Sau gần 2 năm đi vào hoạt động tại cơ sở mới, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (thành phố Nha Trang) vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn.
Sau gần 2 năm đi vào hoạt động tại cơ sở mới, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (TP. Nha Trang) vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn.
Đi lại khó khăn
11 giờ 15 phút, trống đánh tan học, hàng chục học sinh (HS) các lớp vội vàng thu xếp sách vở, chạy ào ra khỏi cổng trường để kịp tìm chỗ ngồi trên xe buýt. Ai nhanh chân thì được ngồi, ai chậm chân hơn thì phải đứng, ai chậm hơn nữa thì đành… chờ chuyến sau. Em Nguyễn Duy Hiển - HS lớp 10 Sinh cho biết, chuyện phải đứng chen chúc trên xe buýt đến trường và về nhà đã trở thành chuyện thường ngày đối với các em. Còn ông Phạm Minh Quang - phụ huynh HS chia sẻ: “Do xe buýt đông, không đảm bảo an toàn nên thời gian gần đây, dù nhà cách trường gần 15km, tôi vẫn phải sắp xếp thời gian đưa đón con đi học bằng xe máy”.
Được biết, trong số 823 HS Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, có 423 em chọn phương án đi lại bằng xe buýt. Trên cơ sở số lượng HS đăng ký, Công ty TNHH Quyết Thắng Khánh Hòa đã bố trí 4 chuyến xe từ phía bắc và 4 chuyến từ phía nam để hỗ trợ đưa đón HS. Do xe ít, nhà xe không thể điều 8 xe chạy cùng một lúc nên nhiều HS phải đứng chờ xe buýt sớm, từ trước 6 giờ sáng mới kịp giờ học. Nếu thuê xe buýt riêng để đưa đón HS của trường thì chi phí lên tới 700.000 - 800.000 đồng/tháng, cao hơn nhiều so với mức vé tháng 120.000 đồng/HS hiện nay.
Do khó khăn về phương tiện đi lại nên hiện nay, các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa của Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đều khó tập hợp đông đủ HS. Mặt khác, trong dịp hè, xe buýt không phục vụ cho HS nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc bố trí dạy bồi dưỡng hè cho các em trong đội tuyển HS giỏi; nhà trường phải thuê cơ sở ở trung tâm thành phố cho HS và giáo viên (GV) tham gia bồi dưỡng để tiện đi lại. “Nhà trường mong muốn tỉnh quan tâm, có phương án chỉ đạo cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp giữa công ty xe buýt và nhà trường trong việc đưa đón HS đến trường được linh động cũng như hỗ trợ cho các hoạt động của nhà trường”, thầy Nguyễn Thọ Minh Quang - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn bày tỏ.
Ngoài vấn đề phương tiện đi lại cho HS chưa đảm bảo, tình hình giao thông khu vực gần Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn cũng có không ít những bất cập. Tại đây, nhiều phương tiện vận tải lớn tham gia giao thông, tài xế các xe này thường phóng nhanh vượt ẩu, không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông nên nguy cơ mất an toàn cho HS và GV luôn thường trực. Thời gian qua, đã có không ít trường hợp HS, GV bị tai nạn giao thông ở khu vực này. Nhà trường đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan cấp trên bố trí cảnh sát giao thông thường xuyên tuần tra nhưng tình hình chưa được cải thiện.
Bài toán tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh
Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, cơ sở vật chất của trường đã được trang bị tốt hơn nhiều so với trước và nổi trội hơn hẳn so với các trường THPT khác, đáp ứng yêu cầu của một trường chuyên cấp tỉnh. Đội ngũ GV được tuyển chọn hiện nay đa số là GV trẻ, có năng lực chuyên môn và tâm huyết với nghề. Các GV dạy môn chuyên đều viết các chuyên đề chuyên sâu có chất lượng khá tốt để giảng dạy, bồi dưỡng các đội tuyển. Với điều kiện dạy và học và sự quan tâm tốt hơn, kết quả thi HS giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia của trường đã từng bước được cải thiện. Trong 2 năm học 2018 - 2019 và 2019 - 2020, trường có từ 25 đến 26 giải HS giỏi quốc gia, trong khi những năm trước chỉ có từ 15 đến 20 giải. Chất lượng giải cũng tăng lên, góp phần vào kết quả chung của tỉnh và dần khẳng định được vị thế của nhà trường.
Tuy vậy, những kết quả mà một trường chuyên của tỉnh đạt được vẫn chưa có sự bứt phá, chưa xứng tầm. Những năm gần đây, một trong những vấn đề mà các nhà quản lý giáo dục trăn trở là số HS đăng ký dự tuyển vào trường chuyên có xu hướng giảm dần. Nhiều HS, phụ huynh không mấy mặn mà cho con theo học trường chuyên vì nhiều lý do. Thầy Nguyễn Thọ Minh Quang cho rằng, trường ở xa trong khi phương tiện đi lại chưa đảm bảo là lý do chính làm cha mẹ HS đắn đo khi quyết định cho con thi vào các lớp 10 chuyên của trường. Những năm gần đây, nguồn tuyển của nhà trường hạn chế, không đa dạng, chưa đảm bảo chất lượng đồng đều ở các môn chuyên. Ngay cả việc tuyển HS lớp 9 cũng không đạt mục tiêu đề ra. Năm học 2020 - 2021, chỉ có 68 HS đăng ký dự tuyển vào lớp 9 nên trường chỉ tuyển được 1 lớp thay vì 2 lớp như kế hoạch ban đầu.
Ngoài nhiệm vụ tổ chức dạy và học như các trường THPT khác, hàng năm, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn còn có trọng trách đào tạo, bồi dưỡng HS giỏi cho tỉnh. Tuy nhiên, đây là một quá trình mang tính khoa học, nghiêm túc, không thể giao khoán cho GV dạy bồi dưỡng, cũng không chỉ làm một vài tháng là có kết quả mà đòi hỏi phải có chiến lược dài hơi, ít nhất là trong suốt 3 năm học THPT. Tuy nhiên, hiện nay, kinh phí đầu tư cho công tác bồi dưỡng HS giỏi còn hạn chế. Nguồn kinh phí chi trả cho việc mời các giáo sư đầu ngành về bồi dưỡng HS giỏi của trường chưa tương xứng. Chưa kể kinh phí chi trả cho HS giỏi cấp trường hàng năm; chi phí điện nước, khấu hao cơ sở vật chất tăng cao do quy mô của trường lớn gấp 10 lần cơ sở cũ… “Nhà trường mong tỉnh quan tâm giải quyết chính sách đặc thù riêng cho việc cấp kinh phí hoạt động của trường chuyên, tăng thêm ngân sách chi thường xuyên cho trường, có chế độ ưu đãi cho GV dạy môn chuyên thay thế cho phụ cấp ưu đãi vừa ngưng thực hiện”, thầy Nguyễn Thọ Minh Quang đề xuất.
Mong sớm triển khai giai đoạn 2
Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn chuyển về xã Phước Đồng từ cuối năm 2018. Cơ sở mới có 36 phòng học khang trang, 10 phòng thí nghiệm bộ môn, phòng học ngoại ngữ hiện đại và đầy đủ, đảm bảo việc dạy học và bồi dưỡng các đội tuyển HS giỏi của tỉnh. Hiện nay, trường có 823 HS của 25 lớp, trong đó 750 HS chuyên và 73 HS lớp 9. |
Tuy đã có cơ sở vật chất tốt hơn, tuy nhiên hiện nay, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn chưa được xây dựng nhà đa năng, hội trường, sân vận động… nên việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt cho HS gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, trường có diện tích rộng, khu vực xung quanh trường không an toàn, song lực lượng bảo vệ chưa đảm bảo được yêu cầu công việc. Khu nội trú cho HS chưa có lực lượng quản lý nội trú chuyên trách. Nhà trường đã đề xuất sớm triển khai giai đoạn 2 để xây dựng một số hạng mục phục vụ hoạt động cho HS; cho phép trường tuyển thêm nhân viên làm công tác quản lý nội trú và bổ sung thêm lực lượng bảo vệ để đảm bảo an toàn cho HS và tài sản nhà trường.
Ông Lê Đình Thuần cho biết, hàng năm, sở đã chỉ đạo, hướng dẫn Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tổ chức triển khai các nhiệm vụ giáo dục, đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh và các địa phương tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản quản lý chỉ đạo để củng cố và phát triển trường chuyên. Tỉnh cũng có các cơ chế, chính sách đặc thù trong việc xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy học, đảm bảo trình độ và chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ GV, các chế độ hỗ trợ cho GV, HS để góp phần thu hút HS giỏi, tạo điều kiện thuận lợi trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục mũi nhọn của tỉnh. Tuy nhiên, các mức chi ưu đãi đến nay đã không còn phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế. Sở ghi nhận những khó khăn của nhà trường và sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành có những giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho trường chuyên phát triển xứng với tầm vóc, diện mạo mới.
H.NGÂN