11:09, 07/09/2021

Vụ lúa không vui

Những ngày này, nông dân toàn tỉnh Khánh Hòa bắt đầu thu hoạch vụ lúa hè thu. Giữa thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vụ lúa năm nay gặp phải không ít khó khăn trong việc thu hoạch, vận chuyển. Đã vậy, giá lúa cũng không cao khiến người nông dân kém vui.

Những ngày này, nông dân toàn tỉnh Khánh Hòa bắt đầu thu hoạch vụ lúa hè thu. Giữa thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vụ lúa năm nay gặp phải không ít khó khăn trong việc thu hoạch, vận chuyển. Đã vậy, giá lúa cũng không cao khiến người nông dân kém vui.

Thu hoạch trong giãn cách


Những ngày đầu tháng 9, thời tiết đã mát mẻ, gió thu thổi về mang theo hơi mát trên những cánh đồng như nung nấu của những ngày hè vừa qua. Dọc tuyến Quốc lộ 1 từ thị xã Ninh Hòa ra đến các xã cực bắc huyện Vạn Ninh là những cánh đồng lúa chín đang vào độ thu hoạch, trải dài như tấm lụa vàng ươm. Năm nay, giữa tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, vụ thu hoạch lúa không đông người như mọi năm. Trên các cánh đồng thuộc thị xã Ninh Hòa, phương tiện thu hoạch và người dân cũng chỉ khá thưa thớt. Gạt những giọt mồ hôi trên mặt chảy tràn xuống tấm khẩu trang, ông Nguyễn Quang Lộc (thôn Mỹ Thuận, phường Ninh Đa, Ninh Hòa) cho biết, thời điểm thu hoặc lúa năm nay trúng lúc dịch diễn biến phức tạp nên người dân ra đồng đều đeo khẩu trang và bảo đảm các quy định phòng, chống dịch. Việc thu hoạch, vận chuyển lúa chủ yếu bằng máy nên cũng không cần đông người như trước.

 

Nông dân thị xã Ninh Hòa thu hoạch lúa hè thu.

Nông dân thị xã Ninh Hòa thu hoạch lúa hè thu.


Gặp ông Nguyễn Hữu Truyền - Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Đa, ông cho biết: “Năm nay, diện tích lúa vụ hè thu trên địa bàn phường  là 457ha. Sau khi gặt xong, thương lái chủ yếu là người địa phương đến thu mua tận ruộng. Một số hộ không bán ngay mà đem lúa về nhà phơi. Vì vậy, để bảo đảm quy định phòng, chống dịch, xã đã tuyên truyền các hộ chỉ cử một người kiểm tra lúa, không phơi lúa gần nhau, phải giữ khoảng cách an toàn”. Còn ông Trương Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Nông dân thị xã cho biết, từ ngày 20-8 áp dụng Chỉ thị 15 đúng vào thời điểm vụ lúa hè thu đến kỳ thu hoạch đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở “vùng xanh”, “vùng vàng” ra đồng, bảo đảm sản xuất.


Tại Vạn Ninh, nơi có lịch thời vụ sớm hơn so với các địa phương khác, nông dân đã thu hoạch được khoảng 70%. Năm nay, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị tăng cường những biện pháp phòng, chống dịch trong sản xuất nông nghiệp, mặt khác tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hoạch, vận chuyển, thu mua nông sản của người dân.


Được mùa nhưng lời ít

Chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Thu Thủy - xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa khi gia đình đang cố gắng thu hoạch cho xong 0,5ha lúa còn lại. Bà cho biết, gia đình bà năm nay sản xuất 1,5ha lúa, sản lượng đạt 60 tạ/ha. Vụ trước thu hoạch lúa đến đâu, thương lái thu mua tới đó, thậm chí còn đến tận ruộng đặt cọc khi lúa chưa thu hoạch. Nhưng vụ này, chỉ một vài thương lái tới dạm mua, giá  giảm khoảng 1.200 đồng so với vụ trước, còn khoảng 5.200 - 5.300 đồng/kg. Với giá này, sau khi trừ chi phí, người dân chỉ lãi khoảng 250.000 - 300.000 đồng/sào (500m2). “Gia đình tôi tính phơi lúa khô chờ được giá mới bán, nhưng tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên cũng chưa biết tính sao! Thu hoạch xong diện tích còn lại, gia đình tôi tiếp tục làm đất xuống giống cho kịp vụ đông xuân 2021-2022. Ngặt nỗi, giá vật tư nông nghiệp hiện nay quá cao nên tôi đang phải tính toán lại diện tích trồng lúa” - bà Thủy cho biết.


Còn ông Nguyễn Văn Thanh - nông dân xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh cũng tương tự. “Vừa qua, có thương lái tới thu mua nhưng họ trả có 5.500 đồng/kg, không có lãi nên tôi chưa bán. Gia đình tôi tính phơi khô, chờ được giá bán nhưng ngặt nỗi thu hoạch xong sẽ chuẩn bị gieo sạ vụ đông xuân cần có kinh phí đầu tư” - ông Thanh nói.


Theo bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, nông dân phường Ninh Đa, gia đình bà có 10ha lúa, vụ này sản lượng đạt 70 tạ/ha, xấp xỉ mọi năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá thu mua lúa thấp hơn so với vụ hè thu năm ngoái. Năm trước, có thời điểm lúa bán được 7.000 đồng/kg nhưng năm nay chỉ còn 5.500 đồng/kg. “Năm nay, dịch bệnh liên miên nên thu hoạch bảo đảm sản lượng và đúng tiến độ vậy đã là vui rồi. Giá lúa giảm cũng là do bối cảnh khó khăn chung do dịch, người nông dân không lỗ cũng là may rồi”, bà Hạnh chia sẻ.


Người nông dân là vậy, các đơn vị sản xuất tập thể cũng không khá hơn. Ông Võ Hùng, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Diên Hòa, Diên Khánh cho biết, vụ lúa hè thu, hợp tác xã sản xuất 200ha lúa. Trong đó có 100ha là lúa giống có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Đến nay các thành viên đã thu hoạch được 70ha, năng suất ước đạt 68 tạ/ha, tương đương năm trước. Tuy nhiên, giá mua khá thấp, lúa khô thương phẩm chỉ bán được với giá 5.600 đồng/kg, trong khi lúa giống đã phải áp dụng giá bảo hiểm 6.000 đồng/kg (doanh nghiệp thu mua bảo hiểm giá lúa giống cho hợp tác xã đảm bảo không thấp hơn 6.000 đồng/kg), thấp hơn 15-20% so với năm trước. Năm nay năng suất lúa tương đối ổn định. Nhưng quá trình chăm sóc lúa gặp phải nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Đã vậy, giá phân bón tăng khoảng 40% so với năm trước, trong khi giá bán lúa bị giảm thấp, nên nhìn chung hiệu quả mùa lúa hè thu năm nay không được như kỳ vọng.


Qua tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ giá lúa hè thu năm nay có phần thấp hơn so với năm trước vì năm trước giá lúa tăng đột biến và cao hơn so với trung bình nhiều năm. Đồng thời, tình hình tiêu thụ lúa năm nay gặp khó khăn do dịch bệnh, lúa gạo có dấu hiệu ùn ứ đã tác động đến giá thu mua. Ngoài ra, các hệ thống thu mua lúa gạo lớn trên cả nước ít tiếp cận thu mua lúa.


Hỗ trợ tối đa cho nông dân


Trước những khó khăn trên, các địa phương đã chủ động đề ra những biện pháp để hỗ trợ cho nông dân trong việc thu hoạch, tiêu thụ lúa. Tại Diên Khánh, vụ hè thu năm nay, toàn huyện sản xuất 3.605ha lúa, năng suất bình quân 63 tạ/ha. Vụ này, các tổ hợp tác tiêu thụ lúa giống ở các xã trên địa bàn huyện đăng ký thu mua 600ha, đến nay đã thu hoạch được 50% diện tích. Dự kiến đến cuối tháng 9, nông dân trên địa bàn huyện sẽ thu hoạch xong các diện tích lúa còn lại. Trước khó khăn trong tiêu thụ của người dân, Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ lúa gạo RVT xã Diên Tân, huyện Diên Khánh được thành lập đã phát huy hiệu quả tích cực. Hiện nay, tổ có 22 hộ trên địa bàn xã tham gia. Theo ông Nguyễn Xuân Trường - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ lúa gạo RVT xã Diên Tân, vụ hè thu năm nay, theo hợp đồng ký kết ban đầu, tổ hợp tác thu mua cho người dân với giá dao động từ 8.000 - 8.500 đồng/kg lúa RVT và 6.200 đồng/kg lúa ML 202, cao hơn giá lúa trên thị trường từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Như vậy, với giá thu mua của tổ hợp tác, người dân lãi từ 1,7 đến 2 triệu đồng/sào. Dự kiến, trung bình mỗi vụ, tổ hợp tác sẽ thu mua khoảng 70 - 100 tấn lúa cho người dân. Bên cạnh lúa RVT, tổ còn hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo nở cho một số hộ trên địa bàn huyện.

 

Nông dân huyện Diên Khánh thu hoạch lúa hè thu

Nông dân huyện Diên Khánh thu hoạch lúa hè thu


Còn ông Phạm Ngọc Luyện - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, giá lúa trên địa bàn huyện hiện nay dao động từ 5.000 đến 6.200 đồng/kg (tùy loại). UBND huyện đã xây dựng lộ trình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, thu mua nông sản để tránh tình trạng đứt gãy, ùn ứ nông sản, cũng như việc cung ứng mặt hàng vật tư nông nghiệp để đảm bảo cho sản xuất. Các xã, thị trấn kịp thời nắm bắt những khó khăn, từ đó tham mưu UBND huyện hướng dẫn, tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất.


Tại thị xã Ninh Hòa, đối với những xã, phường nằm trong “vùng đỏ”, thị xã có phương án thành lập các tổ máy gặt tại các xã, phường, trường hợp cần thiết sẽ ra đồng gặt lúa cho người dân. Sau khi gặt xong, từng hộ sẽ cử đại diện 1 người ra cân, kiểm đếm và bán cho thương lái. Trường hợp người dân không bán ngay thì tổ máy gặt sẽ chở lúa về nhà giúp người dân.


Lên xe, chia tay với bà con nông dân còn vương vấn bao nỗi niềm, những cánh đồng lúa vàng trĩu bông cứ loang loáng lùi xa phía sau. Gió thu đã nổi trong tiết trời đã mát mẻ. Thấp thoáng trên cánh đồng những người dân khắc khổ vẫn mải miết, cặm cụi thu hoạch lúa trên đồng…

 

Bà Lương Kim Ngân, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: “Vụ hè thu năm nay toàn tỉnh gieo sạ được 18.183ha. Đến nay lúa đang ở giai đoạn ngậm sữa - chín. Hiện người dân đã thu hoạch được khoảng 9.000ha, năng suất bình quân ước đạt 58 tạ/ha, sản lượng ước đạt 52.200 tấn. Đây đang là thời điểm thu hoạch tập trung, tuy nhiên do việc lưu thông khó khăn vì giãn cách xã hội nên tình hình tiêu thụ chậm, giá bán lúa trung bình cũng chỉ đạt từ 5.500 - 6.000 đồng/kg, thấp hơn so với mọi năm nên người dân cũng không thu được lãi cao”.


THÁI THỊNH - KHÁNH HÀ - CÔNG ĐỊNH