07:07, 21/07/2014

Tin học hóa giải quyết thủ tục hành chính

Từ ngày 1-7, 109 thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trực tuyến ở mức độ 3 đã được hiện đại hóa một bước về cách thức giao tiếp, giải quyết công việc giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan hành chính Nhà nước.

Từ ngày 1-7, 109 thủ tục hành chính (TTHC) được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trực tuyến ở mức độ 3 đã được hiện đại hóa một bước về cách thức giao tiếp, giải quyết công việc giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan hành chính Nhà nước.


Theo đó, tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện các TTHC thuộc danh mục có thể chọn cách nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa của cơ quan hành chính có liên quan hoặc thực hiện theo quy trình trực tuyến. Với quy trình trực tuyến mức độ 3 cho phép tổ chức, cá nhân tải, điền thông tin biểu mẫu, nộp hồ sơ qua mạng Internet đến các cơ quan. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trong môi trường mạng. Tổ chức, cá nhân chỉ trực tiếp đến cơ quan để nhận kết quả, nộp lệ phí (nếu có).


Quy trình thực hiện gồm 5 bước. Trước tiên, khách hàng truy cập website của cơ quan hành chính để tìm hiểu và đăng ký thực hiện thủ tục (có thể chọn website của sở, ngành, địa phương rồi chọn mục “Tiếp nhận, giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa” hoặc truy cập trực tiếp vào trang chủ cổng thông tin “Tiếp nhận, giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa”). Bước 2, khách hàng thực hiện đăng ký tài khoản và đăng nhập. Bước 3, thực hiện soạn thảo hồ sơ điện tử bằng cách chọn chức năng “Soạn hồ sơ” rồi lựa chọn TTHC muốn thực hiện để xem thành phần hồ sơ và các thông tin liên quan. Khách hàng tải các biểu mẫu để điền thông tin, đính kèm đầy đủ các tài liệu, biểu mẫu giấy tờ hồ sơ (được định dạng file word, pdf, tif, jpeg) rồi lưu hồ sơ. Phần mềm cho phép khách hàng chỉnh sửa, bổ sung, thay thế các tài liệu, biểu mẫu bằng cách nhấp đúp vào hồ sơ.


Sau khi đã hiệu chỉnh xong hồ sơ (nếu có), bước 4, khách hàng chọn “Nộp hồ sơ” để gửi hồ sơ điện tử cho bộ phận một cửa. Bộ phận một cửa sẽ kiểm tra hồ sơ và gửi biên nhận hồ sơ kiêm phiếu hẹn vào tài khoản của công dân nếu hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ theo quy định hoặc gửi thông báo đề nghị bổ túc hồ sơ. Bước 5 là tra cứu tiến độ và nhận kết quả. Trong quá trình chờ giải quyết hồ sơ, khách hàng có thể kiểm tra tiến độ giải quyết hồ sơ khi chọn “Xem tiến độ xử lý”. Đến ngày hẹn trả kết quả hoặc khi có thông báo nhận kết quả của bộ phận một cửa (khi kết quả sớm hẹn), khách hàng chuẩn bị hồ sơ chính thức, in phiếu biên nhận nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa. Sau khi đối chiếu hồ sơ gốc và hồ sơ điện tử, nếu trùng khớp, chính xác, đầy đủ, hợp lệ thì bộ phận một cửa sẽ thu phí, lệ phí (nếu có), thu hồ sơ chính thức và phiếu biên nhận, rồi trả kết quả cho khách hàng.

 

Theo Quyết định 1375 của UBND tỉnh, 12 sở, ngành thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC trực tuyến mức độ 3 gồm: Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong; 6 UBND cấp huyện: Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Lâm, Vạn Ninh (trừ UBND huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và Trường Sa); 14 đơn vị cấp xã.

Để việc tổ chức thực hiện thông suốt, đảm bảo hiệu quả giao dịch trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, các sở, ngành, UBND các địa phương có TTHC trực tuyến mức độ 3 đã tiến hành rà soát toàn bộ cơ sở dữ liệu TTHC trong phần mềm một cửa điện tử của cơ quan; phối hợp với các bên liên quan cập nhật, bổ sung đầy đủ thủ tục và biểu mẫu kèm theo; đồng thời tập trung hướng dẫn, vận hành thử nghiệm để cán bộ một cửa làm quen và thực hiện thành thạo việc kiểm tra, hướng dẫn, giao dịch trực tuyến với tổ chức cá nhân, bảo đảm thời hạn trả lời hồ sơ trực tuyến theo đúng quy định. Ông Nguyễn Kim Hòa - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, việc thực hiện các TTHC trực tuyến với nền tảng là bộ phần mềm một cửa điện tử được xây dựng trên công nghệ web, không cài đặt trên từng máy của cán bộ, công chức mà trên địa chỉ IP nên người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện ở bất cứ nơi đâu có máy tính kết nối Internet. Các cơ quan hành chính cũng giảm bớt chi phí đầu tư như trang bị máy chủ. Tuy nhiên, với người dân vùng sâu, vùng xa có thể sẽ gặp khó khăn vì không có máy tính và hạ tầng Internet. Người dân có thể đến các bưu điện văn hóa xã, thư viện có máy tính kết nối Internet.


Theo ông Nguyễn Trọng Thái - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, việc tiếp nhận, giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trực tuyến mức độ 3 (giữa cơ quan hành chính Nhà nước với khách hàng) sẽ giảm thời gian, số lần đi lại và giảm tốn kém chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Hiện nay, Sở Nội vụ đang hoàn thiện Đề án thí điểm phối hợp giải quyết TTHC giữa các cơ quan hành chính trực tuyến qua mạng theo cơ chế một cửa liên thông (trực tuyến mức độ 3 giữa các cơ quan hành chính Nhà nước). Theo kế hoạch, trong năm 2015, sẽ hoàn thành toàn bộ việc triển khai mô hình một cửa, một cửa liên thông ở cả 3 cấp hành chính thuộc tỉnh. Đây là những bước đi đồng bộ nhằm thực hiện mục tiêu tin học hóa giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở mức độ 3 trên toàn hệ thống hành chính địa phương, hiện đại hóa cung cấp dịch vụ công cho người dân cũng như điều hành của bộ máy hành chính tỉnh, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử.


N.D