Từ nhiều năm nay, ở xóm Soi Mít (thôn Hòn Lay, xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh), đồng bào Ê đê duy trì đội văn nghệ truyền thống. Mỗi dịp lễ hội, sinh hoạt văn hóa, tiếng chiêng, tiếng kèn, tiếng đing năm... lại ngân lên hòa cùng những điệu múa uyển chuyển của các thôn nữ. Qua đó, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Rừng xanh vang tiếng nhạc
Trong cái nắng chói chang của những ngày hè, chúng tôi đến với đồng bào Ê đê xóm Soi Mít để được mắt thấy, tai nghe những thanh âm của đại ngàn. Gặp chúng tôi, già làng Y P’Ranh, năm nay đã 81 tuổi tự hào cho biết: “Từ sau ngày giải phóng, ở làng Soi Mít đã có đội văn nghệ rồi. Mỗi dịp trong làng tổ chức lễ cúng bến nước, lễ cưới, hay những ngày địa phương có hoạt động kỷ niệm quan trọng, các thành viên trong đội văn nghệ lại tham gia biểu diễn phục vụ dân làng. Trải qua mấy chục mùa rẫy, dù gặp những khó khăn, hoạt động của đội văn nghệ có lúc sôi nổi, có khi trầm lắng, nhưng làng vẫn cố gắng duy trì”. Để minh chứng cho lời nói của mình, già làng Y P’Ranh đưa chúng tôi đi giới thiệu tên từng người trong đội: A Đát Y Nam - đội trưởng; H Trây Y Oanh (73 tuổi) - người gắn bó lâu năm nhất với đội văn nghệ; M Lô Y Sương - diễn viên múa; H Trây H Uyên - thành viên trẻ nhất và cũng là đội phó... Trong đội văn nghệ với 17 thành viên, có những cặp vợ chồng, có những người là anh em, cha con, ông cháu cùng tham gia nên tạo được sự gắn kết chặt chẽ trong mỗi hoạt động.
Nghệ nhân H Trây Y Oanh hát dân ca Ayray trong tiếng nhạc cụ đing năm do nghệ nhân A Đát Y Nam thổi. |
Chúng tôi từng được xem các thành viên đội văn nghệ truyền thống thôn Hòn Lay tái hiện lễ cúng bến nước của đồng bào Ê đê trong Chương trình Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh vào năm 2022. Ở đó, các thành viên thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa màn trình diễn các bài văn cúng với nghệ thuật hát xướng những làn điệu dân ca Ayray, hòa tấu nhạc cụ cồng chiêng, đing năm, đing ktút… Và hôm nay, giữa không gian núi rừng, chúng tôi lại có dịp được xem đội văn nghệ truyền thống thôn Hòn Lay biểu diễn một số tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là màn hòa tấu cồng chiêng do những thành viên nam thể hiện, kết hợp với điệu múa xoang của những thành viên nữ như mang đến bầu không khí lễ ăn mừng lúa mới. Hay khi nghe tiếng đing năm do nghệ nhân A Đát Y Nam thổi để bắt nhịp cho điệu dân ca trữ tình Ayray có nội dung ca ngợi Đảng, biết ơn Bác Hồ do nghệ nhân H Trây Y Oanh hát đã thực sự mang đến cho chúng tôi những cảm xúc khó tả. Nghệ nhân H Trây Y Oanh chia sẻ: “Tôi tham gia vào đội văn nghệ của làng từ lâu. Trước đây, tôi trình diễn các loại nhạc cụ, hát các làn điệu dân ca. Bây giờ, tôi còn có thêm nhiệm vụ chế tác các loại nhạc cụ để mọi người biểu diễn. Mặc dù tuổi đời càng ngày càng cao song tình cảm của tôi dành cho đội văn nghệ không hề vơi cạn”.
Nghệ nhân H Trây Y Oanh hướng dẫn H Trây H Uyên cách sử dụng nhạc cụ đing năm. |
Niềm vui của buôn làng
Hiện nay, đồng bào Ê đê ở xóm Soi Mít vẫn giữ được những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo như: lễ cúng bến nước, lễ cưới, lễ bỏ mả... “Sinh hoạt cộng đồng quan trọng nhất với chúng tôi là lễ cúng bến nước. Lễ này thường được tổ chức khi lúa trên ruộng nương đã thu hoạch xong, phơi cất gọn gàng trong kho. Lúc này, mọi người cùng nhau thực hiện lễ cúng bến nước để tạ ơn Yàng (trời) ban cho mưa thuận gió hòa, tạ ơn các vị thần linh đã che chở, bảo vệ cho dân làng. Và điều không thể thiếu trong mỗi buổi lễ chính là màn trình diễn của các thành viên đội văn nghệ. Họ mang đến cho dân làng những thanh âm của tổ tiên bao đời truyền lại, để các thế hệ hôm nay nhớ về cội nguồn của mình”, già làng Y P’Ranh cho biết.
Theo bà Lê Thị Thu Hồng - Trưởng thôn Hòn Lay, đồng bào Ê đê ở trong thôn có khoảng 470 hộ với hơn 1.500 nhân khẩu, sinh sống tập trung tại xóm Soi Mít. Người dân chủ yếu làm nương, làm rẫy, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tinh thần luôn lạc quan, vui tươi. Người dân tự thành lập, duy trì đội văn nghệ để biểu diễn phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ trong buôn làng. Mỗi lần xã hay huyện tổ chức các hoạt động nghệ thuật quần chúng, đội đều tham gia và đạt nhiều giải cao. Mới đây, UBND xã Khánh Hiệp đã có quyết định thành lập đội văn nghệ truyền thống thôn Hòn Lay. Từ đây, đội sẽ tích cực hơn trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức tập luyện, biểu diễn phục vụ nhân dân địa phương.
Điệu múa xoang do các thành viên nữ đội văn nghệ truyền thống thôn Hòn Lay biểu diễn. |
Hiện nay, đội có sự tham gia của những thành viên trẻ tuổi, vừa mang đến những làn gió mới, vừa có người kế cận. “Bây giờ, có thêm một số thành viên trẻ tuổi để chúng tôi có thể trao truyền, chỉ dạy những làn điệu, cách thức biểu diễn nhạc cụ nên rất vui”, nghệ nhân H Trây Y Oanh tâm sự. Thành viên trẻ nhất đội H Trây H Uyên cho biết: “Năm nay tôi 19 tuổi. Tôi tham gia vào đội văn nghệ từ sự động viên của bố cũng là thành viên trong đội. Bản thân tôi rất yêu mến, trân trọng những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình và mong muốn được góp phần cùng với các thế hệ đi trước giữ gìn, giới thiệu đến mọi người. Dù mới vào đội được mấy tháng song tôi đã biết múa một số điệu phổ biến và đang học hát dân ca, cũng như sử dụng đing năm”.
Nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa
Trao đổi với chúng tôi về hoạt động của đội, ông A Đát Y Hanh - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hiệp cho biết, đội văn nghệ được duy trì từ lâu và từ năm 2022 đến nay, chính quyền địa phương đã quan tâm, hỗ trợ các thành viên trong đội hoạt động hiệu quả hơn. Các thành viên trong đội đã góp phần quan trọng trong phát triển hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Sắp tới, xã có hướng liên hệ với những điểm du lịch để giới thiệu đội văn nghệ đến biểu diễn phục vụ khách du lịch. Qua đó, vừa có thể giữ gìn, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa giúp các thành viên trong đội có thêm thu nhập để tiếp tục gắn bó.
Già làng Y P’Ranh thổi một khúc bằng đing ktút cho các cháu nhỏ nghe. |
Theo ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Khánh Vĩnh, thực hiện kế hoạch triển khai Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, các xã trên địa bàn huyện đã thành lập được 7 đội văn nghệ truyền thống. Trong đó, đội văn nghệ truyền thống thôn Hòn Lay là một trong những đội hoạt động thường xuyên, hiệu quả để giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào Ê đê. Trong năm 2024, Phòng Văn hóa và Thông tin thực hiện các hoạt động như: Tổ chức phục dựng lễ cúng bến nước của dân tộc Ê đê tại xã Khánh Hiệp một cách quy mô, bài bản; hỗ trợ xây dựng 3 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian, trong đó có câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Ê đê tại thôn Hòn Lay trên cơ sở đội văn nghệ truyền thống của thôn; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho 6 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có đội văn nghệ truyền thống thôn Hòn Lay. Thông qua đó, nhằm tăng cường công tác bảo tồn và phục dựng văn hóa truyền thống đồng bào Ê đê, gắn với hoạt động phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.
Màn hòa tấu cồng chiêng của các thành viên đội văn nghệ truyền thống thôn Hòn Lay. |
Chia tay những thành viên đội văn nghệ truyền thống thôn Hòn Lay, chúng tôi lưu luyến những tiếng cồng chiêng, tiếng đing năm trầm vọng và những điệu múa duyên dáng của các thành viên trong đội. Điều vui hơn là di sản văn hóa truyền thống đã được giữ gìn, phát huy làm giàu, làm đẹp cho đời sống tinh thần của người dân.
GIANG ĐÌNH - VĨNH THÀNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin