10:06, 10/06/2022

Thấp thỏm vụ sầu riêng

Năm nay, các nhà vườn trồng sầu riêng ở huyện Khánh Sơn đứng trước nhiều nỗi lo khi chi phí đầu tư tăng cao nhưng năng suất lại không bằng những năm trước, thậm chí người trồng còn thiệt hại nặng do thời tiết thất thường. Để tăng cường giới thiệu, quảng bá nông sản, nhất là hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sầu riêng cho nông dân, năm nay, huyện Khánh Sơn sẽ tổ chức Lễ hội trái cây lần thứ 2.

Năm nay, các nhà vườn trồng sầu riêng ở huyện Khánh Sơn đứng trước nhiều nỗi lo khi chi phí đầu tư tăng cao nhưng năng suất lại không bằng những năm trước, thậm chí người trồng còn thiệt hại nặng do thời tiết thất thường. Để tăng cường giới thiệu, quảng bá nông sản, nhất là hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sầu riêng cho nông dân, năm nay, huyện Khánh Sơn sẽ tổ chức Lễ hội trái cây lần thứ 2.


Sầu riêng gãy, đổ do gió lốc

 

Những cành sầu riêng to như bắp chân bị gió bẻ gãy.

Những cành sầu riêng to như bắp chân bị gió bẻ gãy.


Những ngày qua, nhiều người trồng sầu riêng ở tổ dân phố Hạp Thịnh (thị trấn Tô Hạp) vẫn bần thần khi nhìn vườn sầu riêng xơ xác sau trận mưa đá, lốc xoáy xảy ra chiều 8-6. Nhìn những cây sầu riêng đã 15 năm tuổi, cành lá sum suê, chi chít quả bị bật gốc, gãy cành, quả rụng vương vãi khắp vườn, ông Trần Dũng - chủ vườn bùi ngùi cho biết: “Mưa đá kèm theo lốc xoáy kéo dài 1 giờ đã khiến cho 6 cây sầu riêng lâu năm, mỗi năm thu hàng chục triệu đồng mỗi cây của gia đình tôi bị bật gốc, gãy cành, không cứu được. Ngoài những cây này, những cây có quả đẹp, 3-5kg/quả bị rụng rất nhiều, ước tính mất trắng hơn 1 tấn sầu riêng sắp đến kỳ thu hoạch”.

 

Sầu riêng của gia đình ông Trần Dũng  bị gãy đổ, rụng quả do mưa đá, lốc xoáy.

Sầu riêng của gia đình ông Trần Dũng bị gãy đổ, rụng quả do mưa đá, lốc xoáy.

 

Không riêng gia đình ông Dũng, toàn thị trấn Tô Hạp có 43 hộ bị thiệt hại với 26 cây sầu riêng lâu năm bị gãy, đỗ; các nhà vườn bị rụng hơn 50 tấn quả. Trước đó vài ngày, thị trấn Tô Hạp, xã Ba Cụm Bắc cũng đã xuất hiện mưa to, gió lớn khiến nhiều nhà vườn sầu riêng bị thiệt hại khi chỉ hơn 1 tháng nữa bắt đầu thu hoạch.

 

Khi chúng tôi đang trò chuyện với một số nhà vườn ở xã Sơn Lâm về vụ sầu riêng năm nay thì bất chợt cơn mưa rào đổ ào xuống xối xả. Ông Mai Văn Khang (thôn Cam Khánh) thêm phần lo lắng cho 6ha sầu riêng đang cho thu hoạch, 4ha đang trong thời kỳ kiến thiết. Nếu thời tiết thuận lợi, chỉ vài chục ngày nữa, những quả ngọt này sẽ bắt đầu được thu hoạch. Ngớt mưa, hàng chục nhân công lại tiếp tục chằng néo cành sầu riêng, thêm dây cột quả để bảo vệ sầu riêng trước những diễn biến bất thường của thời thiết. Chỉ cho chúng tôi những cành sầu riêng to hơn bắp chân, dài tầm 3m, đang đeo hàng chục quả bị gãy gục, ông Khang cho biết: “Thời điểm này, buổi chiều ở Khánh Sơn thường mưa nhiều, đi kèm với gió giật, gió xoáy. Vườn nào không may trúng phải gió, nhẹ thì rụng quả, nặng có khi gãy cành, gãy cây, thiệt hại rất lớn”.

 

Vườn sầu riêng của gia đình ông Mai Văn Khang cho năng suất khá ổn nhưng ông vẫn còn nhiều lo lắng.

Vườn sầu riêng của gia đình ông Mai Văn Khang cho năng suất khá ổn nhưng ông vẫn còn nhiều lo lắng.

 

Thời tiết thất thường cũng khiến cho 2ha sầu riêng của gia đình ông Lưu Văn Thắng (thôn Cô Lắc, xã Sơn Bình) năm nay không đẹp, sản lượng không cao như những năm trước. Theo lý giải của ông, sầu riêng năm nay rụng nhiều hơn so với năm trước. Mưa nhiều quá khiến cho cây đâm chồi, nhiều dưỡng chất được đưa đi nuôi chồi nên trái dễ rụng.


Còn nhiều nỗi lo


Rong ruổi khắp các vùng trồng sầu riêng trọng điểm ở Khánh Sơn như: Sơn Bình, Sơn Lâm, thị trấn Tô Hạp… chúng tôi hiểu thêm phần nào nỗi lo của người trồng sầu riêng trong vụ mùa năm nay. Trong câu chuyện với ông Lục Văn Cung ở thôn Liên Hòa (xã Sơn Bình), chúng tôi được biết: Khoảng 2 năm qua, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng gần gấp đôi khiến chi phí đầu tư vào vườn sầu riêng cũng tăng lên chóng mặt. Đơn cử như 1 bao phân DAP năm 2020 có giá 800.000 đồng, hiện tăng lên 1,4 triệu đồng; phân NPK từ 650.000 đồng/bao 50kg nay tăng lên 1,2 triệu đồng. Trước đây, chi phí đầu tư cho vườn sầu riêng khoảng 90 triệu đồng/ha, vụ này phải đến 160-170 triệu đồng/ha. Đó là chưa tính chi phí nhân công, điện nước, xăng dầu… cũng tăng mạnh.


Chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch sầu riêng năm nay, người trồng lại tiếp tục canh cánh nỗi lo đầu ra cho loại trái cây đặc sản này. Ông Lục Văn Cung lo lắng: “Năm 2020, 6ha sầu riêng cho hơn 80 tấn quả; giá bình quân 49.000 đồng/kg. Năm 2021, do dịch Covid-19 ảnh hưởng, sầu riêng chỉ bán được với giá bình quân 30.000 đồng/kg. Năm nay, qua theo dõi các nhà vườn ở các tỉnh Nam Bộ, giá sầu riêng đang có xu hướng giảm dần. Cách đây 3 tuần, thương lái thu tận vườn sầu riêng monthong với giá 60.000 đồng/kg, nay chỉ còn 42.000 đồng/kg”. Ông Mai Văn Khang cũng hết sức lo lắng việc tiêu thụ hàng chục tấn sầu riêng năm nay. Ông hy vọng sầu riêng của mình đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm đã được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh thì việc tiêu thụ sẽ thuận lợi hơn.


Ông Đỗ Nhi Huy - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn chia sẻ: “Năm nay, tình hình thời tiết diễn biến thất thường đã ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng sầu riêng trên địa bàn huyện Khánh Sơn. Toàn huyện hiện có 1.100ha sầu riêng trong thời kỳ kinh doanh, gần 2 tháng nữa vào chính vụ thu hoạch. Tuy nhiên, qua nắm bắt sơ bộ, năng suất sầu riêng năm nay giảm khoảng 20-30% so với năm trước, ước sản lượng toàn huyện chỉ đạt khoảng 9.000 tấn. Sầu riêng năm nay cũng không đẹp bởi mưa nhiều, trái chậm lớn; trái to tròn, đẹp không nhiều bằng những năm trước”.

 

Cây sầu riêng được người dân chằng néo cẩn thận.

Cây sầu riêng được người dân chằng néo cẩn thận.


Cho hương sầu riêng lan xa


Qua mùa sầu riêng năm 2021, lãnh đạo UBND huyện Khánh Sơn đã nhận thấy một số mặt còn hạn chế trong khâu thu hoạch, tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Vì vậy, địa phương đã chú trọng việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với sản xuất, thu hoạch sầu riêng để chủ động nguồn nhân lực tại địa phương. Bên cạnh đó, địa phương còn tuyên truyền, vận động các nhà vườn tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cây ăn quả chất lượng cao để liên kết với doanh nghiệp, tạo đầu ra ổn định cho nông sản. Huyện mong muốn các sở, ngành của tỉnh quan tâm hỗ trợ thêm về công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sầu riêng Khánh Sơn trong và ngoài tỉnh, hướng đến nhà nước quản lý, nông dân sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ… Bên cạnh đó, các địa phương cũng hướng dẫn nông dân chủ động liên hệ với thương lái những năm trước đây để tìm kiếm đầu ra, sớm chốt giá bán…


Ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “Để đẩy mạnh quảng bá thế mạnh nông nghiệp địa phương, đặc biệt là giúp nông dân giới thiệu các loại trái cây ngon, nhất là sầu riêng; kết nối cung cầu mua bán sầu riêng và các loại nông sản khác; xúc tiến liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân ổn định đầu ra cho nông sản, nâng cao thu nhập… UBND huyện đã quyết định tổ chức Lễ hội trái cây Khánh Sơn lần thứ 2 năm 2022, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 7-8. Trong khuôn khổ lễ hội, địa phương sẽ tổ chức các hội thảo sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trái cây sạch, an toàn; ứng dụng chuyển giao khoa học trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức gặp gỡ, giao lưu với các doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp; tổ chức những hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản của địa phương…”.


Ngoài ra, Lễ hội trái cây Khánh Sơn lần thứ 2 còn có nhiều hoạt động đặc sắc như: Hội thi trái cây ngon; hội thi trưng bày trái cây; tổ chức các kỷ lục về trái cây; hội thi già làng khéo tay; trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của địa phương. Cùng với đó là hoạt động tái hiện những lễ hội truyền thống của người Raglai, biểu diễn nhạc cụ truyền thống, biểu diễn sử thi, hát Alau… Địa phương còn phối hợp với Công ty Cổ phần Crystal Bay Khánh Sơn tổ chức bay biểu diễn khinh khí cầu và nhiều hoạt động hấp dẫn khác.


HỒNG ĐĂNG - HẢI LĂNG