09:07, 28/07/2014

Vì sự hài lòng của người dân

Việc đầu tư đồng bộ về nhân lực, công nghệ thông tin, trang thiết bị hiện đại... đã đem lại hiệu quả cao trong công tác cải cách hành chính của huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa).

Việc đầu tư đồng bộ về nhân lực, công nghệ thông tin (CNTT), trang thiết bị hiện đại... đã đem lại hiệu quả cao trong công tác cải cách hành chính (CCHC) của huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa).


Phục vụ tốt


Có mặt tại UBND xã Vạn Bình (huyện Vạn Ninh) vào trung tuần tháng 7, tuy mới đầu giờ sáng nhưng chúng tôi thấy người dân đến liên hệ, giao dịch công việc tại bộ phận một cửa liên thông theo hướng hiện đại của xã rất đông. Cán bộ bộ phận một cửa nhiệt tình hướng dẫn người dân làm các thủ tục hành chính (TTHC) để không tốn kém thời gian đi lại và chờ đợi.


Đây là lần thứ 3 đến giao dịch tại bộ phận một cửa liên thông ở UBND xã Vạn Bình nên bà Lê Thị Lan (thôn Trung Dõng 1) đã quen với quy trình nộp hồ sơ. Nhanh chóng tiếp nhận giấy tờ từ bà Lan, cán bộ phụ trách lĩnh vực đất đai kiểm tra hồ sơ, in giấy biên nhận và phiếu hẹn. Thông tin hồ sơ của bà Lan được nhập vào phần mềm quản lý để làm cơ sở quản lý hồ sơ một cách chính xác, tốt nhất. Cầm trên tay phiếu hẹn có ghi đầy đủ thông tin về ngày nhận hồ sơ, địa chỉ website, điện thoại để tự kiểm tra quá trình xử lý hồ sơ, bà Lan nói: “Bây giờ, tôi chỉ cần về nhà đợi đến ngày trả kết quả để nhận lại hồ sơ, chẳng cần tốn công chạy đi chạy lại hỏi kết quả như trước nữa, mọi việc thật thuận tiện”.

 

Người dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa liên thông xã Vạn Bình.
Người dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa liên thông xã Vạn Bình.


Không riêng bà Lan, người dân xã Vạn Bình và các địa phương khác ở huyện Vạn Ninh, khi đến bộ phận một cửa liên thông của xã giao dịch đều cảm thấy hài lòng với chất lượng phục vụ của đơn vị. Đến nay, huyện Vạn Ninh đã có 12/13 xã, thị trấn triển khai mô hình một cửa liên thông theo hướng hiện đại đối với toàn bộ 9 lĩnh vực TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã. Ông Võ Thành Sơn - Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Vạn Ninh cho biết: “Với mục tiêu lấy CCHC làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện đã tập trung cải cách TTHC, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đầu tư ứng dụng CNTT; đồng thời lấy sự hài lòng của người dân và tổ chức làm thước đo hiệu quả công tác CCHC. Do việc tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ giữa các phòng, ban chuyên môn được quản lý trên phần mềm, nên khi phát hiện hồ sơ tồn đọng, trễ hẹn ở phòng, ban nào, do cán bộ nào xử lý, chúng tôi sẽ đôn đốc, nhắc nhở ngay để hoàn thành các thủ tục đúng thời gian quy định”.


Ứng dụng công nghệ thông tin


Đẩy mạnh ứng dụng CNTT là nét nổi bật trong công tác CCHC ở huyện Vạn Ninh. Có thể nói, đây là địa phương đi đầu về ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính. Từ ngày 1-4-2013, tất cả các phòng, ban, đơn vị cấp huyện, UBND các xã, thị trấn đã chính thức áp dụng phần mềm Văn phòng điện tử E-office. Đến nay, việc xử lý văn bản, chỉ đạo, giao việc cho các phòng, ban, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức huyện và cấp xã được thực hiện chủ yếu thông qua ứng dụng các tính năng trên phần mềm này, cơ bản thay đổi phương thức quản lý truyền thống (văn phòng giấy) sang ứng dụng CNTT (văn phòng điện tử), làm cho công tác chỉ đạo, điều hành được kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí hành chính.


Ông Nguyễn Văn Tính - Chủ tịch UBND xã Vạn Bình cho biết, việc ứng dụng CNTT vào công tác CCHC mang lại hiệu quả thiết thực. Người dân đến liên hệ công việc nhanh chóng, thuận lợi; đồng thời, cán bộ bộ phận một cửa làm việc hiệu quả hơn. Hệ thống máy tính nối mạng Internet tại bộ phận một cửa liên thông theo hướng hiện đại cũng giúp người dân, tổ chức đến giao dịch có thể truy cập các trang thông tin, nắm được những yêu cầu về giấy tờ liên quan đến thủ tục mình muốn giao dịch. Hơn nữa, người dân cũng biết được trình tự diễn ra của hệ thống và công việc, giao dịch của mình đã và đang được xử lý ở khâu nào. Thông qua cổng thông tin điện tử của xã, người dân có thể đăng ký các thủ tục ngay trên máy tính tại nhà mà không cần tới trụ sở xã...

 

6 tháng đầu năm 2014, toàn huyện tiếp nhận và giải quyết hơn 31.000 hồ sơ. Trong đó, cấp huyện hơn 5.000 hồ sơ, cấp xã hơn 26.000 hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hẹn đạt 100%. 

Bên cạnh đó, đến nay, hệ thống một cửa điện tử của huyện Vạn Ninh đã đi vào hoạt động được hơn 2 tháng. Các TTHC được đưa lên cổng thông tin điện tử của huyện để công khai cho người dân cũng như các tổ chức biết. Qua đó, đã có khoảng 600 TTHC đã được đăng tải. Đặc biệt, huyện đang tiến hành triển khai tiếp nhận, giải quyết TTHC trực tuyến qua mạng Internet ở mức độ 3. Ở mức độ này, người dân có thể ở nhà thao tác máy tính để làm các thủ tục trong 3 lĩnh vực, 5 chuyên ngành: tài nguyên và môi trường (cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trúng đấu giá; thông tin về đất đai); lao động - thương binh - xã hội (hỗ trợ tiền mai táng phí cho đối tượng bảo trợ xã hội); quản lý đô thị (cấp giấy phép cải tạo, sửa chữa nhà ở; cấp giấy phép xây mới nhà ở trong đô thị). Dự kiến, đầu tháng 8-2014, mô hình này sẽ được đưa vào sử dụng.


Theo ông Võ Thành Sơn, việc ứng dụng CNTT được thực hiện rộng rãi trong các khâu giải quyết công việc từ huyện đến các xã, thị trấn đã tạo được sự đồng bộ, nhịp nhàng trong hệ thống hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và hiệu quả quản lý nhà nước. Cùng với đó, tinh thần, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức cũng từng bước đi vào nề nếp, đem lại hài lòng cho người dân.


THÀNH NAM