Sự đắt đỏ của trầm hương khiến nhiều người kỳ vọng đổi đời khi trồng dó bầu, cấy tạo trầm. Thế nhưng, qua nhiều năm, giấc mộng tỷ phú của người trồng dó bầu vẫn rất xa vời.
Sự đắt đỏ của trầm hương khiến nhiều người kỳ vọng đổi đời khi trồng dó bầu, cấy tạo trầm. Thế nhưng, qua nhiều năm, giấc mộng tỷ phú của người trồng dó bầu vẫn rất xa vời.
Ôm mộng làm giàu
Cách đây 15 năm, ông Đặng Vũ Phương, ở TP. Nha Trang tìm đến vùng đất Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa) với nhiều kỳ vọng khi đầu tư trồng đến 20ha dó bầu, chi phí đầu tư cả trăm triệu đồng mỗi héc-ta. Ông Phương mướn người am hiểu, thậm chí thuê cả chuyên gia, đổ bao mồ hôi, công sức, tiền của nhưng kết quả… cây chết đến hơn 12ha. Ông lại đầu tư trồng dặm, nhưng cây vẫn cứ chết. Đến nay, vườn dó bầu của ông Phương chỉ còn chừng 10.000 cây, trên diện tích khoảng 3ha. “Đến nay, tôi chắc chắn lỗ khi đầu tư 20ha dó bầu, nhưng tôi vẫn kỳ vọng sẽ có công nghệ cấy tạo trầm hiệu quả, khi đó câu chuyện sẽ khác”, ông Phương chia sẻ.
Tìm đến vùng Hóc Chim - Sủng Phèn (xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh), nơi từng là “thủ phủ” dó bầu của tỉnh, phải nhờ “thổ địa” dẫn đường, chúng tôi mới tìm thấy những cây dó bầu ít ỏi còn sót lại. Phần vì không tìm ra cách thức cấy trầm, phần vì hậu quả cơn bão 12 cuối năm 2017 càn quét, đã khiến nhiều người quay lưng với cây dó bầu, từ bỏ giấc mộng làm giàu. Hiện nay, cả vùng chỉ có 4 hộ còn cây dó bầu, nhưng cũng chỉ lác đác vài cây trong rẫy. Ông Phan Văn Dậu - người trồng dó bầu ở Hóc Chim kể: “Khi phong trào trồng dó bầu bắt đầu rộ lên, nghe nông dân Quảng Nam trồng dó, cấy tạo được trầm, tôi bàn với vợ bán bò, rồi khăn gói tìm đến tận nơi để học hỏi, mua 1.000 cây giống về trồng ở Hóc Chim. Cả gia đình tôi dồn sức chăm cây với bao kỳ vọng, vậy nhưng…”. Ông Dậu bỏ lửng câu chuyện rồi dẫn chúng tôi ra xem cây dó bầu duy nhất còn lại trong rẫy đã 21 năm tuổi mà ông giữ lại làm kỷ niệm. Trước đó, đầu năm 2017, ông đã bán hơn 50 cây dó bầu cho thương lái Quảng Nam với giá chỉ 3 triệu đồng/cây.
Trong hương trầm vấn vít, ông Nguyễn Văn Tới - Phó Chủ tịch Hội Trầm hương Khánh Hòa rót mời chúng tôi ly rượu trầm, rồi kể câu chuyện cách nay đã 15 - 20 năm. Khi ấy, người ta săn lùng trầm tự nhiên dữ lắm, đội quân “ngậm ngải tìm trầm” trong tỉnh tỏa đi khắp nơi, thậm chí sang tận Lào, Campuchia. Cũng chính thời gian này, phong trào trồng dó bầu rộ lên ở Vạn Ninh rồi lan rộng ra nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh. Thời điểm ấy, nhà nào có cây dó bầu, cấy tạo được trầm thì như có “cây vàng” trong nhà, phải cột võng để canh cây.
Gỡ nút thắt
Theo thống kê của Hội Trầm hương Khánh Hòa, cao điểm trước năm 2015, toàn tỉnh có đến 350ha dó bầu (trồng 1.000 cây/ha), nhưng đến nay chỉ còn gần 50ha; diện tích giảm phần vì gió bão, phần vì chưa cấy tạo được trầm nên người trồng chấp nhận bán rẻ. Ông Biện Quốc Dũng - Chủ tịch Hội Trầm hương Khánh Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Trầm Hương Biện Quốc Dũng cho rằng, đây là điều đáng tiếc nhất trong việc phát triển vùng nguyên liệu dó bầu để phục vụ sản xuất, chế biến các sản phẩm trầm hương trong tỉnh. Bởi theo lý giải của ông, cây dó bầu sẽ là cây “tỷ phú” khi giải được bài toán cấy tạo trầm.
Theo chia sẻ của người trồng dó bầu, tuy không thể sánh bằng trầm hương tự nhiên, nhưng trầm hương cấy tạo được trên cây dó bầu cũng có giá trị kinh tế rất cao. Thời điểm này, đang có sự chênh lệch rất lớn về giá trị của trầm tạo được trên cây dó: Cây dó chưa tạo được trầm, người trồng chỉ có thể bán cho người làm nhang trầm, với giá cao nhất 1 triệu đồng/cây; đối với cây dó tạo được trầm loại V (mỗi cây cho 0,3 - 1kg) giá bán 30 triệu đồng/kg, còn có trầm loại IV thì giá trị còn cao hơn rất nhiều. “Hiện nay, phương pháp cấy tạo trầm để tạo ra được các loại trầm chất lượng cao chính là mấu chốt trong việc phát triển cây dó bầu nguyên liệu. Đây là nút thắt biến giấc mơ “tỷ phú” của người trồng dó bầu thành hiện thực”, ông Đặng Vũ Phương chia sẻ.
Chia sẻ với chúng tôi về công nghệ cấy tạo trầm trên cây dó bầu, ông Trần Giỏi - Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Khánh Hòa, chuyên gia về lâm nghiệp của tỉnh phân tích: “Hiện nay, có 2 phương pháp cấy tạo trầm trên cây dó bầu: Phương pháp cấy bằng hóa chất nhiều rủi ro dễ dẫn đến chết cây, hạn chế về mùi hương thiên nhiên và ảnh hưởng đến môi trường; đã có nhiều người áp dụng nhưng chưa mang lại kết quả như mong muốn. Trong khi đó, phương pháp cấy trầm sinh học đã thành công ở một số địa phương trong nước. Phương pháp này sẽ khắc phục được những vấn đề tồn tại của cấy tạo trầm bằng hóa chất. Hiện nay, việc nghiên cứu ứng dụng để chuyển giao phương pháp cấy tạo trầm sinh học đang được tỉnh triển khai”.
Để gỡ nút thắt về phương pháp cấy tạo trầm trên cây dó bầu, năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đề tài “Thử nghiệm phương pháp cấy trầm sinh học trên cây dó bầu tại Khánh Hòa”, thực hiện trong 2 năm 2020 - 2021, do Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh triển khai. Theo đánh giá sơ bộ của những người tham gia thực hiện đề tài, qua 6 tháng khoan, cấy trên khoảng 100 cây, các cây đã cho thấy dấu hiệu tạo trầm. Toàn bộ số cây này được tiếp tục theo dõi sát sao. Dự kiến, khoảng tháng 10-2021 sẽ có kết quả cụ thể. Không chỉ vậy, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, trong đó ưu tiên đưa cây dó bầu vào danh mục cây thực vật quý hiếm cần bảo tồn để định hướng khai thác, phát triển trong tương lai.
Khôi phục vùng dó bầu nguyên liệu
Ông Biện Quốc Dũng chia sẻ: “Chúng tôi tin tưởng phương pháp cấy tạo trầm trên cây dó bầu tới đây không còn là bài toán nan giải nữa. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ trầm hương Khánh Hòa rất lớn, nhiều cơ sở phải nhập đến hơn 90% nguyên liệu từ tỉnh khác để đưa vào sản xuất. Do đó, cần phải khôi phục, phát triển vùng nguyên liệu dó bầu, cấy tạo trầm nhằm ổn định bền vững vùng nguyên liệu cho ngành nghề trầm hương, để đưa danh hiệu “Khánh Hòa là xứ trầm hương” vươn xa”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Hội Trầm hương Khánh Hòa đã kiến nghị lãnh đạo tỉnh xem xét việc quy hoạch vùng tập trung trồng rừng nguyên liệu cây dó bầu; cấp cho hội một số diện tích đất rừng trước đây đã được trồng cây dó bầu nhưng bị thiên tai tàn phá, để các hội viên có điều kiện góp vốn đầu tư trồng và khôi phục lại vườn cây dó bầu nguyên liệu; tạo điều kiện tiếp cận và vay vốn tín dụng ưu đãi nhằm phát triển trồng cây dó bầu… Bên cạnh đó, hội còn kiến nghị một số vấn đề về giới thiệu, quảng bá sản phẩm trầm hương Khánh Hòa. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, hiệp hội có liên quan phối hợp, hỗ trợ Hội Trầm hương Khánh Hòa và các doanh nghiệp trầm hương trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy ngành trầm hương của tỉnh trở thành 1 ngành đặc hữu, truyền thống, có giá trị cao của tỉnh.
Trao đổi với chúng tôi về việc quy hoạch vùng trồng cây dó bầu, ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, hiện nay, không có quy hoạch vùng tập trung trồng rừng nguyên liệu cây dó bầu, còn Hội Trầm Hương Khánh Hòa không phải là hội đặc thù theo quy định. Do vậy, UBND tỉnh không thể xem xét cấp đất rừng để hội trồng dó bầu nguyên liệu. Muốn trồng cây dó bầu làm nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu, phải có doanh nghiệp lập dự án, trình cấp thẩm quyền xem xét.
HẢI LĂNG - GIANG ĐÌNH