11:06, 17/06/2022

Báo giấy thời… 4.0

Khi các nền tảng công nghệ bùng nổ và những chiếc điện thoại thông minh trở nên thông dụng cũng là lúc báo giấy bắt đầu trải qua những ngày tháng khó khăn. Tuy số lượng phát hành ít dần nhưng hàng đêm, các nhà in vẫn sáng đèn để cho ra đời những ấn phẩm đẹp đến tay bạn đọc; các sạp báo cũng cố níu khách quen với hi vọng báo giấy sẽ tìm được một hướng đi tươi sáng hơn.

Khi các nền tảng công nghệ bùng nổ và những chiếc điện thoại thông minh trở nên thông dụng cũng là lúc báo giấy bắt đầu trải qua những ngày tháng khó khăn. Tuy số lượng phát hành ít dần nhưng hàng đêm, các nhà in vẫn sáng đèn để cho ra đời những ấn phẩm đẹp đến tay bạn đọc; các sạp báo cũng cố níu khách quen với hi vọng báo giấy sẽ tìm được một hướng đi tươi sáng hơn.


Gom từng bản in


Nửa đêm, phố xá thời hậu Covid-19 ít ồn ào. Cả phân xưởng in của Công ty Cổ phần In và Thương mại Khánh Hòa vẫn chong đèn in báo. Sau vài lần thử bản kẽm, anh Lê Hồng Sơn - Phó quản đốc Phân xưởng in lệnh: “In”. Tiếng máy chạy soạt soạt gấp gáp, xen lẫn là tiếng máy cắt giấy thỉnh thoảng rít lên từng hồi. Báo ra đến đâu được gom đến đó để đưa sang tổ thành phẩm ở ngay bên cạnh. Mỗi tay báo (1 tay là 8 trang) hoàn thành sẽ được tổ thành phẩm đem lồng lại với các tay báo khác để tạo thành một ấn phẩm hoàn chỉnh. Máy chạy được khoảng 5 phút bỗng dừng đột ngột. Chỉ tay về phía họng máy, anh Vinh (công nhân in có gần 20 năm tuổi nghề) đùa: “Hết phần in quảng cáo rồi. Thật, chẳng bõ công khởi động máy”. Nói đoạn, anh Vinh hồi tưởng lại những năm 2010. “Hồi đó, các tờ báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên mỗi kỳ đặt in từ 18 đến 20 ngàn bản. Riêng số trang quảng cáo phải dầy gấp đôi phần nội dung. Công nhân in từ 3 giờ chiều đến sáng hôm sau mới kịp giao báo. Việc nhiều, anh em không có thời gian nghỉ ngơi. Cả phân xưởng in sử dụng 3 máy in với 20 thợ in và 20 người tổ thành phẩm làm việc mười mấy tiếng một ngày mới hoàn thành việc in báo. Nhưng giờ thì…” - anh Vinh thở dài, tiếc nuối.

 

Nhân viên nhà máy in thực hiện in báo giấy.

Nhân viên nhà máy in thực hiện in báo giấy.


Đang kiểm tra bản in mới để điều chỉnh mực cho phù hợp, anh Lê Hồng Sơn tiếp lời: “Thời hoàng kim đấy không bao giờ trở lại đâu. Ngày xưa, công ty nhận in cả chục đầu báo với mấy chục ngàn tờ mỗi đêm, nay chỉ còn 3 báo đặt in, mỗi báo chưa tới 2.000 tờ. Hồi đó, số lượng dưới 1.000 là chúng tôi không nhận. Giờ có bao nhiêu cũng gom đơn để in. Nếu ngày xưa, in báo là nguồn sống thì nay chỉ xem như ấn phẩm phụ”. Theo anh Sơn, trước đây phân xưởng in lúc nào cũng tấp nập người, nhưng từ khi số lượng báo giấy giảm, số công nhân cũng giảm theo. Máy in báo từ 3 máy chạy, giờ chỉ cần chạy 1 máy, với 3 thợ in và 4 người lồng báo.


Phát hành giảm sút


3 giờ sáng, những công đoạn cuối cùng in đã hoàn thành. Bộ phận chịu trách nhiệm phát hành đã có mặt để đưa báo đi các tỉnh. Chưa đầy 30 phút, khoảng gần 3.500 tờ báo của Tuổi Trẻ và Thanh Niên đã được phân thành từng bó sẵn sàng đưa đi các tỉnh: Bình Định, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Phú Yên. Anh Từ Thiện Luân - nhân viên giám sát in của báo Thanh Niên, trong lúc chờ xe vận chuyển đến nhận báo, rảnh rang thỉnh thoảng ngồi bó lại mấy bó báo cho đỡ buồn tay. “Mấy năm trước, phát hành báo làm gì có thời gian thảnh thơi, làm quần quật từ chập tối tới sáng mới hết việc. Bây giờ đại lý phát hành ít lắm! Cách đây chục năm, Nha Trang có hàng chục đại lý lớn nhỏ, mấy chục điểm bán báo. Giờ cả thành phố chỉ còn 7 đại lý phát hành. Đại lý lớn nhất là Hương Sơn (đường 23-10), mỗi ngày cũng chỉ phát hành được hơn trăm tờ. Vài năm nữa, không biết có ai còn nhận bán báo không…” - anh Luân nói.

 

Bộ phận thành phẩm lồng ghép các trang báo vừa in xong.

Bộ phận thành phẩm lồng ghép các trang báo vừa in xong.


Chạy lòng vòng các tuyến đường chính của Nha Trang, không dễ tìm được một sạp bán báo. Trước đây, tất cả các đường lớn đa số đều có các đại lý phát hành báo với số lượng cả ngàn tờ mỗi ngày. Trong kí ức của những người cao tuổi ở Nha Trang, nhiều năm trước, cứ mỗi sáng dạo bước đi bộ trên những con đường khu vực trung tâm như: Nguyễn Trãi, 23-10, Phan Chu Trinh, Thống Nhất… đều thấy hình ảnh hàng chục người làm nghề phát hành báo ngồi la liệt dọc vỉa hè, cặm cụi phân loại từng tờ báo in. Họ coi đó là một nét thân quen của Nha Trang xưa vào thời kì hoàng kim của báo in truyền thống. Nghề phát hành báo vẫn còn đó, nhưng giờ không còn thân thuộc với nhiều người như xưa.


Thời công nghệ 4.0, báo chí 4.0, nhiều người - nhất là người trẻ gần như “quên” mất sự tồn tại của báo in và “quên” cả sự tồn tại của những người làm công việc thầm lặng - phát hành báo. Chị Trương Thị Thùy Trâm - Chủ sạp báo Trâm (trên đường Thống Nhất) tiếc nuối: “Tôi làm việc này đã 23 năm. Giờ cả thành phố chẳng còn mấy người phát hành báo. Tiếc công việc giúp nuôi con cái ăn học nên cố làm, chứ giờ ngày bán được hơn trăm tờ báo chẳng thu được bao nhiêu, cố được ngày nào hay ngày đấy!”. Chị Trâm cho biết, trước dịch Covid-19, vẫn còn hơn chục đại lý, nhưng sau dịch, đa phần phải trả mặt bằng vì số lượng báo phát hành đã giảm đi một nửa. “Giờ khách hàng của tôi toàn là trung niên và người già. Thanh niên đa phần đọc báo bằng điện thoại và coi tin tức ở các mạng xã hội”, chị Trâm chia sẻ.


Tương lai nào cho báo giấy?


Báo giấy đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn của loại hình báo điện tử và mạng xã hội. Thực tế ở nước ta, tốc độ phát triển của báo điện tử đang rất nhanh, nhưng thực tế các báo điện tử đích thực và tự nuôi sống tờ báo vẫn chưa nhiều. Phần lớn báo điện tử và trang tin điện tử là do phát triển từ các tờ báo in. Chi phí cho hoạt động của hầu hết các báo điện tử đều phải có sự hỗ trợ từ báo in. Thời kỳ công nghiệp 4.0, báo chí nói chung và báo in nói riêng phải đối mặt với những thay đổi sâu sắc, nhưng không phải không vượt qua được khi độc giả vẫn muốn tìm đọc và vẫn cần thông tin khác biệt ở báo in.

 

Đợi khách mua báo.

Đợi khách mua báo.


Ông Nguyễn Văn Tâm (phường Phương Sài, TP. Nha Trang) - bạn đọc lâu năm của Báo Khánh Hòa khẳng định: “Báo giấy vẫn tồn tại. Giống như loại hình báo nói, khi xuất hiện báo hình ai cũng bảo sẽ khó tồn tại nhưng đến nay vẫn phát triển song song với báo hình. Thậm chí hiện nay, có nhiều kênh báo nói phát triển rất tốt. Vì vậy, báo giấy vẫn sẽ sống được nếu biết thay đổi cho phù hợp với thị hiếu”.


Ông Đoàn Minh Long - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh cho rằng, trong xu thế công nghệ số, đương nhiên các cơ quan báo chí đều có sự phát triển về báo điện tử. Trong quy hoạch báo chí, số lượng báo in cũng đã giảm đáng kể theo xu thế toàn cầu. Các loại báo điện tử đang có nhiều lợi thế trong thông tin và chiếm ưu thế so với báo in. Tuy nhiên, có thể khẳng định báo in vẫn sẽ tồn tại cùng với các loại hình báo chí khác dù số lượng giảm so với trước đây. Tại Việt Nam, báo in vẫn là công cụ tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước hiệu quả. Tuy nhiên, báo giấy cũng cần đổi mới để tiếp tục phát triển.


ĐÌNH LÂM