Chiếc bi đông quen thuộc của bộ đội bỗng trở nên kỳ diệu khi mọi loại nước tự nhiên chứa trong đó đều trở thành nước sạch, uống được ngay. Đó là nhờ sáng kiến lắp thêm thiết bị lọc nước nhanh của Đại úy Phạm Văn Linh - Trợ lý kế hoạch, Phòng Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
Bài 2: Chiếc bi đông kỳ diệu của một sĩ quan trẻ
Chiếc bi đông quen thuộc của bộ đội bỗng trở nên kỳ diệu khi mọi loại nước tự nhiên chứa trong đó đều trở thành nước sạch, uống được ngay. Đó là nhờ sáng kiến lắp thêm thiết bị lọc nước nhanh của Đại úy Phạm Văn Linh - Trợ lý kế hoạch, Phòng Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh.
Lọc nhanh nhiều loại nước
Đại úy Linh kể, năm 2019, khi tham gia một cuộc thi cấp quân khu, tới phần thi làm bếp Hoàng Cầm, ở lại rừng ban đêm, nơi dựng trại lại xa dân, anh chợt nhận ra, chiếc bi đông đựng nước dung tích 1-1,2 lít của bộ đội không đủ đáp ứng nhu cầu cá nhân trong ngày, nhất là khi đi huấn luyện, diễn tập, hành quân, trú quân, dã ngoại dài ngày trong điều kiện nắng nóng, ở xa khu dân cư, xa nguồn nước tự nhiên hoặc nguồn nước bị ô nhiễm. Giải pháp tăng thể tích bi đông đã từng áp dụng nhưng lại làm tăng khối lượng mang vác của bộ đội, giảm tính cơ động và dễ bị phát hiện khi chiến đấu, nhất là với các bộ phận cần bí mật cao.
Sau 5 tháng nghiên cứu, anh Linh đã hoàn thành thiết bị lọc nước nhanh cho bi đông. Thiết bị gồm bộ lọc nước cơ bản và bộ lọc tinh. Trong đó, bộ phận lọc nước cơ bản là 1 ống hình trụ bằng nhựa dài 4cm, đường kính 2cm, 1 đầu có gen ngoài để gắn vào miệng bi đông; bên trong đặt các lớp lọc thô (lưới dệt lọc, bông lọc, than hoạt tính, màng lọc) để lọc nước ban đầu, loại bỏ các chất bẩn lớn, nấm, tảo và khử mùi... Bộ phận lọc tinh là một ống nhựa dài 10cm, đường kính 2cm, một đầu gắn nối tiếp với bộ phận lọc cơ bản, đầu còn lại có vòi ra nước thành phẩm; bên trong là các vật liệu lọc rỗng có kích thước cực nhỏ để xử lý lần cuối các kim loại nặng, vi khuẩn, chất độc hóa học và có thể lọc được lượng lớn nước đã qua lọc thô. Nước tự nhiên, nước ô nhiễm… đổ vào bi đông, chỉ cần chảy qua bộ lọc nhanh sẽ cho ra ngay nguồn nước gần như tinh khiết.
Sáng kiến hiệu quả
Đại tá Trịnh Việt Thành - Chính ủy Bộ CHQS tỉnh: Sáng kiến Bộ lọc nước nhanh cho bi đông của Đại úy Phạm Văn Linh góp phần bảo đảm nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, hành quân dài ngày của bộ đội. Từ năm 2018 đến 2020, Đại úy Phạm Văn Linh liên tục nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được công nhận đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2020, Đại úy Phạm Văn Linh được bình chọn là một trong 18 gương mặt trẻ triển vọng toàn quân. Năm 2021, Đại úy Phạm Văn Linh được Tỉnh ủy tặng bằng khen trong thực hiện Chỉ thị 05; được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân và được Bộ CHQS tỉnh xây dựng là 1 trong 30 cá nhân điển hình tiên tiến trong lực lượng vũ trang tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. |
Thực tế, việc lọc nước ô nhiễm thành nước sạch uống được không phải giải pháp mới, nhưng lâu nay, chưa có thiết bị nào thích hợp với yêu cầu hành quân của bộ đội là không sử dụng nguồn điện và thật nhỏ gọn. Thiết bị giúp bộ đội dễ dàng mang theo để lọc các nguồn nước bất kỳ, chi phí (không tính bi đông) chỉ khoảng 250.000 đồng/chiếc. Thiết bị đã được thử nghiệm cả với nguồn nước nhiễm độc hóa học. Qua kiểm nghiệm, Viện Pasteur Nha Trang chứng nhận chất lượng nước sau lọc từ thiết bị trên đảm bảo tiêu chuẩn uống trực tiếp. Thiết bị cũng thích hợp với người dân thường xuyên làm trên nương rẫy, người làm việc sâu trong rừng, không thể mang theo nhiều nước uống.
Năm 2019, đề tài Bộ lọc nước nhanh cho bi đông đã được Hội đồng khoa học Bộ Tư lệnh Quân khu 5 công nhận sáng kiến hạng B; năm 2020 được công nhận sáng kiến hạng 3 giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân. Đến nay, hơn 30 bộ lọc nước nhanh cho bi đông đã hoàn thành và bàn giao cho bộ đội sử dụng, được đánh giá cao về tính nhỏ gọn, tiện lợi.
Được biết, ngoài đề tài trên, Đại úy Linh còn phối hợp thực hiện nhiều đề tài khác như: Giá bắn súng cối, DKZ, B40, B41; bộ mìn dùng trong huấn luyện… Năm 2018, anh cùng 2 cộng sự thực hiện đề tài Hệ thống tưới nước tự động cho vườn rau và vườn cây ăn quả. Hệ thống có thể cảm biến nhanh từ độ ẩm của đất để kích hoạt hệ thống phun nước và điều khiển từ xa qua điện thoại thông minh; phù hợp với những khu vườn diện tích lớn; giá thành lại rẻ hơn 5-10 lần hệ thống tưới tự động trên thị trường. Đề tài đã được Hội đồng khoa học Bộ Tư lệnh Quân khu 5 công nhận sáng kiến hạng B. Năm 2019, đề tài cũng lọt vào vòng chung khảo cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.
NGUYỄN VŨ