12:04, 30/04/2021

Những người nặng lòng với biển

Với những cán bộ nghiên cứu của Viện Hải dương học, Trường Sa ít nhiều đều để lại những kỷ niệm khó quên. Những chuyến đi Trường Sa luôn gợi lại cho họ những ký ức khó quên về vùng biên đảo thiêng liêng.

Với những cán bộ nghiên cứu của Viện Hải dương học, Trường Sa ít nhiều đều để lại những kỷ niệm khó quên. Những chuyến đi Trường Sa luôn gợi lại cho họ những ký ức khó quên về vùng biên đảo thiêng liêng.

 

  *Đảo Song Tử Tây - nơi có nhiều mẫu vật được trưng bày tại Viện Hải dương học.

Đảo Song Tử Tây - nơi có nhiều mẫu vật được trưng bày tại Viện Hải dương học.

 

Những chuyến đi nhiều cảm xúc


Tháng Tư lịch sử, nắng hanh vàng, biển hiền hòa, dịu sóng. Đúng vào ngày giải phóng Trường Sa (29-4-1975 - 29-4-2021), Tiến sĩ Hoàng Xuân Bền - Phó Viện trưởng Viện Hải dương học trở về đất liền, kết thúc chuyến đi biển dài ngày. Những mẫu vật được anh đem về từ lòng biển chưa kịp đưa đi chế tác, bảo quản, anh đã phải tất bật lo chuyện chuyên môn khác. Ngồi ngắm nghía mấy mẫu san hô trúc, anh bông đùa: “Tình yêu biển ăn vào máu rồi. Lâu ngày không được vươn khơi cảm thấy chân tay tù túng lắm! Hồi tuổi 20 yêu biển, đam mê khám phá đại dương như thế nào thì bây giờ ngọn lửa ấy vẫn vẹn nguyên như thế”.

 

Với anh, biển là tình yêu, là lẽ sống và cả một trời đam mê. Gắn bó với Viện Hải dương học 22 năm, không biết bao nhiêu lần anh tham gia các hải trình dài ngày. Các đảo lớn, đảo nhỏ, nơi nào anh cũng từng đi qua. Từ Phú Quý, Nam Du, Thổ Chu cho đến quần đảo Trường Sa đầy sóng gió đều có dấu chân anh. Với những người yêu biển và đam mê khoa học như anh, mỗi mẫu vật ở Trường Sa là một kỷ niệm, là những ký ức tươi đẹp về vùng biên hải thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Chuyến đi Trường Sa năm 2017 của Tiến sĩ Hoàng Xuân Bền.

Chuyến đi Trường Sa năm 2017 của Tiến sĩ Hoàng Xuân Bền.


Lần lại những trang nhật ký hải trình xưa cũ, Tiến sĩ Hoàng Xuân Bền bồi hồi nhớ lại: “Năm 2005, tôi đặt chân đến Trường Sa. Chuyến đi đầu tiên này vô cùng đặc biệt. Tôi được tiếp cận Trường Sa từ phía biển, từ lãnh hải của Philippines, bởi đây là chuyến hợp tác nghiên cứu với nước bạn. Khi tàu nghiên cứu đến khu vực đảo Song Tử Tây, cảm giác thực sự rất khó tả, thiêng liêng vô cùng. Nhìn từ xa, đảo thấp thoáng trong tán bàng vuông, cờ Tổ quốc tung bay trong gió, tình yêu đất nước trào dâng trong tôi. Xúc động và tự hào cứ đan xen nhau”. Năm 2017, anh tiếp tục có chuyến trở lại Trường Sa. Ngoài hàng trăm mẫu vật mang về, chuyến đi này đem lại cho anh những xúc cảm mới. Đó là được chứng kiến hình ảnh thay da đổi thịt trên quần đảo. “Thấy quân và dân trên đảo Song Tử Tây không còn phải thiếu thốn như xưa cũng cảm thấy ấm lòng. Đảo giờ có điện, Internet, điện thoại di động làm cho khoảng cách với đất liền như được kéo lại gần hơn. So với 10 năm trước, cuộc sống ở Trường Sa bây giờ đã khác xa nhiều lắm!”, Tiến sĩ Bền xúc động kể.


Lan tỏa tình yêu Tổ quốc


Trong câu chuyện về các mẫu vật được lấy về từ Trường Sa hiện đang lưu giữ tại Viện Hải dương học, chúng tôi khá ngạc nhiên bởi những thông số được ghi chép rất cẩn thận trên các mẫu vật. Nhìn vào dữ liệu lưu lại trên mẫu vật, có những mẫu đã được lưu giữ cách đây gần 1 thế kỷ. Ngay từ năm 1922, hoạt động khảo sát, nghiên cứu của Viện Hải dương học đã gắn liền với vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa. Sau ngày đất nước thống nhất, hoạt động nghiên cứu và thu gom mẫu vật tại Trường Sa lại được tiếp nối.

 

Hoạt động lặn biển lấy mẫu tại vùng biển Trường Sa.

Hoạt động lặn biển lấy mẫu tại vùng biển Trường Sa.


Tra cứu thông số E53576 về một mẫu vật được thu từ Trường Sa năm 1986, chúng tôi ngay lập tức nhận được những thông tin cụ thể. Đó là mẫu vật do cán bộ Đào Tấn Hổ thu ngày 6-3-1986 tại đảo Nam Yết và được bắt bằng tay ở độ sâu từ 2 đến 5m. Đem câu chuyện này đến gặp Phó Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, ông say sưa nói về những chuyến đi thời đó và những khát vọng còn dang dở ở Trường Sa. Với ông, Trường Sa không chỉ có đảo lớn, đảo nhỏ. Ở đó còn là một hệ sinh thái rộng lớn với sự đa dạng loại mà không phải nước nào trong khu vực cũng có được. “Ngay từ năm 1980, tôi đã mong muốn nghiên cứu sâu về Trường Sa và đề xuất việc xây dựng nền kinh tế biển, đảo. Gìn giữ chủ quyền của Tổ quốc không đơn thuần là những hoạt động quân sự. Các hoạt động nghiên cứu và phát triển kinh tế trên khu vực quần đảo Trường Sa cũng chính là sự khẳng định chủ quyền mạnh mẽ nhất”, ông chia sẻ.


Với khát vọng nghiên cứu biển để phát triển kinh tế biển, từ năm 1981 đến 1988, Phó Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn và nhiều cán bộ khác đã tham gia rất nhiều chuyến đi Trường Sa. Thời điểm ấy, tình hình biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc khá căng thẳng. Phó Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An hồi tưởng: “Năm 1985, trong chuyến đi Trường Sa cùng các chuyên gia Nga, suốt hải trình, tàu Trung Quốc đeo bám liên tục, cản trở và gây khó khăn cho quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên, chúng tôi đều là những người bước ra từ chiến tranh, điều đó không khiến chúng tôi sợ hãi. Tuy là dân khoa học, nhưng với tình yêu nước, chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng đứng lên cầm súng để bảo vệ từng tấc đất cha ông”.


Ngày ấy, đời sống trên các đảo ở Trường Sa thiếu thốn vô cùng, từ nước ngọt, rau xanh cho tới lương thực. Được tận mắt chứng kiến và nếm trải gian khó ấy, các nhà khoa học như Phó Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An càng hun đúc thêm khát vọng về việc phát triển kinh tế biển. “Những năm gần đây, tuy chúng ta đã có những phát triển kinh tế tại Trường Sa nhưng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng vốn có của vùng biển đảo tiền tiêu. Mong rằng, một ngày không xa, nơi biên hải sẽ trở thành một nhân tố trụ cột trong nền kinh tế chung. Điều đó, thế hệ chúng tôi xin được gửi gắm vào lớp trẻ hôm nay”, ông mong mỏi.  

Thật may mắn, các mẫu vật được thu về từ Trường Sa giờ đã không nằm vô tri trong phòng thí nghiệm. Từ năm 2011, trong sự kiện Festival Biển, Viện Hải dương học đã mở Khu trưng bày tài nguyên biển đảo Trường Sa - Hoàng Sa để lan tỏa hơn nữa tình yêu Tổ quốc. Du khách bước tới khu trưng bày có cảm giác như đang hòa cùng những con sóng biển Hoàng Sa - Trường Sa, được nhìn tận mắt những con cá, rạn san hô… ở vùng biển địa đầu Tổ quốc. Mỗi mẫu vật được đưa về từ Trường Sa còn như những lớp trầm tích nhỏ, hun đúc thêm cho người Việt tình yêu biển đảo, đất nước.

 

Các mẫu vật được trưng bày tại  Khu trưng bày tài nguyên biển đảo Trường Sa - Hoàng Sa.

Các mẫu vật được trưng bày tại Khu trưng bày tài nguyên biển đảo Trường Sa - Hoàng Sa.

 
 

Thạc sĩ Lê Khả Phú - Phòng Quản lý, chế tác và trưng bày mẫu vật Viện Hải dương học tâm sự: “Các mẫu sinh vật, địa chất Biển Đông do anh em của viện đưa về từ Trường Sa luôn được gìn giữ, bảo quản cẩn thận. Đó không đơn thuần là tâm huyết của các nhà khoa học mà còn là hiện thân của một phần đất nước. Mẫu vật đưa về không chỉ để nghiên cứu, lưu giữ và nhân giống, mà còn phục vụ một mục tiêu lớn hơn chính là trưng bày để giáo dục tình yêu biển đảo cho thế hệ trẻ; góp phần giúp người xem cảm nhận hơn về tình yêu Tổ quốc, biển đảo và bảo vệ môi trường...”.


Chia tay Viện Hải dương học, chia tay những nhà khoa học tâm huyết với nghề, luôn đau đáu một tình yêu Tổ quốc, chúng tôi càng cảm thấy trân quý hơn những cống hiến thầm lặng của họ. Tự hào hơn, ngay chính thời khắc kỷ niệm ngày giải phóng Trường Sa, ở phía biển, một đoàn công tác của viện vẫn đang cần mẫn hoàn thành thu thập 2.000 mẫu vật để chuẩn bị việc thành lập Bảo tàng sinh vật biển Trường Sa.

Nhật Minh