10:09, 24/09/2021

Truy quét tàu giã cào

Mỗi lần các tàu cào sò xuất hiện, một khoảng biển rộng lớn ở phía bắc vịnh Vân Phong lại bị cày xới, thủy sản bị khai thác theo kiểu tận diệt, môi trường biển ô nhiễm …

Mỗi lần các tàu cào sò xuất hiện, một khoảng biển rộng lớn ở phía bắc vịnh Vân Phong lại bị cày xới, thủy sản bị khai thác theo kiểu tận diệt, môi trường biển ô nhiễm …


Một đêm đi “săn” giã cào
    
3 giờ sáng, bóng đêm trên biển Nha Trang vẫn còn đặc quánh, chúng tôi cùng lực lượng trên tàu tuần tra KN 630 KH của Chi cục Thủy sản xuất phát từ cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang), vượt khoảng 40 hải lý để phối hợp với tàu tuần tra KN 629 KH của Trạm Thủy sản Vạn Ninh do ông Lê Viết Hưng làm thuyền trưởng tiến hành truy quét tàu cào sò đang lộng hành trên vùng biển phía bắc vịnh Vân Phong. Trên đường đi, ông Trần Duy Nhất - Trưởng phòng Tàu cá và Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá chia sẻ: “Thời gian gần đây, trên vùng biển phía bắc vịnh Vân Phong xuất hiện nhiều bãi còng, bãi sò với sản lượng khá nhiều; lợi dụng thời điểm giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, các tàu cào sò đã lén lút đi khai thác”.


8 giờ sáng, tàu tới vùng biển bắc Vân Phong. Không như hình dung trước đó của chúng tôi, vùng biển khá tĩnh lặng, chỉ lác đác một vài bóng thuyền buông lưới ghẹ, lưới cá, đặt lợp mực. Ông Đinh Công Trình - Thuyền trưởng tàu tuần tra KN 630 KH, quay sang bảo: “Có thể tàu đánh cá gặp chúng ta đi trên đường đã thông báo nên các tàu giã cào biết có tuần tra nên không dám manh động”. Liên lạc với tàu tuần tra của Trạm Thủy sản Vạn Ninh, thuyền trưởng Lê Viết Hưng cho hay, tàu tuần tra của ông đã “bí mật” rời cầu cảng Vạn Giã, âm thầm ra “mật phục” tại khu vực Hòn Mao lúc nửa đêm nhưng chưa phát hiện ra tàu cào sò nào. Ông Hưng quả quyết: “Các tàu cào sò đã biết sự xuất hiện của 2 tàu tuần tra nên không dám ra biển hoạt động. Muốn biết họ có ra không thì 2 tàu phải neo lại gần nhau, vờ như không đi tuần tra nữa, khi ấy có thể tàu cào sò sẽ xuất hiện…”.

 

1

1 lồng cào sò bị lực lượng tuần tra tạm giữ để xử lý.


Chỉ hơn 1 giờ tàu neo lại, đã thấy lác đác ở đầm Mây (cách Hòn Mao chừng 3 hải lý) xuất hiện 3 tàu cào sò đang nặng nề di chuyển, nhả khói đen ngòm, càn qua, quét lại. Rất nhanh, lực lượng chức năng đã tiến hành truy đuổi. Thấy các tàu, ca nô tuần tra di chuyển về hướng mình, cả 3 tàu giã cào đều chặt bỏ dây nối với chiếc lồng cào bằng sắt nặng trịch đang ghì chặt dưới đáy biển rồi bỏ chạy theo 3 hướng khác nhau. Vì khoảng cách quá xa nên ca nô tuần tra không thể đuổi kịp tàu cào sò, đuổi đến gần cầu cảng Vĩnh Yên (xã Vạn Thạnh), phát hiện 3 thanh niên trên tàu cào sò không số hiệu bỏ chạy lên bờ, kiểm tra trên tàu có rất nhiều thùng đựng sò, còng, ghẹ… vẫn còn dính đầy bùn đất, toàn bộ số thủy sản này đã được lực lượng chức năng thả lại xuống vịnh Vân Phong. Trong khi đó, tàu tuần KN 630 KH thì đuổi bắt được 1 tàu cào sò do thanh niên tên H. P. L. sinh năm 1991 ở xã Vạn Lương điều khiển, khi ấy trên tàu có rất nhiều loại thủy sản chưa kịp lớn như: còng, các loại sò, ghẹ, tôm… cũng đã được lực lượng chức năng thả lại về môi trường biển.

 

Phương tiện hoạt động nghề cào sò  không số hiệu bị rượt đuổi, tấp vào khu vực Vĩnh Yên (xã Vạn Thạnh).

Phương tiện hoạt động nghề cào sò không số hiệu bị rượt đuổi, tấp vào khu vực Vĩnh Yên (xã Vạn Thạnh).


Biết cấm nhưng vẫn làm


Qua làm việc với lực lượng tuần tra, đối tượng H.P.L. thừa nhận: Thời gian gần đây, khu vực biển phía bắc vịnh Vân Phong cho rất nhiều bãi còng xuất hiện, trong khi đó do dịch bệnh nên ít người đi biển khai thác, thức ăn cho các loại thủy sản nuôi trồng như tôm hùm, các loài cá biển khá khan hiếm chủ yếu phụ thuộc vào nguồn khai thác tại chỗ, vì vậy bất chấp giãn cách xã hội, biết nghề cào sò là trái phép nhưng lợi nhuận từ nghề cào sò khá cao từ 1,5- 2 triệu đồng/ngày, thậm chí những ngày trúng đậm lên đến hơn 3 triệu đồng nên nhiều người vẫn lén lút đi khai thác.

Ông Lê Hoàng Vương - Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh bức xúc: “Nghề cào sò, kích điện sò là nghề cấm, thế nhưng có nhiều phương tiện của ngư dân các địa phương trong huyện như: Vạn Long, Vạn Thọ… vẫn đến vùng biển xã Vạn Thạnh hoạt động. Vùng nào có tàu cào sò hoạt động thì thủy sản bị khai thác đến mức cạn kiệt; môi trường nước thì ô nhiễm trầm trọng do đáy vịnh bị xới tung. Hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng, người nuôi rất bức xúc bởi nạn cào sò khiến cá biển, tôm hùm nuôi chết do trào bùn lên”.


Từ thực tế nhiều đợt tuần tra trên biển, ông Lê Viết Hưng cho rằng, lợi nhuận cao, trong khi để hoạt động nghề cào sò khá đơn giản, chỉ cần 1 chiếc lồng cào bằng sắt có giá mua chỉ 4 triệu đồng, thả sát đáy biển, nối với tàu cá bằng 2 sợi dây thừng hai bên là có thể ra biển khai thác. Khi bị lực lượng chức năng truy đuổi chỉ cần chặt đứt dây là có thể tháo chạy, khi lực lượng chức năng rời đi quay lại lặn tìm lồng cào để tiếp tục hoạt động. Ngoài cào sò, còn có nạn lặn dùng kích điện để kích sò, bất chấp quy định cấm. Vào ban đêm, khi tàu tuần tra phát hiện, các đối tượng không chấp hành, bỏ chạy, thậm chí chống đối, đe dọa lực lượng chức năng. Ban ngày, họ còn cắt cử người nhà đến canh ở nơi tàu tuần tra neo đậu, khi phát hiện tàu rời bến lập tức gọi điện báo cho các ghe, thuyền đang khai thác trái phép trên biển bỏ chạy về bờ nên rất khó xử lý…

 

Đối tượng hoạt động nghề cào sò bị lực lượng chức năng xử lý.

Đối tượng hoạt động nghề cào sò bị lực lượng chức năng xử lý.

 

Tăng cường tuần tra, xử lý


Để xử lý nạn cào sò, sử dụng kích điện để kích sò trên vùng biển Vạn Ninh, thời gian qua, Trạm Thủy sản Vạn Ninh đã tăng cường công tác tuần tra, xử lý các vi phạm, Trong 8 tháng đầu năm nay, tuy dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Vạn Ninh diễn biến phức tạp nhưng trạm đã tiến hành 81 đợt tuần tra, kiểm soát trên biển, tiến hành kiểm tra 300 lượt phương tiện, đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 10 tàu cá vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản, với tổng số tiền 32,5 triệu đồng, thu giữ 24 lồng cào sò, 13 bộ kích điện.  Hiện tàu tuần tra của Trạm Thủy sản Vạn Ninh liên tục tuần tra, hiện diện tại các khu vực tàu cào sò thường xuyên hoạt động để hạn chế tình trạng này. Trạm Thủy sản Vạn Ninh kiến nghị các địa phương ven biển ở Vạn Ninh phối hợp, hỗ trợ trong công tác tuần tra, xử lý vi phạm trên biển; tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân cam kết không khai thác thủy sản bằng các nghề cấm và trong vùng cấm nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như môi trường biển.

 

Tàu Tuần tra KN 630KH dẫn tàu cào sò vi phạm về xử lý
Tàu Tuần tra KN 630KH dẫn tàu cào sò vi phạm về xử lý

 

Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, việc các tàu cá hoạt động nghề cấm, vùng cấm là vi phạm quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, mức xử phạt rất cao, do đó ngư dân trong tỉnh cần tuân thủ các quy định về chống khai thác IUU, tuyệt đối không được khai thác bằng nghề cấm, ở vùng cấm. Hiện Chi cục Thủy sản đang quyết liệt triển khai các tàu tuần tra, phối hợp với các lực lượng chức năng khác nhằm tăng cường tuần tra, kiểm soát ở vùng biển vịnh Vân Phong và các vùng biển khác do tỉnh quản lý để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đơn vị mong muốn tỉnh sớm thành lập, kiện toàn lực lượng kiểm ngư địa phương; sớm triển khai đóng mới các tàu tuần tra để tăng cường phương tiện, nguồn lực phục vụ cho tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển của tỉnh.

 

Từ đầu năm đến nay, qua tuần tra trên các vùng biển tỉnh, lực lượng của Chi cục Thủy sản đã kiểm tra hành chính 484 phương tiện tàu cá, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 35 trường hợp vi phạm chủ yếu trong hoạt động nghề cấm, vùng cấm với tổng số tiền 179,5 triệu đồng; tịch thu 15 bộ súng điện; tạm giữ 79 tang vật gồm: 54 lồng cào, 24 bộ kích điện, 1 lưới giã cào.


HẢI LĂNG