10:10, 11/10/2022

Xóm chân đèo hôm nay

Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa hàng chục hộ dân dưới chân đèo Cả (thôn Đông Nam, xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh) sau bao năm sống trong nỗi lo sạt lở, giờ đây đã được bồi thường, hỗ trợ di dời về nơi ở mới khang trang, an toàn. Cuộc sống ổn định ở khu tái định cư mở ra tương lai tươi sáng cho người dân nơi đây…

Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa hàng chục hộ dân dưới chân đèo Cả (thôn Đông Nam, xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh) sau bao năm sống trong nỗi lo sạt lở, giờ đây đã được bồi thường, hỗ trợ di dời về nơi ở mới khang trang, an toàn. Cuộc sống ổn định ở khu tái định cư mở ra tương lai tươi sáng cho người dân nơi đây…


Niềm vui an cư


Trở lại khu dân cư dưới chân đèo Cả, không còn thấy dấu tích xóm tạm ngày xưa, những căn nhà tạm, dột nát ngày nào đã được đập bỏ, san bằng; còn người dân nơi đây đã được hỗ trợ, cấp đất rồi xây nhà mới ở Khu tái định cư số 2 (thôn Đông Bắc, xã Đại Lãnh). Đến khu tái định cư, trước mắt chúng tôi là những căn nhà mới khang trang, rộng rãi cùng niềm phấn khởi của người dân đã được an cư. Trong căn nhà mới khang trang rộng hơn 100m2, khuôn mặt bà Trần Thị Bê rạng rỡ, ánh lên niềm vui. Bà Bê chia sẻ: “Gia đình về nhà mới đã gần 1 tháng, nhưng đến giờ tôi vẫn ngỡ mình đang nằm mơ. 20 năm sống dưới chân đèo Cả, gia đình tôi luôn lo sợ mỗi khi trời mưa bão. Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chính quyền địa phương đã đền bù cho tôi hơn 500 triệu đồng và cấp 1 lô đất tái định cư. Nhờ đó, gia đình có tiền xây căn nhà khang trang. Giờ đây, dù trời mưa bão, gia đình tôi cũng không lo lắng, yên tâm làm ăn”.

 

Người dân dưới chân núi đèo Cả được hỗ trợ, cấp đất xây nhà mới ở Khu tái định cư số 2.

Căn nhà của ông Chu Văn Lĩnh đang được xây dựng.


Sát vách nhà bà Bê là căn nhà tầng của gia đình ông Chu Văn Lĩnh đang được xây dựng. Gặp chúng tôi, ông Lĩnh phấn khởi khoe: “Mừng lắm! Không nghĩ gia đình mình lại có được ngày hôm nay. Hơn 15 năm ở dưới chân núi đèo Cả là từng ấy năm gia đình với 4 nhân khẩu sống trong lo sợ. Đã vậy, nơi ở cũ lại lụp xụp, vừa bức bí, vừa nguy hiểm”. Được biết, căn nhà cũ của gia đình ông Lĩnh rộng hơn 50m2, được Nhà nước đền bù gần 300 triệu đồng và cấp một lô đất tái định cư rộng hơn 100m2. Cùng với số tiền tích cóp, vay mượn, gia đình ông đầu tư xây căn nhà mới dự tính 700 triệu đồng. Khoảng một tháng nữa, gia đình ông sẽ được về nhà mới.


Nhớ về những ngày đã qua, ông Nguyễn Thanh Trúc, mới chuyển về Khu tái định cư số 2 kể, những năm sống dưới chân núi, chứng kiến nhiều vụ sạt lở đất đá, là lời cảnh báo nguy cơ mất an toàn của khu dân cư. Mỗi lần mưa bão, chính quyền địa phương lại tới thúc giục người dân đi sơ tán để đảm bảo an toàn. Mỗi năm, người dân phải sơ tán mấy lần, giờ được Nhà nước đền bù, cấp đất tái định cư xây nhà, ai cũng mừng rỡ, tràn đầy hi vọng về cuộc sống mới.


Chủ trương hợp lòng dân


Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Xuân Lương - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Vạn Ninh cho biết, sau khi di dời các hộ dân dưới chân đèo Cả về nơi ở mới, cả người dân và chính quyền địa phương đều vui mừng bởi khu dân cư này là điểm xung yếu, có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá. Khi mưa bão, chính quyền địa phương phải bố trí lực lượng sơ tán dân, vừa tốn kém, vừa vất vả. Người dân rất muốn di dời đến nơi khác an toàn, nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa thể mua đất, xây nhà nơi khác. Năm 2019, khi kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão của địa phương, ông Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội khi ấy là Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương phải sớm nghiên cứu phương án di dời người dân ở khu vực này đi nơi khác. Đồng thời, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo rốt ráo về vấn đề này. Từ chủ trương ấy, các cấp, ngành, địa phương đã từng bước triển khai nhiệm vụ kiểm kê, đo đạc, tìm vị trí phù hợp để hỗ trợ, cấp đất tái định cư cho người dân.

 

Người dân dưới chân núi đèo Cả được hỗ trợ, cấp đất xây nhà mới ở Khu tái định cư số 2.

Người dân dưới chân núi đèo Cả được hỗ trợ, cấp đất xây nhà mới ở Khu tái định cư số 2.


Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, UBND huyện Vạn Ninh phối hợp với Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp miền Trung lập đề cương và dự toán chi phí triển khai với tổng mức đầu tư hơn 12 tỷ đồng. Qua kiểm kê, khu dân cư có 31 trường hợp bị ảnh hưởng, với tổng diện tích phải thu hồi 6.505m2, trong đó có 2 trường hợp đất tổ chức không bồi thường và 29 trường hợp hộ gia đình, cá nhân. Trong số đó, có 21 trường hợp đủ điều kiện được bố trí cấp đất tái định cư, tương ứng với 23 lô đất tại Khu tái định cư số 2. Đến nay, có 25 trường hợp đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, còn lại 4 trường hợp chưa nhận.


Ông Nguyễn Ngọc Tuấn (một trường hợp được bồi thường, hỗ trợ) cho biết: “Chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân nên ai cũng phấn khởi đồng thuận. Trong quá trình giải quyết, chính quyền địa phương đã thực hiện công bằng, minh bạch và tạo điều kiện cho người dân. Chỉ sau 15 ngày nhận bồi thường, hỗ trợ, nhận đất tái định cư, địa phương đã cấp sổ đỏ cho người dân nên ai cũng an tâm”. Điều đáng mừng là về nơi ở mới, ý thức của người dân được nâng lên. Ông Nguyễn Thanh Trúc chia sẻ: “Trước đây, rác thải sinh hoạt hàng ngày được người dân bỏ thẳng xuống sông, xuống biển. Còn bây giờ, ai cũng có ý thức bảo vệ môi trường, người dân đã bỏ rác đúng nơi quy định. Giờ đây đã an cư nên tôi đang hùn vốn với bạn đóng tàu lớn để vươn khơi đánh bắt hải sản bởi bao năm nay đánh bắt loanh quanh gần bờ, không đủ chi phí nên cuộc sống còn khó khăn…”.


Còn đó những băn khoăn


Cả 4 trường hợp chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ đều thuộc diện không đủ điều kiện cấp đất tái định cư. Vị trí các lô đất mà họ đang ở đều là tự ý lấn chiếm hành lang đường bộ, đất trại khỉ trước đây không sử dụng giao lại cho địa phương quản lý. Địa phương đã nhiều lần vận động, nhưng do hoàn cảnh họ không có nơi nào khác để di dời. Bà Phạm Thị Hoa, một trong số những hộ dân cho biết: “Gia đình rất đồng thuận với chủ trương di dời, nhưng vì không đủ điều kiện cấp đất tái định cư nên tôi không biết phải đi đâu sinh sống. Với số tiền bồi thường, hỗ trợ chỉ 120 triệu đồng, gia đình tôi không đủ để mua một thửa đất nhỏ dựng nhà. Vì vậy, chúng tôi rất mong các cấp, ngành, địa phương cấp hoặc bán cho một lô đất với giá ưu đãi để xây nhà, ổn định cuộc sống”.

 

Khu dân cư vẫn còn vài hộ dân chưa nhận bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng.

Khu dân cư vẫn còn vài hộ dân chưa nhận bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng.


Theo ông Nguyễn Lê Ngọc Toàn - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, với những trường hợp chưa nhận tiền đền bù, xã đã có văn bản báo cáo UBND huyện Vạn Ninh xin ý kiến UBND tỉnh xem xét, cho chủ trương giao đất có thu tiền sử dụng đất cho các hộ dân nhằm tạo điều kiện giúp cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn bị giải tỏa có nơi ở ổn định để sinh sống, làm ăn. Trong khi đó, ông Hoàng Xuân Lương cho biết, các hộ dân đều có đơn kiến nghị, đồng thời huyện đã trả lời bác yêu cầu giao đất vì không có cơ sở để giải quyết. Do đó, trung tâm phối hợp, tham mưu UBND huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất theo quy định. Tuy nhiên, do những hộ này không còn nơi ở nào khác sau khi cưỡng chế nên đây là vấn đề mà địa phương vẫn còn băn khoăn.


Bên cạnh đó, hiện nay, hầu hết các hộ dân ở Khu tái định cư số 2 vẫn chưa có nước sạch để sử dụng. Hàng ngày, họ phải dùng nước tự chảy chưa qua xử lý hoặc mua nước bình để ăn uống. Bà Nguyễn Thị Kim Thăng, một hộ dân ở đây cho biết: “Mọi thứ ở đây đều rất tốt, nhưng chưa có nước sạch, gây không ít khó khăn cho người dân. Nguồn nước tự chảy không đảm bảo vệ sinh, vào ngày mưa thì nước rất đục, còn ngày nắng lại thiếu trầm trọng. Vì vậy, địa phương cần sớm có phương án cấp nước sạch cho người dân để đảm bảo cuộc sống”. Về vấn đề này, lãnh đạo UBND xã Đại Lãnh cho biết, địa phương đã có phương án đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch, trong thời gian tới sẽ cấp nước sạch cho toàn xã…


VĂN GIANG