Chẳng biết ai đặt tên "bóng đá phủi" cho các trận bóng đá phong trào, nhưng nghe qua cũng thấy thật hợp với loại hình bóng đá "bụi bặm" này. Theo thời cuộc, bóng đá phủi bây giờ cũng đã được nâng tầm.
Chẳng biết ai đặt tên “bóng đá phủi” cho các trận bóng đá phong trào, nhưng nghe qua cũng thấy thật hợp với loại hình bóng đá “bụi bặm” này. Theo thời cuộc, bóng đá phủi bây giờ cũng đã được nâng tầm.
Khi bóng đá phủi dần lên… chuyên
Nếu như các nước ở châu Phi, Nam Mỹ có bóng đá đường phố thì chúng ta có bóng đá phủi. Ở đâu cũng có thể thành sân bóng phủi, một mặt sân đất hay thậm chí mảnh ruộng lồi lõm, hai cục gạch làm cột gôn, các cầu thủ cũng có thể lăn xả vào trái bóng và lẽ dĩ nhiên chẳng có trọng tài hay luật lệ gì, cứ theo tình huống mà phân xử, lắm khi còn xảy ra tranh cãi. Ấy vậy mà ngày mai lại tiếp tục chia nhau ra quần thảo.
Hình ảnh của bóng đá phủi vài thập niên trước là vậy. Bây giờ, bóng đá phủi đã khác lắm rồi. Hai năm trở lại đây, giới hâm mộ túc cầu đã dần quen với sự hiện diện của giải bóng đá phong trào sân 7 có tên KPL-S (viết tắt của từ Khánh Hòa Premier League). Đây là giải đấu nằm trong hệ thống các giải phong trào toàn quốc do Công ty Cổ phần Bóng đá Việt (VietFootball) tổ chức dành cho các đội bóng phong trào khu vực miền Trung -Tây Nguyên, dưới sự hỗ trợ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Tuy là giải phong trào nhưng quy mô, cách thức tổ chức, hoạt động truyền thông, sức thu hút khán giả… đều không thua giải chuyên nghiệp. Ông Phạm Ngọc Tuấn - Tổng Giám đốc VietFootball, Trưởng Ban tổ chức từng tuyên bố phương châm của giải là “Chơi có ý thức, chơi để tận hưởng”.
Sau thông điệp ấy, những người tổ chức đã không giấu tham vọng nâng tầm giải này trở thành giải đấu mang tầm cỡ quốc gia. Cũng vì lẽ ấy, nguồn đầu tư từ những ông bầu chịu chơi đã ùn ùn đổ về, tạo sức sống mạnh mẽ cho giải đấu. Bây giờ, giải bóng đá phủi được tổ chức rất chuyên nghiệp, từ việc thành lập ban chuyên môn, giám sát đến trọng tài… đều có trình độ, chứng chỉ được liên đoàn cấp; các đội bóng cũng không còn dáng dấp của một tập hợp những cầu thủ chơi vì đam mê như trước mà đều có sự đầu tư nghiêm túc để xây dựng hình ảnh câu lạc bộ và hướng đến những mục tiêu danh hiệu rất rõ ràng.
Chẳng đâu xa, ngay ở giải KPL-S tại Khánh Hòa, ai cũng thấy các đội bóng phong trào mạnh của tỉnh như: Thành Thành, Olympic Gym, Nam Phương, C-CASA… đều rất mạnh tay trong việc đầu tư khi mang về hàng loạt cầu thủ tên tuổi của các giải bóng đá chuyên nghiệp, từ V.League, hạng nhất, futsal, cựu tuyển thủ quốc gia cho đến giới siêu phủi.
Cầu thủ được săn đón
Chính sự phát triển mạnh mẽ của các giải phong trào, bóng đá phủi bây giờ đã trở thành nghề kiếm cơm thật sự của các cầu thủ. Thị trường chuyển nhượng cầu thủ phủi luôn sôi động. Các cầu thủ phủi có tiếng tăm ở giải phong trào của các địa phương lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được săn đón không khác gì ngôi sao bóng đá thực thụ. Hiện ở Khánh Hòa, cầu thủ phong trào được săn đón phải kể đến như: Nguyễn Minh Thống, Đinh Tiến Hà. Trước một giải đấu phong trào nào đó, các đội bóng muốn đoạt danh hiệu vô địch đều mong nhận được cái gật đầu đồng ý về đầu quân của họ. Lẽ đương nhiên, mức giá các ông bầu chi ra để lôi kéo những cái tên này cũng cao. Cầu thủ Nguyễn Minh Thống bộc bạch: “Trước khi giải KPL-S năm nay diễn ra, tôi nhận được khá nhiều lời mời của các đội bóng. Cũng trong thời điểm này, một số đội ở Hà Nội mời tôi ra thi đấu tại giải HPL-S8. Cuối cùng, tôi lựa chọn thi đấu trong màu áo đội Olympic Gym tại KPL-S2”. Chẳng ai biết cái giá bầu Long của đội Olympic Gym trả để Nguyễn Minh Thống, Đinh Tiến Hà gật đầu thi đấu cho đội bóng nhưng giới thạo tin đồn đoán cũng không dưới vài chục triệu đồng cho 1 giải đấu. Gặp chúng tôi, Đinh Tiến Hà úp mở: “Nếu nhận lời thi đấu cho các đội HPL-S8 tại Hà Nội, kết thúc giải, tôi cũng kiếm được 60 - 70 triệu đồng, đó là chưa kể các khoản chi phí khác như ăn ở, đi lại… đều do các ông bầu lo hết”.
Đó chỉ mới 1 giải đấu, trong khi bóng đá phong trào bây giờ mỗi năm có đến hàng chục giải đấu đủ quy mô, cấp độ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đối với những cầu thủ có tiếng tăm một chút cũng bỏ túi tầm 5 - 7 triệu đồng/trận đấu. Những cầu thủ ít nổi bật hơn được trả công từ 500.000 đến 2 triệu đồng cho mỗi trận.
Tuổi nghề ngắn, nhiều nguy cơ
Nghe mức thu nhập thấy ham là vậy nhưng thực sự dân trong nghề đều rất hiểu những rủi ro mà mình có thể gặp phải. “Bước vào nghề này, các cầu thủ phủi luôn phải chuẩn bị tâm thế chỉ chơi được vài ba năm và lúc nào cũng có thể gặp chấn thương. Chính vì vậy, muốn trở thành cầu thủ phủi phải quái và dị để tự bảo vệ mình”, Đinh Tiến Hà chia sẻ. Cầu thủ này nhớ mãi sự kiện năm 2018, khi anh thi đấu cho đội bóng Ocean ở giải HPL-S tại Hà Nội. Với vai trò dẫn dắt lối chơi của đội, anh được đội bạn “chăm sóc” rất tận tình. Trong trận, trong lúc dẫn bóng, anh bị một hậu vệ bỏ bóng đạp thẳng chân vào ống quyển. May mắn là lúc ấy anh né được nên cú đạp không trúng vào chân trụ mà chỉ trượt qua da. Nếu dính cú ấy, chắc chắn bây giờ anh không thể chơi bóng.
Ngoài chấn thương, đối với các cầu thủ phủi, tuổi tác cũng là một trở ngại khiến họ không thể gắn bó lâu dài với nghề. Theo một ông bầu, với sự phát triển mạnh mẽ như hiện nay, bóng đá phủi bây giờ không đơn thuần là chơi cho vui mà hướng đến mục tiêu, xây dựng thương hiệu rất rõ ràng. Để làm được điều đó, các đội bóng phải luôn tự làm mới mình và cầu thủ phủi dù có trình độ cao mà không có nền tảng thể lực, tốc độ thì sẽ không bắt kịp lối chơi nhanh, tốc độ của các cầu thủ trẻ.
Bóng đá phong trào bây giờ đã khác. Nếu bạn rảnh rỗi, hãy dành một chút thời gian đến sân cỏ Trường Đại học Nha Trang vào các ngày thứ Bảy hàng tuần để xem các cầu thủ phủi thi đấu ở giải ngoại hạng KPL-S2 lần thứ 2. Biết đâu bạn lại mê những pha bóng “dị”, những pha xử lý bóng nghệ sĩ theo kiểu… phủi.
An Nhiên