10:08, 29/08/2021

Bài 3: Phía sau câu chuyện những hồ chứa nước

Thấy dung tích thực tế của các hồ chứa nước giảm dần, anh Đinh Văn Giang, Trưởng phòng Kỹ thuật - Công nghệ (Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa) đã đề xuất với lãnh đạo cho rà soát, đánh giá khả năng trữ nước của hồ, để từ đó có giải pháp quản lý hiệu quả hơn.

Bài 3: Phía sau câu chuyện những hồ chứa nước

 

Thấy dung tích thực tế của các hồ chứa nước giảm dần, anh Đinh Văn Giang, Trưởng phòng Kỹ thuật - Công nghệ (Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa) đã đề xuất với lãnh đạo cho rà soát, đánh giá khả năng trữ nước của hồ, để từ đó có giải pháp quản lý hiệu quả hơn.


Đề xuất khảo sát, nạo vét


Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công  trình thủy lợi Khánh Hòa được giao quản lý, khai thác, vận hành 18 hồ chứa nước, tổng dung tích thiết kế khoảng 213 triệu m3. Những năm gần đây, anh Giang nhận thấy nhiều hồ chứa nước do công ty quản lý bị bồi lắng lòng hồ, khả năng phục vụ thực tế của các hồ đều thấp hơn thiết kế. Năm 2020, công ty thiếu nước tưới, dẫn tới phải khoanh vùng bỏ vụ hơn 10.000ha.

 

Hồ Đá Bàn.

Hồ Đá Bàn.


Vì vậy, anh Giang đã đề xuất lãnh đạo công ty đánh giá số liệu tưới thực tế; so sánh với năng lực tưới của công trình đã được phê duyệt, từ đó đánh giá chính xác mức độ giảm tích trữ nước của hồ, xây dựng kế hoạch nạo vét lòng hồ, phục hồi năng lực thiết kế. Đây là giải pháp góp phần phục vụ tưới nước sản xuất nông nghiệp và cấp nước thô phục vụ dịch vụ thủy lợi khác; chủ động phòng, chống thiên tai khi xảy ra mưa lũ. Đồng thời, giải pháp này cũng góp phần chủ động tính toán lượng nước đến hồ để điều tiết lũ hợp lý; đảm bảo an toàn công trình; giảm mức độ ngập lụt vùng hạ du và chủ động hơn khi xảy ra hạn hán; khoanh vùng sản xuất đối với các hồ thiếu nước, góp phần giảm thiệt hại cho nhân dân vùng bị hạn hán…


Do phạm vi công trình rộng, thường xuyên ngập dưới nước, cần có thời gian, kinh phí và nhiều yếu tố liên quan, anh Giang đề xuất Ban Giám đốc liên hệ với một số đơn vị chuyên ngành khảo sát, đo đạc. Trước mắt, đơn vị khảo sát về vị trí bồi lắng, mức độ bồi lắng ở phạm vi cụ thể đối với 2 hồ chứa nước có khả năng ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của công ty là hồ Suối Dầu (huyện Cam Lâm) và hồ Đá Bàn (thị xã Ninh Hòa), sau đó mới tính đến xem xét áp dụng với toàn bộ hồ chứa do công ty quản lý, ưu tiên các hồ chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Kết quả cho thấy, với phạm vi khảo sát 47,7ha, hồ Suối Dầu bị bồi lấp khoảng 501.200m3; hồ Đá Bàn bị bồi lấp gần 512.000m3 đối với phạm vi khảo sát 43,6ha.


Đem lại hiệu quả cao


Từ kết quả khảo sát, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Khánh Hòa đã phối hợp với đơn vị chuyên môn tính toán việc nạo vét, thanh thải khối lượng bồi lắng theo quy định và lập hồ sơ trình phê duyệt. Tháng 6 vừa qua, đề án nạo vét tại hồ Suối Dầu được UBND tỉnh phê duyệt phương án nạo vét và đánh giá tác động môi trường. Đề án nạo nét hồ Đá Bàn cũng được phê duyệt đánh giá tác động môi trường, UBND tỉnh đang xem xét phê duyệt đề án.

 

Kỹ sư Giang kiểm tra sơ đồ khu vực nạo vét  và số liệu khai thác tưới của các hồ chứa nước.

Kỹ sư Giang kiểm tra sơ đồ khu vực nạo vét và số liệu khai thác tưới của các hồ chứa nước.


Trên cơ sở này, công ty đã hợp tác với đơn vị có máy móc thiết bị và có chức năng để triển khai nạo vét. Kinh phí nạo vét được thực hiện theo hình thức xã hội hóa; đơn vị trực tiếp thực hiện hưởng lợi từ sản phẩm thu được trong quá trình nạo vét khối lượng bồi lắng lòng hồ và nộp thuế cho Nhà nước theo quy định. Đến nay, công ty đã phối hợp nạo vét được 1.050m3 lòng hồ Suối Dầu.


Theo tính toán sơ bộ, với 1ha đất, nếu không bị bỏ vụ, công ty sẽ thu được 986.000 đồng; lợi nhuận người dân thu được 21,38 triệu đồng (tính theo thống kê về chi phí sản xuất và giá lúa sản xuất vụ đông - xuân năm 2020 của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh). Nếu nạo vét xong cả hồ Suối Dầu và hồ Đá Bàn, ước tính sẽ tăng dung tích trữ nước được hơn 1 triệu m3, có thể tưới được khoảng 100ha.


Ông Đinh Văn Mỹ - Phó Giám đốc công ty cho biết, đề tài nói trên nếu được áp dụng với các hồ chứa không cung cấp nước công nghiệp và thường xuyên bị thiếu nước, bỏ vụ… sẽ phát huy hiệu quả rất cao. Đề tài cũng góp phần giúp công ty xây dựng kế hoạch sản xuất; chủ động hơn trong phòng, chống thiên tai, ổn định dân sinh; Nhà nước không phải bỏ chi phí nạo vét; giảm chi phí hỗ trợ người dân do thiếu lương thực, thực phẩm…


Được biết, đầu năm 2021, Hội đồng Thi đua khen thưởng của công ty đã khen thưởng kỹ sư Giang do có đề tài đạt hiệu quả cao.


NGUYỄN VŨ