Theo ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng phòng Cải cách hành chính Sở Nội vụ, qua khảo sát, đánh giá chất lượng cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh trong Cải cách hành chính cho thấy, sau những nỗ lực củng cố và tăng cường, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã có những chuyển biến tích cực về chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.
Theo ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng phòng Cải cách hành chính (CCHC) Sở Nội vụ, qua khảo sát, đánh giá chất lượng cán bộ (CB), công chức (CC) cấp xã trên địa bàn tỉnh trong CCHC cho thấy, sau những nỗ lực củng cố và tăng cường, đội ngũ CB, CC cấp xã đã có những chuyển biến tích cực về chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.
Cơ bản đạt yêu cầu
Nhìn chung, đa số ý kiến đánh giá kiến thức của đội ngũ CB, CC cấp xã đã có chuyển biến tích cực, đáp ứng được yêu cầu của công việc, nhất là việc nắm vững và thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Điều này cũng phù hợp với sự tăng lên về chất lượng của đội ngũ CB, CC cấp xã. Cuối năm 2005, toàn tỉnh có tỷ lệ CB cấp xã đạt chuẩn là 32,77%, CC đạt chuẩn 60,62%. Đến hết năm 2012, toàn tỉnh có 61,66% CB và 90,95% CC đạt chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Thái độ của CB, CC nói chung và CB, CC cấp xã nói riêng được đánh giá cơ bản đạt yêu cầu.
Kỹ năng của đội ngũ CB, CC có tính quyết định nhất đến hiệu quả thực thi công vụ, giải quyết các công việc. Kết quả khảo sát cho thấy, đội ngũ CB, CC đã phần nào tiếp cận và vận dụng tốt một số kỹ năng trong thực tế công việc như: kỹ năng tổ chức thực hiện kế hoạch và điều hành công việc, xây dựng văn bản quản lý, điều hành cấp xã. Điều này tác động tích cực đến việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý hành chính của đội ngũ CB, CC cấp xã.
Vẫn còn hạn chế
“Đội ngũ CB, CC, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có đủ trình độ, năng lực, số lượng và cơ cấu hợp lý để thực hiện nhiệm vụ, công vụ, phục vụ nhân dân; đặc biệt là đủ năng lực để tham mưu, xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, dự án, nhiệm vụ quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính, dịch vụ công có chất lượng” là một trong những mục tiêu đặt ra trong Chương trình CCHC tỉnh giai đoạn 2011 - 2020. |
Bên cạnh kết quả đáng ghi nhận, đội ngũ CB, CC cấp xã vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Xét trên góc độ hệ thống, đội ngũ CB, CC cấp xã vẫn còn chưa cân đối về cơ cấu; số lượng chưa qua đào tạo quản lý nhà nước còn quá cao. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về thái độ, tinh thần phục vụ, kết quả làm việc của đội ngũ CB, CC còn thấp. Một bộ phận CB, CC cấp xã chưa quan tâm đến sự hài lòng của công dân trong giải quyết công việc, chưa có thái độ tích cực thật sự đối với công việc. “Khách hàng” của cơ quan công quyền đánh giá việc CB, CC cấp xã tham gia thuyết phục nhân dân chấp hành chính sách pháp luật ở mức không cao. Đặc biệt là ý kiến của nhóm đối tượng là các doanh nghiệp (43,1% ý kiến đánh giá ở mức hoàn toàn không đạt yêu cầu và chưa đạt yêu cầu). Do đó, cần quan tâm đến việc nâng cao kỹ năng thuyết phục, giao tiếp, thái độ phục vụ của đội ngũ CB, CC nhằm cải thiện và nâng cao hình ảnh của cơ quan Nhà nước đối với công dân, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp. Thêm vào đó, vẫn còn tình trạng thiếu chủ động trong tiếp nhận, xử lý thông tin phục vụ cho yêu cầu nâng cao hiệu quả công việc.
Kết quả khảo sát cho thấy, những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn chế về năng lực của đội ngũ CB, CC cấp xã là: Chưa rèn luyện đạo đức CC, công vụ; chưa nhận thức đúng về trách nhiệm phục vụ nhân dân; chưa tự giác nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; chưa có kỹ năng lắng nghe, thuyết phục quần chúng; tuyển dụng đầu vào chưa đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu công vụ. Bên cạnh đó, hiện nay, việc đào tạo, bồi dưỡng CB, CC còn nặng về lý luận chung, thiếu tính thực tiễn (75,2% lãnh đạo xã, 83,9% CC cấp xã được khảo sát có chung nhận định này). Chính sách tiền lương, đãi ngộ chưa đáp ứng được nhu cầu của CC, chưa dựa trên hiệu quả công việc nên chưa tạo được động lực để CC cải tiến lề lối làm việc.
Từ kết quả khảo sát, nghiên cứu, ông Nguyễn Văn Minh kiến nghị, cần nhận thức đúng và thống nhất về tầm quan trọng của chính quyền cơ sở, vai trò và mối quan hệ của nó trong hệ thống hành chính Nhà nước và trong mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân. Bên cạnh đó, cần đánh giá đúng khối lượng và tính chất phức tạp của quản lý nhà nước ở cơ sở để bố trí đủ nhân lực phù hợp với thực tế, mạnh dạn giao quyền và trách nhiệm, đầu tư đầy đủ cho cơ sở vật chất, phương tiện, chế độ chính sách đãi ngộ và đào tạo bồi dưỡng; xây dựng hệ thống thang đo và quy trình đánh giá chất lượng CB, CC theo định kỳ...
N.D