10:08, 31/08/2022

Chạy nước rút trên công trường 500kV

Chỉ còn chưa tới 100 ngày nữa, những hạng mục cuối cùng của các dự án: Đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân, Trạm biến áp 500kV Vân Phong và đấu nối phải hoàn thành thi công. Cả công trường trong những ngày này như cỗ máy mở hết tốc lực để đưa công trình hoàn thành đúng tiến độ.

Chỉ còn chưa tới 100 ngày nữa, những hạng mục cuối cùng của các dự án: Đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân, Trạm biến áp (TBA) 500kV Vân Phong và đấu nối phải hoàn thành thi công. Cả công trường trong những ngày này như cỗ máy mở hết tốc lực để đưa công trình hoàn thành đúng tiến độ.


Căng mình trong nắng gắt


Cuối tháng 8, tiết trời Khánh Hòa - Ninh Thuận không còn bỏng rát như những ngày đầu hè, nhưng thời tiết cũng thất thường, sáng nắng gắt, chiều đổ mưa dông. Dù vậy, các kỹ sư, công nhân trên công trường 500kV đã vượt nắng mưa, miệt mài bám chốt. Người lắp sứ, người dựng trụ, người băng rừng kéo dây… để hướng đến mục tiêu phải hoàn thành cơ bản phần việc trong tháng 11 và bàn giao công trình trước tháng 12-2022. Từ TBA 500kV Vân Phong đến tuyến đường dây Vân Phong - Vĩnh Tân, ở đâu cũng ghi nhận không khí lao động khẩn trương. Kỹ sư Đỗ Việt Dũng cùng hơn 30 công nhân Công ty Cổ phần ALPHANAM E&C đang kéo dây các khoảng cột ở khu vực huyện Diên Khánh chia sẻ: “Mấy hôm nay, công nhân không ai bảo ai, tất cả đều lao động hết sức lực. Trời càng nắng thì càng làm nhiều, vì khi trời mưa rất khó để thi công, đặc biệt là thi công điện. Mọi người hay đùa nhau… căng mình ngày nắng để tránh ngày mưa”.

 

Kéo dây tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh.

Kéo dây tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh.


Với hơn 30 công nhân của ALPHANAM E&C, việc thi công trong thời tiết thất thường ở khu vực Nam Trung Bộ không có gì lạ lẫm. Trên dọc mảnh đất hình chữ S, gần như công trình điện lớn nào các anh cũng từng kinh qua. Cái nắng, cái gió của miền Trung dường như đã quá quen với những công nhân ngành điện. “Điều lo lắng nhất của chúng tôi chính là sợ chậm tiến độ. Nếu làm không nhanh, mùa mưa tới, việc thi công sẽ bị chậm trễ, ảnh hưởng chung đến dự án. 1 tổ đội chậm sẽ ảnh hưởng cả gói thầu. 1 gói thầu chậm kéo theo cả dự án không về đích đúng thời hạn. Ý thức được điều đó, anh em ai cũng tự cố gắng thi công”, ông Dũng cho biết.

 

Dựng cột tại xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa.

Dựng cột tại xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa.


Đường dây 500kV đi qua 2 tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận phải thi công qua nhiều địa hình phức tạp, nhiều tuyến đường dây băng qua đầm lầy, rừng rậm… Song, những ngày này, toàn công trường, 10 nhà thầu với hơn 1.000 người đang dồn lực thi công với tinh thần phải vượt mọi khó khăn để hướng tới mục tiêu đóng điện giải tỏa công suất cho Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 như cam kết giữa Chính phủ Việt Nam với đối tác Nhật Bản.


Do thời tiết những ngày qua ở Khánh Hòa rất nóng nên nhiều nhóm thi công đã quyết định ăn ngủ tại chân công trình để kịp trèo lên trụ trước khi mặt trời mọc. “Làm sớm may ra mới kịp tiến độ; nếu đến công trường muộn, gặp trời nắng nóng thì không thể nào trèo lên trụ sắt để làm được. Rất nóng!”, ông Nguyễn Thanh Hoàn, thợ cơ khí chuyên lắp đặt cột thép của Công ty Sông Đà 11 nói.


Tất cả vì lợi ích chung


Tại khu vực thi công TBA 500kV Vân Phong, các nhà thầu, đơn vị giám sát, đơn vị tư vấn cũng đang thực hiện những phần việc cuối cùng, từ lắp đặt sứ, dây néo đến hiệu chỉnh lại các thiết bị. Tất cả các công việc diễn ra trong sự khẩn trương, nghiêm ngặt và chuẩn xác cao. Quệt vội mồ hôi trên gương mặt đen trạy vì ngày nào cũng phơi nắng, kỹ sư Nguyễn Trọng Hùng - Công ty Cổ phần ALPHANAM E&C tâm sự: “Tôi đã có 13 năm kinh nghiệm thi công TBA, đi biết bao công trình điện lớn nhỏ trong cả nước, nhưng đây có lẽ là công trình lớn cả về quy mô lẫn áp lực tiến độ. Tuy nhiên, ý thức được tầm quan trọng của dự án quốc gia, chúng tôi đều làm hết sức mình. Ngày nắng, anh em thường làm từ 7 giờ sáng đến 7-8 giờ tối để bù cho những hôm mưa gió. Anh em đều ở xa, nhiều tháng nay không về nhà mà ở lại tập trung cho công việc”.

 

Đơn vị giám sát kiểm tra thiết bị.

Đơn vị giám sát kiểm tra thiết bị.


Có một điều đặc biệt, trong số hơn 1.000 cán bộ, công nhân đang thi công trên công trường 500kV Vân Phong, đa phần đều đến từ các địa phương khác như: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, thậm chí tận Cà Mau. Từ tháng 9-2021, khi TBA 500kV Vân Phong bắt đầu xây dựng cũng là lúc thời gian về thăm nhà của cán bộ, công nhân thưa dần; gần như công việc gia đình, con cái đều nhờ vào hậu phương quê nhà. Nhiều người lao động còn chế độ nghỉ phép năm nhưng cũng đành gác lại, tất cả dồn sức cho công trình. Các tổ đội luôn ý thức được trách nhiệm và sứ mệnh của ngành điện đối với các dự án giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 nên khi cần tăng ca, bù tiến độ ai cũng xác định phải làm hết sức mình. “Nhiều người trong số họ đã lâu không được sum họp với gia đình. Thậm chí dịp Tết vừa qua, nhiều người phải thi công xuyên Tết trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Sự cống hiến thầm lặng và những vất vả ấy của những người “lính truyền tải điện” tất cả vì mục tiêu đưa công trình hoàn thành đúng thời hạn”, ông Phạm Lê Phú - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia chia sẻ.


Sẽ hoàn thành đúng tiến độ


Đến thời điểm hiện tại, công việc thi công đã và đang đạt được tiến độ đề ra. Ở dự án TBA 500kV Vân Phong và đấu nối, công tác lắp đặt thiết bị đã cơ bản hoàn thành. Các đơn vị chuyển sang hoàn thiện những hạng mục phụ và hiệu chỉnh thiết bị, sẵn sàng cho việc đóng điện chạy thử Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 trong tháng 10. Đối với dự án Đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân, đơn vị thi công đã hoàn thành 95% công việc dựng cột, phần kéo dây đang được tiến hành gấp rút. Đặc biệt, để hạn chế tối đa những hư hại không đáng có (cây cối, vật kiến trúc...) của người dân trong quá trình thi công rải dây, kéo dây điện, các nhà thầu đã dùng thiết bị flycam để kéo dây mồi, sau đó dựng giàn giáo để tổ chức kéo dây trên không. Phương án này tốn kém kinh phí hơn nhưng không gây ảnh hưởng đến cuộc sống, tài sản của người dân nơi dự án đi qua.


Ông Nguyễn Đình Thọ - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung thuộc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia cho biết: “Dự án đang bám sát tiến độ đề ra và toàn công trường đang rất nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ thi công. Đây là công trình được ghi nhận có tốc độ thi công thần tốc mặc dù địa hình thi công phức tạp, nhiều tuyến đường dây băng qua đầm lầy, rừng nguyên sinh lẫn các khu đô thị ken dày… Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng các dự án sẽ hoàn thành đóng điện trước ngày 26-12”.


Mặc dù vậy, trong khi trò chuyện, ông Thọ vẫn thấp thỏm về những rủi ro làm ảnh hưởng đến mục tiêu tiến độ của các dự án. Đó là khó khăn về thời tiết khi mùa mưa cận kề; xung đột Nga - Ukraina và chính sách zero Covid-19 của Trung Quốc đã ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp vật tư, thiết bị cho dự án. Ngoài ra, đường dây có nhiều đoạn giao chéo với đường dây giải tỏa công suất của các nhà máy năng lượng tái tạo, trong bối cảnh nắng nóng kéo dài, việc cắt điện phục vụ thi công gặp nhiều khó khăn. “Để ứng phó với khó khăn, chúng tôi đã và đang thực hiện nhiều giải pháp; yêu cầu các đơn vị thi công tranh thủ, tập trung nguồn lực triển khai đồng loạt các hạng mục công việc với mục tiêu cơ bản hoàn thành công tác kéo dây trong tháng 10-2022. Song song đó, để bảo đảm cung cấp hàng hóa, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu cung cấp vật tư, thiết bị nhằm kiểm soát hàng ngày kế hoạch thực hiện của nhà sản xuất, kế hoạch vận chuyển quốc tế”, ông Thọ chia sẻ.

 

Một số mục tiêu tiến độ cho các dự án nhằm giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1:

- TBA 500kV Vân Phong hoàn thiện toàn bộ trong tháng 11.

- Nhánh rẽ 220kV đấu nối TBA 500kV Vân Phong hoàn thành trong tháng 9.

- Đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân: phần kéo dây cơ bản hoàn thành trong tháng 10 và hoàn thiện kết thúc trong tháng 11.

- Đường dây 500kV đấu nối TBA 500kV Thuận Nam: Hoàn thiện đồng bộ tháng 11.



ĐÌNH LÂM