Mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế - du lịch, khoa học và công nghệ của khu vực và cả nước là khát vọng của toàn thể Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Mong muốn cháy bỏng đó được hiện thực hóa từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh cho tới những hành động cụ thể trong thời gian qua.
Kỳ 3: Vươn tới tầm cao
Mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế - du lịch, khoa học và công nghệ của khu vực và cả nước là khát vọng của toàn thể Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Mong muốn cháy bỏng đó được hiện thực hóa từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh cho tới những hành động cụ thể trong thời gian qua.
Quyết tâm đột phá
Gắn bó nhiều nhiệm kỳ trên các cương vị của Đảng cũng như chính quyền, hơn ai hết, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh luôn đau đáu mong ước nhanh chóng đưa Khánh Hòa phát triển thành trung tâm kinh tế biển của khu vực và cả nước. Nhớ lại ngày đầu tiên khi vừa nhận chức Chủ tịch UBND tỉnh, khi được hỏi về dự định trong tương lai, ông bày tỏ: “Về lâu dài, tôi đặc biệt chú trọng đến các chương trình phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để cuộc sống nhân dân giàu có hơn, mọi người đều được thụ hưởng các chính sách về kinh tế của Trung ương và của tỉnh. Tôi rất quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thực sự gần dân, sát dân, phát huy dân chủ cơ sở. Các chủ trương lớn của tỉnh đều phải xuất phát từ lợi ích của người dân, lợi ích quê hương”.
Mong muốn của Chủ tịch UBND tỉnh cũng chính là định hướng chung của tỉnh trong suốt những năm qua. Để tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII xác định sẽ tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững, trên cơ sở đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, du lịch, công nghiệp, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế. Mục tiêu đến năm 2025, Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước. Đến năm 2030, sẽ trở thành đô thị trực thuộc Trung ương và trở thành địa phương phát triển hiện đại; thu nhập bình quân của người dân thuộc nhóm cao nhất cả nước vào năm 2045.
Ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, hiện nay, tỉnh đang tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện Kết luận số 53 của Bộ Chính trị. Các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó coi trọng thúc đẩy phát triển công nghiệp, du lịch chất lượng cao, kinh tế biển; đẩy mạnh thực hiện 3 vùng động lực phát triển và 4 chương trình kinh tế - xã hội. Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, giữ vững sự ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo nhằm tạo môi trường ổn định để tỉnh phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Bên cạnh đó, việc chăm lo, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân phải được thực hiện thường xuyên. Từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh có những hành động đột phá; huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hướng tới mục tiêu đưa tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, có chất lượng môi trường sống tốt và là trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế.
Điểm tựa Vân Phong
Ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa: Khánh Hòa có vị trí rất quan trọng, nhất là vai trò an ninh quốc phòng, vị trí cửa ngõ giao thương quốc tế. Do đó, phát triển Khánh Hòa sẽ tạo thành động lực phát triển cho cả khu vực và quốc gia. Trong báo cáo đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53 ngày 24-12-2012 của Bộ Chính trị về “Xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, bên cạnh đánh giá tổng quát chung về kinh tế - xã hội, báo cáo phải có đánh giá theo từng lĩnh vực kinh tế; đánh giá sâu hơn về công tác xây dựng Đảng. Báo cáo phải làm rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời cần đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế đặc thù cho Khánh Hòa, trong đó có đặc thù cho Khu Kinh tế Vân Phong… |
Để hiện thực hóa khát vọng đưa Khánh Hòa thành một cực tăng trưởng của khu vực và cả nước, Thường trực Tỉnh ủy xác định cần phải có những bước đột phá cao hơn; xem đây là mục tiêu quan trọng, then chốt trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và yêu cầu cả hệ thống chính trị và chính quyền các cấp vào cuộc. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên và cấp bách chính là đẩy nhanh hoàn thành công tác lập và tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040; rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị phía Tây thành phố Nha Trang; điều chỉnh Quy hoạch chung Khu Kinh tế Vân Phong; các quy hoạch phân khu 1/2000 đối với khu vực vịnh Cam Ranh.
Ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, để Khánh Hòa tiếp tục phát triển hơn nữa, vấn đề quy hoạch phải được đặt lên hàng đầu; chỉ có làm tốt công tác quy hoạch mới tạo được nền tảng để phát triển lâu dài. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII cũng chỉ ra rất rõ, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch tỉnh; tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch, bình đẳng để thu hút đầu tư xã hội chính là 1 trong 4 đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Trong hành trình phát triển phía trước, khu vực Vân Phong được lựa chọn trở thành động lực chính tạo nên bước đột phá. Vân Phong phải được phát triển ở tầm quốc gia, trong mối quan hệ hợp tác, cạnh tranh chiến lược với quốc tế; vai trò, vị trí của khu vực này như là tọa độ phát triển của đất nước. Tại buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 53 của Bộ Chính trị, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Vân Phong có vị trí địa lý thuận lợi, hội tụ nhiều yếu tố để phát triển đa ngành, đa lĩnh vực. Khu Kinh tế Vân Phong không chỉ là trung tâm kinh tế của tỉnh, đầu tàu thu hút đầu tư mà còn là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. Vân Phong phải hướng tới việc trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế biển...
Cần một cú hích
Trong 2 năm qua, dù tỉnh có nhiều biến cố, từ những sai phạm của các lãnh đạo tiền nhiệm cho đến sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, song sức hút của Vân Phong nói riêng và cả tỉnh nói chung vẫn luôn được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Song, chỉ phát triển như thời gian vừa qua là không đủ, cần phải có những đột phá, những chính sách mang tầm vĩ mô thì mới đạt được kết quả xứng tầm. Đặc biệt, khu vực Vân Phong từ lâu được xác định như “nàng tiên ngủ trong rừng” nên để đánh thức tiềm năng ở đây cần có sự hỗ trợ từ Trung ương. Ông Nguyễn Trọng Hoàng - Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong mong mỏi: “10 năm qua, mức đầu tư của Trung ương vào Vân Phong chưa nhiều. Để khu vực này trở thành một trung tâm kinh tế lớn cần Trung ương quan tâm nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn. Muốn Vân Phong vươn mình, cần phải có những chính sách đặc thù, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư”.
Để Khánh Hòa có sự phát triển xứng tầm theo Kết luận 53 của Bộ Chính trị, ông Trần Tuấn Anh yêu cầu tỉnh tập trung và bố trí hợp lý nguồn lực có lộ trình, thứ tự ưu tiên để thực hiện hiệu quả 4 chương trình kinh tế - xã hội, phát triển 3 vùng động lực của tỉnh. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép vừa tăng cường các biện pháp để phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới. Đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh theo hướng đẳng cấp, chất lượng, đa dạng, kết nối với kinh tế biển; phục vụ phát triển kinh tế biển, lấy kinh tế biển làm trọng tâm để Khánh Hòa trở thành một tỉnh mạnh về biển và giàu, đẹp từ biển; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế biển với bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh vùng biển, hải đảo của Tổ quốc trong bối cảnh mới. Việc làm cần thiết trước mắt là phải thúc đẩy các dự án triển khai nhằm đón đầu làn sóng dịch chuyển sau kết thúc đại dịch Covid-19, đặc biệt là trong xây dựng, công nghiệp, kinh tế biển và nông nghiệp. Đối với Khu kinh tế Vân Phong, sớm tiếp thu có chọn lọc ý kiến góp ý của lãnh đạo các bộ, ngành để định hướng, phát triển khu kinh tế bắt nhịp được với xu hướng phát triển mới của các khu kinh tế biển, có tác động lan tỏa tích cực cho các tỉnh khác trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên và cả nước; biến Vân Phong thành cửa ngõ giao lưu quốc tế, kết nối Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ với các nước ASEAN. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ chế đặc thù cho Khu Kinh tế Vân Phong để huy động nguồn lực đầu tư cả trong và ngoài nước, thu hút được các nhà đầu tư chiến lược để phát triển Vân Phong mạnh mẽ trong thời gian tới là hết sức cần thiết.
Hiện Tỉnh ủy đang tiến hành soạn thảo báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53 và đề xuất với Bộ Chính trị đưa vào Chương trình làm việc của Bộ Chính trị năm 2022. Đây được xem là cơ sở vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó tiếp tục đưa “con tàu” Khánh Hòa trên hành trình ra biển lớn, trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa của cả nước và hội nhập với quốc tế.
|
Đ.Lâm - V.Kỳ - M.Hùng