thể
Theo ông Đặng Cửu - Trưởng phòng TN-MT thị xã Ninh Hòa, để khắc phục tình trạng trên, UBND thị xã đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tối đa cho việc cấp GCN QSDĐ. Theo đó, lãnh đạo các xã, phường quan tâm, chỉ đạo cán bộ địa chính lập danh sách cụ thể, chi tiết từng thửa đất, loại đất, chủ SDĐ theo từng thôn đã được cấp GCN QSDĐ và chưa được kê khai, đăng ký để có đánh giá chính xác việc đã thực hiện so với tổng nhu cầu, số còn lại cần phải thực hiện. Trên cơ sở kế hoạch cấp GCN mà UBND thị xã giao, UBND các xã, phường phân tích chỉ tiêu, chỉ đạo cán bộ địa chính lập kế hoạch cụ thể. Qua đó, hàng tuần, hàng tháng, lãnh đạo UBND các xã, phường cần kiểm tra tiến độ thực hiện của cán bộ địa chính để có hướng chỉ đạo. Ngoài ra, các xã, phường hợp đồng thêm lao động chuyên môn tập trung cho công tác cấp GCN QSDĐ.
Bên cạnh đó, thị xã tăng cường tuyên truyền cho người SDĐ hiểu về Luật Đất đai; thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về kế hoạch hoàn thành công tác cấp GCN QSDĐ để người dân biết và tự giác kê khai. Các xã, phường công khai thủ tục hành chính và hướng dẫn cho người SDĐ về thủ tục kê khai cấp GCN QSDĐ.
Đối với Văn phòng Đăng ký QSDĐ thị xã, khi các biểu mẫu có sự thay đổi, cần hướng dẫn đầy đủ cách ghi chép các biểu mẫu theo quy định để giúp các xã, phường lập hồ sơ hoàn chỉnh, đảm bảo tính pháp lý; thông báo kịp thời, rõ ràng và có thời gian chuyển tiếp để giải quyết đối với những hồ sơ đã nộp trước khi thay đổi. Đối với các thành viên Ban chỉ đạo cấp GCN QSDĐ thị xã, có kế hoạch thường xuyên xuống cơ sở đôn đốc, kiểm tra nắm tình hình thực hiện, kịp thời báo cáo những vướng mắc để có hướng giải quyết. Về diện tích đất nông nghiệp tăng thêm, sẽ xác định ranh giới, thời điểm SDĐ để có phương án có lợi nhất cho người dân và theo quy định của pháp luật.
K.H