Từ đầu năm đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã triển khai rộng rãi kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) trong toàn ngành theo hướng tinh giảm thủ tục, đổi mới lề lối làm việc, đảm bảo tính dân chủ, nâng cao chất lượng phục vụ các yêu cầu chính đáng của tổ chức, công dân.
Từ đầu năm đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã triển khai rộng rãi kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) trong toàn ngành theo hướng tinh giảm thủ tục, đổi mới lề lối làm việc, đảm bảo tính dân chủ, nâng cao chất lượng phục vụ các yêu cầu chính đáng của tổ chức, công dân.
Một trong những nội dung CCHC của ngành GD-ĐT thực hiện có hiệu quả là tiếp tục mở rộng việc ứng dụng tin học trong quản lý hành chính và tác nghiệp chuyên môn. Toàn ngành đã trang bị đầy đủ máy vi tính cho cán bộ, công chức, nối mạng LAN và Internet; mỗi cán bộ, công chức đều có địa chỉ thư điện tử và thường xuyên sử dụng thư điện tử trong trao đổi công tác. Các loại văn bản như: lịch làm việc, công văn, báo cáo, giấy mời, nội dung trao đổi công việc... đều được yêu cầu gửi qua hệ thống thư điện tử. Việc làm này không chỉ tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm, thời gian mà còn tạo hiệu quả khá rõ về quản lý công văn, quản lý chuyên môn, tổ chức thi cử, nhất là thông báo các thông tin khẩn trong toàn ngành. Nhờ vậy, một số hoạt động đòi hỏi thời gian gấp rút vẫn có thể thực hiện được.
Hiện nay, ngoài việc triển khai thực hiện cơ chế “một cửa” đối với 7 lĩnh vực công việc có liên quan đến nhu cầu của người dân, Sở GD-ĐT còn mở rộng thêm các lĩnh vực khác như: tiếp nhận hồ sơ xin thuyên chuyển của cán bộ, giáo viên đã được áp dụng theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000 và đang được nâng cấp thành tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Tại bộ phận “một cửa”, mọi hồ sơ sau khi tiếp nhận đều được giải quyết kịp thời, nhiều hồ sơ được giải quyết ngay tại chỗ (như: chuyển trường, đóng dấu bổ sung...) hoặc sớm hơn so với thời hạn quy định. Nhiều người dân đến liên hệ công việc tại bộ phận “một cửa” đều hài lòng với tác phong làm việc tận tụy, nhiệt tình và vô tư của cán bộ, công chức. Ông Trần Quang Mẫn - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, những thủ tục không thuộc về “một cửa” như: tổ chức đấu thầu, tuyển công chức..., Sở đều tuân theo quy định của Nhà nước và UBND tỉnh. Tất cả đều đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch. Lãnh đạo Sở thường xuyên nhắc nhở, chỉ đạo các đơn vị, trường học tạo mọi điều kiện thuận lợi để giải quyết kịp thời những yêu cầu chính đáng của nhân dân và học sinh. Khi có đơn thư, ý kiến phản hồi về các hiện tượng gây nhũng nhiễu, phiền hà hoặc có biểu hiện tiêu cực đều tổ chức thanh tra, kiểm tra để xác minh, kết luận hoặc chuyển cho các cấp thẩm quyền giải quyết đúng theo quy định phân cấp quản lý giáo dục. Bên cạnh đó, Sở đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung 27 thủ tục hành chính (TTHC), bãi bỏ 15 TTHC và bổ sung 2 TTHC có liên quan đến GD-ĐT. Hiện nay, các TTHC đều được công khai trên trang thông tin điện tử của ngành và công khai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Ngoài ra, Sở đã xây dựng quy chế làm việc và đang xây dựng quy chế phối hợp hoạt động, quản lý nhà nước giữa Sở GD-ĐT với các sở, ngành, địa phương.
Để công tác CCHC thực hiện có hiệu quả, thông qua các cuộc họp giao ban hàng tháng, sơ kết học kỳ 1 và tổng kết năm học, Sở GD-ĐT thường xuyên đánh giá, nhận xét về công tác CCHC trong ngành và trong nội bộ cơ quan để có biện pháp cải tiến đạt hiệu quả tốt hơn. Trong công tác thi đua khen thưởng, Sở luôn đề cao yêu cầu và kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của từng đơn vị, trường học. Sở cũng đã tiến hành cải tiến và hoàn thiện dần phương thức, tiêu chuẩn đánh giá thi đua - khen thưởng theo hướng giao quyền và trách nhiệm cho đơn vị, từng tổ hoặc cụm thi đua để đánh giá khách quan, công bằng (coi đây cũng là một nội dung CCHC của ngành GD-ĐT).
Có thể nói, công tác CCHC của ngành GD-ĐT thời gian qua đã đạt kết quả khá toàn diện. Trước hết là minh bạch hóa các mối quan hệ trong công tác của nội bộ từng cơ quan, đơn vị cũng như của cán bộ, công chức với nhân dân; làm rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ của từng người và từng bộ phận. Nhờ đó, chất lượng và tiến độ công việc tiến bộ hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở GD-ĐT, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục. Đó là phải tiếp tục rút kinh nghiệm và hoàn thiện các công việc giải quyết theo cơ chế “một cửa”, phấn đấu rút ngắn thời gian giải quyết công việc hơn nữa; hoàn chỉnh cơ chế khoán đạt hiệu quả tốt hơn, trong đó đảm bảo phải có phần tiết kiệm để tăng thu nhập chính đáng cho cán bộ, công chức; tiếp tục triển khai Đề án Tin học hóa quản lý giáo dục đạt hiệu quả sâu rộng và vững chắc hơn nữa; nâng cao hiệu lực chỉ đạo trong công tác quản lý giáo dục, đảm bảo tính khoa học, kịp thời và minh bạch.
LÊ NGUYÊN