01:06, 08/06/2022

Tái diễn người lang thang…

Sau một thời gian tạm lắng, từ dịp lễ 30-4 đến nay, người lang thang xin ăn, bán hàng rong lại tái xuất trên nhiều phố phường TP. Nha Trang. Tuy lực lượng chức năng đã nỗ lực xử lý, nhưng để không còn tình trạng này vẫn là câu chuyện dài.

Sau một thời gian tạm lắng, từ dịp lễ 30-4 đến nay, người lang thang xin ăn, bán hàng rong lại tái xuất trên nhiều phố phường TP. Nha Trang. Tuy lực lượng chức năng đã nỗ lực xử lý, nhưng để không còn tình trạng này vẫn là câu chuyện dài.

Chuyện thường ngày…


7 giờ sáng 4-6, 2 thành viên Đội Chuyên trách tập trung người có hành vi lang thang xin ăn (Đội 524), thuộc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP. Nha Trang lên xe máy, rà các tuyến chính… Đang đi, điện thoại chợt đổ chuông, rồi tiếng ông Phan Gia Trang, Đội phó Đội 524 vang lên: “Anh tới công viên Yến Phi gấp!”; 2 thành viên lập tức quay xe. Tại công viên, một phụ nữ chừng 45 tuổi, không mảnh vải che thân, đang chạy rất nhanh ra biển rồi nhảy xuống, bơi ra xa. Đội cứu hộ, cứu nạn bờ biển (Ban Quản lý Vịnh Nha Trang) được gọi hỗ trợ. Một lúc sau, đối tượng được đưa vào bờ, mặc quần áo và trấn an tinh thần. Thông tin ban đầu, người này tên Đ.T.K.S, sinh năm 1977, ở phường Phương Sài. “Phát hiện người này nằm ở ghế đá, không mặc đồ. Đội tiếp cận nắm bắt thông tin thì người này tháo chạy. Do chị có biểu hiện tâm thần nên được chuyển lên Bệnh viện Chuyên khoa tâm thần tỉnh”, ông Trang cho biết.

 

Một trường hợp lợi dụng người khuyết tật để bán hàng rong và xin tiền tại chùa Long Sơn

Một trường hợp lợi dụng người khuyết tật để bán hàng rong và xin tiền tại chùa Long Sơn


Trưa 26-5, P. là người khuyết tật ở xã Phước Đồng đang xin ăn tại khu siêu thị Go! Nha Trang. Tuy P. đã nhiều lần được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (TTBTXH) nhưng khi Đội 524 tới chở P. về làm việc, cha P. nhào tới cào cấu, la lối; một số người hiếu kỳ xúm lại. Thấy nguy cơ mất trật tự, ông Trang liền đề nghị P. về xã viết cam kết nhưng P. lắc đầu: “Không, rồi anh lại đưa em ra TTBTXH. Em xin về nhà thôi!”. Ông Trang trấn an, để người cha chở P. nhưng xe vừa lăn bánh thì P. ngã ra, nằm ngất. Mọi người hốt hoảng, riêng ông Trang có vẻ đã quen, chỉ nhẹ nhàng nói: “Tỉnh lại đi P., không đưa về xã nữa!”. Ngay lập tức P. trở dậy, cảm ơn và ra về.

 

Lối đi lên khu  tượng Phật trắng  chùa Long Sơn luôn có nhiều người ngồi xin tiền.

Lối đi lên khu tượng Phật trắng chùa Long Sơn luôn có nhiều người ngồi xin tiền.


Sáng 29-5, ở khu vực chùa Long Sơn, gần chục người bán hàng rong, xin ăn ngồi ngả nón, vừa liên tục mời mua nhang, quạt, đồ lưu niệm, vừa xin tiền. Ở khu vực tượng Phật, một nhóm người đẩy xe lăn chở một người khuyết tật đi bán hàng và xin tiền. Một người tự xưng tên D., trước ở phường Phương Sài cho biết, 5 tháng nay, hàng ngày D. ngồi ở đây từ 7 đến 11 giờ, xin được 200.000 - 300.000 đồng. D. đã bị nhắc nhở vài lần. Khi 2 cán bộ phường Phương Sơn đi xe máy lên trên nhắc nhở thì ở lối đi bộ, các đối tượng lập tức biến mất. Bà Nguyễn Thị Bích Hằng - Phó Chủ tịch UBND phường Phương Sơn cho hay, để hạn chế tình trạng xin tiền, chèo kéo tại chùa Long Sơn, phường đã tăng cường tuyên truyền, cho gia đình cam kết không dẫn người già, trẻ em đi xin ăn. Đồng thời, hợp đồng 1 người phụ trách với mức 1,49 triệu đồng/tháng; bố trí 1 tổ trực chốt tại lối vào chính (hiện nay có 7 người, chia 2 ca). Tuy nhiên, chùa không có khuôn viên riêng biệt nên khó quản lý triệt để. Từ đầu năm đến nay, phường chỉ đẩy đuổi được 2 đối tượng; chưa phát hiện hoặc nhận phản ánh về hiện tượng chăn dắt.

 

Chèo kéo, bán hàng rong tại chùa Long Sơn.

Chèo kéo, bán hàng rong tại chùa Long Sơn.


Khó xử lý dứt điểm


Giữa năm 2021, UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Thực hiện mục tiêu không có người có hành vi lang thang xin ăn trên địa bàn TP. Nha Trang giai đoạn 2021-2025”, trong đó giao nhiệm vụ chủ yếu cho Đội 524. Đội chia 2 ca, trực từ 7 giờ tới 22 giờ, phối hợp với các đơn vị, địa phương nắm địa bàn, tập trung đối tượng về TTBTXH. Để kiểm soát rộng hơn, đội chia nhau đi bằng xe máy. Từ ngày 22-4 đến nay, đội đã tập trung được hơn 20 đối tượng.

 

Lực lượng thanh niên xung kích nhắc nhở trường hợp bán hàng rong tại bãi biển.

Lực lượng thanh niên xung kích nhắc nhở trường hợp bán hàng rong tại bãi biển.


Do Đội 524 ít người nên đối tượng đều nhớ mặt.  Hầu hết đối tượng đều phòng bị gói tăm tre, tập vé số để cãi khi bị bắt gặp nhận tiền: Có bán hàng, người ta tự nguyện cho nên nhận! Bên cạnh đó, theo quy định, các đối tượng lang thang xin ăn tập trung về TTBTXH không quá 90 ngày. Vì vậy, đội làm căng chỗ này, đối tượng dạt chỗ khác; tập trung đến hết hạn, về cộng đồng lại đi xin tiếp. Có đối tượng đã vào TTBTXH hơn 20 lần! Về hiện tượng chăn dắt người xin ăn, đội chỉ phối hợp báo tin, nhưng vẫn cần có nghiệp vụ, có thời gian theo dõi, ghi được quá trình chăn dắt làm bằng chứng.


Chịu trách nhiệm chính về xử lý hàng rong ở khu vực bờ biển dài 12km (từ xã Vĩnh Lương tới phường Vĩnh Nguyên) là Đội Thanh niên xung kích quản lý trật tự đô thị TP. Nha Trang. Đội chia 3 ca, khoảng 30 người/ca, trực 24/24 giờ, chưa kể nhiệm vụ khác. Để phấn đấu làm sạch “hàng rong cố định” (hàng gánh bán tại chỗ) trong năm nay, từng ca đều được giao chỉ tiêu lập biên bản hiện trường. Từ đầu năm đến nay, đội đã lập gần 100 biên bản hiện trường, 63 biên bản xử lý hành chính. Tuy nhiên, Đội Thanh niên xung kích cũng khó xử lý quyết liệt do lo ngại tạo thành điểm nóng. Người bán hàng rong thường chấp nhận để tịch thu hàng chứ không nộp phạt, bởi khoản nộp phạt có khi cao hơn giá trị gánh hàng. Đội cũng chỉ được thu giữ hàng hóa, dẹp bàn ghế bừa bãi, không được tạm giữ xe máy, ô tô.


Cần giải pháp căn cơ


Trả lời câu hỏi làm sao để hạn chế tình trạng này, bà Đinh Thị Nam - Trưởng phòng LĐ-TB-XH TP. Nha Trang cho biết, thời gian tới phòng sẽ đề xuất thành phố cho Đội 524 phối hợp với các đội liên ngành, ban quản lý chợ, chính quyền địa phương để được thông tin kịp thời, thêm người hỗ trợ; đồng thời tăng cường tuyên truyền. Còn bà Nguyễn Thị Bích Hằng khẳng định, nếu lượng khách đến chùa Long Sơn tiếp tục tăng, phường sẽ tăng người cho tổ trực chốt.


Nhưng về lâu dài, theo ông Nguyễn Thành Sơn - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cần sự vào cuộc của các ban, ngành, địa phương và sự ủng hộ của người dân. Sở đã khuyến nghị chính quyền địa phương xác minh nơi cư trú, giải quyết hồi gia với người có nơi cư trú rõ ràng; hỗ trợ sinh kế cho người khó khăn; tăng cường kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện, giải quyết những trường hợp xin ăn, sinh sống ở nơi công cộng, ngăn chặn tình trạng chăn dắt, lợi dụng đối tượng yếu thế đi xin ăn để trục lợi; tuyên truyền nâng cao nhận thức về chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi. Sở đang chuẩn bị đánh giá 1 năm triển khai mức chuẩn trợ giúp xã hội mới của Chính phủ (360.000 đồng từ ngày 1-7-2021) để có cơ sở tham mưu UBND tỉnh tiếp tục nâng cao hơn; đồng thời nghiên cứu tham mưu mở rộng đối tượng được hưởng. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, du khách hiểu không nên tạo điều kiện cho người khác sống bằng “nghề” xin ăn.


Theo bà Nguyễn Thị Thủy Tiên - Giám đốc TTBTXH, hiện nay, trung tâm đã thành lập Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ dạy nghề cho người khuyết tật. Trung tâm sẽ đề xuất xem xét, dạy nghề theo nguyện vọng cho người lang thang xin ăn còn sức lao động cũng như có chính sách hỗ trợ sinh kế cho họ. Có như vậy, mới từng bước hạn chế được người lang thang xin ăn. Trong khi đó, tình trạng bán hàng rong đã tồn tại từ lâu, là cách mưu sinh của nhiều người nên rất khó xử lý triệt để. Vì vậy, nhằm hạn chế tình trạng này, cần quy hoạch khu vực được phép bán để quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, mỹ quan…

 

Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 41.039 đối tượng được hưởng trợ giúp xã hội với tổng kinh phí hơn 19,8 tỷ đồng/tháng. TTBTXH đang chăm sóc, nuôi dưỡng 109 đối tượng bảo trợ khẩn cấp do TP. Nha Trang đưa vào, đa số đều là người lớn tuổi. Riêng trong tháng 5, đơn vị tiếp nhận 15 đối tượng. Trong số các đối tượng bảo trợ khẩn cấp, trung tâm đã chuyển 15 người qua lưu nuôi lâu dài.


NGUYỄN VŨ - PHÚ AN