Trong những ngày toàn tỉnh chống dịch Covid-19 căng thẳng luôn có lực lượng tình nguyện viên ngày đêm vất vả góp sức phục vụ cộng đồng. Với công việc đó, thậm chí đã có người trở thành bệnh nhân F0, nhưng tinh thần của họ vẫn lạc quan, tích cực điều trị để sớm phục hồi sức khỏe, tiếp tục tham gia chống dịch. Tất cả vì mục tiêu chiến thắng dịch bệnh.
Trong những ngày toàn tỉnh chống dịch Covid-19 căng thẳng luôn có lực lượng tình nguyện viên ngày đêm vất vả góp sức phục vụ cộng đồng. Với công việc đó, thậm chí đã có người trở thành bệnh nhân F0, nhưng tinh thần của họ vẫn lạc quan, tích cực điều trị để sớm phục hồi sức khỏe, tiếp tục tham gia chống dịch. Tất cả vì mục tiêu chiến thắng dịch bệnh.
Kỳ 1: Tình nguyện dấn thân
Dù già hay trẻ, những tình nguyện viên đều nỗ lực hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, cùng chính quyền và người dân chống dịch.
Sức trẻ xông pha
Sáng cuối tuần, nhóm của anh Bá Kiệt (27 tuổi, trú phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang, phụ trách đội nghi thức Nhà Thiếu nhi tỉnh) đến khu dân cư cách ly y tế, thuộc phường Vĩnh Trường (Nha Trang) để hỗ trợ lấy mẫu tầm soát cộng đồng. Trong bộ đồ bảo hộ y tế, các anh chị đứng ngoài đường, gọi tên từng người lấy dịch tiết, xét nghiệm, ghi kết quả, xịt khử khuẩn tay, vài lần lại thay bao tay. Gần về trưa, trời càng nắng nóng, bộ đồ bảo hộ ngột ngạt khiến mồ hôi mọi người túa ra, chảy vào mắt cay xè, người mệt đừ, nhưng tất cả vẫn cố tập trung để tránh sai sót.
Anh Kiệt kể, hồi đầu cũng hơi sợ và xác định mình có thể thành “F” bất cứ lúc nào, nhưng nỗi lo ấy vượt qua nhanh. Anh nhớ ánh mắt buồn bã của một người vợ khi biết chồng dương tính với SARS-CoV-2. “Đó là lần đầu tôi đi lấy mẫu. Tôi động viên họ bình tĩnh, điều trị sẽ hết, nhưng trong lòng rất buồn, chỉ ước đừng thêm ca nào nữa. Tuy nhiên, 3 ca liên tiếp lấy mẫu đều dương tính đã khiến tôi cảm nhận rõ hơn sự khốc liệt của cuộc chiến với kẻ địch vô hình. Vì vậy, tôi càng quyết tâm hơn nữa”, anh Kiệt chia sẻ.
Gặp anh Lương Ngọc Huệ (26 tuổi, phường Vĩnh Phước, Nha Trang) giữa cao điểm mùa dịch thật khó. Tờ mờ sáng, anh lo đi chợ lựa mua đồ giúp dân. Tay xách nách mang về phân hàng theo đơn rồi đưa đi giao từng nhà. Vừa xong, điện thoại báo: Gạo hỗ trợ mới về. Thế là anh lại tất bật đi bốc dỡ hàng. Dáng người tương đối nhỏ, nhưng anh vẫn liên tục vác những bao gạo 50kg chạy phăng phăng. Vừa cùng đội tình nguyện bốc xong 8 tấn gạo, lưng áo còn đẫm mồ hôi, anh lại đi nhận đơn hàng đi chợ giúp dân. Chưa hết, anh còn hỗ trợ nhập thông tin, kết quả xét nghiệm, đóng hộp cơm cho sinh viên đang cách ly y tế… Tình nguyện tham gia theo lời kêu gọi của Tỉnh đoàn, từ ngày 15-7 đến nay, chưa khi nào anh dậy sau 5 giờ và kết thúc công việc trước 21 giờ. Hỏi thì anh chỉ cười: “Tuyến đầu còn cực hơn rất nhiều, chúng tôi chỉ hỗ trợ thôi, sao phải đắn đo”.
Tuổi già gương mẫu
Chở xong chuyến thực phẩm cuối cùng tới khu dân cư cách ly y tế, gần 12 giờ, ông Hà Phạm (76 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi, kiêm Phó ban Công tác mặt trận thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, Nha Trang) còn đi mua thuốc giùm một người dân bị cao huyết áp, rồi mới về ăn trưa. Ông tham gia hỗ trợ từ mùa dịch năm ngoái tới giờ, đảm trách nắm bắt tình hình của khoảng 200 hộ dân. Người dân nhờ gì ông làm đó, chẳng nề hà. Thấy chúng tôi ái ngại vì đến nay, ông mới được thông báo đi tiêm mũi 1 vắc xin ngừa Covid-19, ông cười xòa, nói đơn giản: “Nếu sợ đã chẳng đi chống dịch! Tuổi già nhưng tôi còn khỏe, được gia đình ủng hộ, lại nghiêm chỉnh thực hiện 5K thì sợ gì!”.
Trưa nắng, dưới tán cây bàng xanh, các thành viên chốt trực tổ dân phố 1 Phước Thành, phường Phước Long (Nha Trang) vẫn nghiêm chỉnh gác chốt. Lúc này, một anh giao hàng phóng xe tới, bà Mai Thị Hồng Lê (58 tuổi, cán bộ quân đội về hưu), Tổ trưởng tổ dân phố kiêm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ đề nghị cho xem giấy tờ theo quy định. Tiếp đó, ông Lương Minh Long - Trưởng ban Công tác mặt trận đo thân nhiệt, sát khuẩn tay; một đoàn viên ghi thông tin người đến vào sổ. Lát sau, một thanh niên xin ra ngoài rút tiền mặt để trả tiền chợ, bà Lê nhanh nhẹn lấy điện thoại, nói anh chuyển tiền vào tài khoản của bà, rồi mở ví, lấy số tiền tương ứng giao lại...
Chốt trực tổ dân phố 1 Phước Thành được thành lập ngày 31-7, sau khi Trưởng Công an phường chia sẻ ý tưởng, tổ trưởng đề xuất và được bí thư chi bộ đồng ý, lãnh đạo phường ủng hộ. Hiện nay, chốt chia 3 ca, trực từ 5 giờ 30 đến 20 giờ. Sau 20 giờ, lối vào khóa lại, người muốn ra ngoài gọi chốt để được xem xét lý do mở cổng. Ngoài lực lượng cựu chiến binh là nòng cốt, chốt trực còn bố trí đoàn thanh niên ghi thông tin, hội phụ nữ phát phiếu đi chợ và kiểm tra khi về (giai đoạn giãn cách) cùng bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, tổ trưởng tổ dân phố hỗ trợ. Tổ dân phố còn lập nhiều nhóm Zalo đại diện hộ dân theo từng đoạn đường để kịp thời thông tin. Những trường hợp gặp khó khăn, tổ vận động hàng xóm giúp đỡ và báo cáo ban công tác mặt trận, các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ. Từ đầu tháng 7 đến nay, riêng tổ dân phố đã vận động, hỗ trợ cho gần 60 trường hợp.
Đến nay, tổ dân phố 1 Phước Thành với 250 hộ và 1.150 nhân khẩu vẫn giữ vững “vùng xanh”. Đó là nhờ sự hỗ trợ tích cực của chính quyền, đoàn thể và sự đồng lòng của người dân. Riêng với bà Lê, chỉ đơn giản là “còn sức thì còn làm!”.
Tiếp tục góp sức
Ngày kết thúc đợt tham gia hỗ trợ tại khu cách ly ký túc xá Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang, anh Huỳnh Văn Thảo - Phó Bí thư Đoàn phường Vĩnh Trường nhìn anh em ở lại đầy áy náy. Anh chỉ biết nói: “Anh em cố giữ sức khỏe!”.
Anh Thảo tình nguyện nhận nhiệm vụ ở khu cách ly tập trung từ ngày 5-7. Vào đây, các anh chia ca trực cả đêm, đến 6 giờ 30 đi nhận suất ăn sáng chuyển lên các phòng, sau đó gom rác, xịt khử khuẩn, chuyển ra ngoài; rồi phát cơm trưa, cơm chiều, dọn rác từng phòng, có hôm đến 21 giờ 30 mới được dùng cơm tối. Trời nắng, phải mặc đồ bảo hộ y tế, mang vác lên xuống nhiều tầng lầu, có người đã xỉu tại chỗ. “Mệt vậy, nhưng có lần đang kéo rác từ tầng 5 xuống, nghe cháu bé 7 - 8 tuổi nói: “Các chú cố gắng lên nha, đừng gục ngã, cố lên! Các chú nhớ ăn nhiều vô nha. Mọi người cần các chú!”, chúng tôi phải bật cười và thấy như được tiếp thêm sức mạnh”, anh Thảo kể.
Thế nhưng, điều không may đã xảy ra. Khi test định kỳ, anh Thảo có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Anh phải dọn đồ qua phòng khác để tránh lây bệnh cho anh em, rồi theo xe đưa bệnh nhân đi. “Trên xe, mọi người an ủi tôi rất nhiều. Sợ gia đình buồn lo, tôi không dám báo về và nhờ anh em giấu kín. Hàng ngày, tôi vẫn gọi về nhà nói chuyện vui vẻ như không có gì xảy ra”, anh tâm sự.
Chia tay chúng tôi, anh Thảo cho biết, việc từng mắc Covid-19 không khiến anh dừng lại. Cuối tháng này, anh tiếp tục tình nguyện trở lại hỗ trợ ở khu cách ly tập trung. “Khi trở thành bệnh nhân, nhìn anh em phục vụ, tôi lại nhớ công việc mình đã làm và tự nhủ phải cố giữ sức khỏe, tích cực điều trị để sớm được về, tiếp tục tham gia cuộc chiến”.
THIỀU HOA - GIANG ĐÌNH
Kỳ 2: Kết nối và sẻ chia