11:10, 20/10/2020

Điểm tựa nâng ước mơ bay

Trên facebook, Nguyễn Hồng Phước (Trường Đại học Nha Trang) chia sẻ:"Nếu được người khác hỏi "Thành công bắt nguồn từ đâu?", câu trả lời của em chính là cô - người đã mang cho em tri thức và hành trang tự tin vững bước vào đời".

Trên facebook, Nguyễn Hồng Phước (Trường Đại học Nha Trang) chia sẻ:“Nếu được người khác hỏi “Thành công bắt nguồn từ đâu?”, câu trả lời của em chính là cô - người đã mang cho em tri thức và hành trang tự tin vững bước vào đời”. Thổ lộ đó dành cho cô Cao Thị Bích Ngọc - thạc sĩ người Raglai đầu tiên của tỉnh, giáo viên Trường THPT Phạm Văn Đồng (TP. Nha Trang).


Thực hiện ước mơ


Sinh ra và lớn lên ở thôn miền núi nghèo Nước Nhỉ, xã Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh), thời đi học của cô Ngọc không đủ đầy như nhiều bạn ở thành thị. Năm 2005, cô Ngọc nhập học Khoa Sư phạm Đại học Tây Nguyên, cũng là lúc cả 4 anh em đều đang đi học. Ngoài khoản hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số, để trang trải việc học và thực hiện ước mơ cháy bỏng được làm giáo viên (GV), cô Ngọc không nề hà làm gia sư, bán trái cây, xôi, bắp luộc gần trường. Tốt nghiệp với thành tích xuất sắc toàn khóa, cô còn khiến nhiều người ngạc nhiên khi học tiếp thạc sĩ ngành Văn học Việt Nam. Mơ ước thành hiện thực, cô Ngọc luôn “cháy hết mình” mỗi lần được đứng trên bục giảng. 5 năm học qua, cô Ngọc thường xuyên đạt GV dạy giỏi cấp trường, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 3 học sinh (HS) cô tham gia bồi dưỡng đạt HS giỏi cấp tỉnh…

 

Cô Ngọc trong chuyến tặng quà từ thiện tại Khánh Vĩnh.

Niềm vui của cô Ngọc và học trò cũ sau kỳ nghỉ hè.


Niềm hạnh phúc được cống hiến đúng nghề mơ ước cũng giúp cô thấu cảm hơn với HS nghèo hiếu học và nỗ lực vận động hỗ trợ, mong sau này các em không nuối tiếc. Hơn 4 năm trôi qua, cô vẫn chưa quên bài kiểm tra đầu năm lớp 10 của Trần Thị Thanh Ngân. Bài viết có nhiều câu như xoáy vào trái tim người đọc: “Gia đình được gọi là “tổ ấm” mà sao em thấy lạnh lẽo quá! Vì sao em không có một gia đình đủ ba đủ mẹ?”. Những câu văn trĩu nặng tâm sự ấy thôi thúc cô Ngọc tìm hiểu kỹ hơn hoàn cảnh gia đình Ngân. “Cô Ngọc đã không ngừng động viên em vượt qua một học kỳ sa sút, dần học khá giỏi và đỗ vào Trường Đại học Nha Trang. Cô còn vận động xin hỗ trợ học phí cả 4 năm đại học của em. Em rất biết ơn cô!”, Ngân tâm sự.

 


Thanh Ngân không phải trường hợp duy nhất được cô Ngọc giúp đỡ. Nguyễn Văn Vàng - cậu sinh viên Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cũng được cô vực dậy sau khi căn nhà đổ sập trong đợt mưa bão năm 2017. Nguyễn Thị Thu Ngân vượt qua được nỗi đau mất mẹ do bị lũ cuốn năm 2018, đi học Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Nguyễn Ngọc Như An -  cô HS giỏi văn cấp tỉnh, cha mất khi mẹ mới sinh em út 2 tháng, 2 em giữa phải gửi Làng trẻ em SOS Nha Trang, đã tự tin theo học Trường Đại học Nha Trang. Hà Manh - cậu HS dân tộc T’ring từng đạt 9,25 điểm thi quốc gia môn Văn được theo học Trường Đại học Đà Lạt... Tính đến nay, cô Ngọc đã vận động hỗ trợ học phí đại học toàn khóa cho 9 em và động viên nhiều em bỏ ý định thôi học.


Chia sẻ yêu thương


Về quê vào những ngày hè chói chang nắng hạn, thấy những bà mẹ gầy cùng các em thơ gùi nước sạch, nặng nề cất bước qua những con dốc cao, cô đã cùng  cha xin hỗ trợ đào được 10 giếng nước, giúp thêm 50 hộ có nước sạch. Cô còn cùng gia đình hiến hơn 100m2 đất để làm 3 tuyến đường bê tông thôn.

 

Cô Ngọc trong chuyến tặng quà từ thiện tại Khánh Vĩnh.

Cô Ngọc trong chuyến tặng quà từ thiện tại Khánh Vĩnh.


Tổ ấm của cô Ngọc rất nhỏ, đồ đạc giản dị, nằm cuối con hẻm sâu hun hút ở phường Vĩnh Nguyên (TP. Nha Trang). Nhưng nơi đây lại luôn là góc yêu thương của gia đình cô và các học trò cùng những người bạn đồng hành thiện nguyện. Khi có kết quả học tập tốt, hoặc vướng mắc chuyện riêng, học trò cũ lại tìm tới nhà cô chia sẻ. Những người bạn của cô cũng thường xuyên tới, lên kế hoạch đi từ thiện, thông báo trường hợp khó khăn, số lượng vận động được…


Có lẽ vì vậy, ngày cuối tuần, cô cũng ít chịu “ngồi yên”. Với chiếc xe máy chất ngất quà tặng quyên góp được, cô cùng học trò, bạn bè thường xuyên đến với HS và người dân ở các thôn nghèo của huyện Khánh Vĩnh. Năm 2017, biết có chương trình phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch tại Bệnh viện Nhi đồng 1, cô vận động xin hỗ trợ tiền ăn ở, đi lại giúp một cháu trai 3 tuổi ở quê cô được phẫu thuật. Năm sau, cô lại xin hỗ trợ cho một bạn gái 14 tuổi ở Nha Trang vào Bệnh viện Nhi đồng 2 phẫu thuật khối u. “Hồi đang mang bầu, cô vẫn cùng chúng em lên Khánh Vĩnh tặng quà, động viên các em nhỏ đừng bỏ học”, Nguyễn Văn Nam - HS lớp 11B11 Trường THPT Phạm Văn Đồng cho biết. “Cô không chỉ truyền tải kiến thức mà còn liên hệ thực tế, trao cho chúng em nhiều kỹ năng để bước vào đời”, Võ Minh Quân - bạn cùng lớp Nam nói thêm.


Tạo một điểm tựa


Nhận điểm 9 môn Kỹ năng giao tiếp, Nguyễn Thị Mỹ Đang (Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh) lập tức nhắn tin cho cô: “Nhờ cô thường xuyên cho tụi em thuyết trình, nói trước lớp… em thấy cách học đó hiệu quả lắm cô, mong cô hãy tiếp tục đưa phương pháp này vào giảng dạy nhiều hơn nữa…”. Đang tâm sự: “Em nhớ những buổi học hồi xưa với cô. Nhờ cô mà em thích những thứ tích cực hơn”. Nguyễn Công Thoại - HS Trường THPT Nguyễn Thái Học đã gửi bức thư xúc động khi biết cô chuyển trường: “2 năm học đã để lại cho em rất nhiều kỷ niệm. Cảm ơn cô! Người đã đưa em đến với thế giới văn chương muôn màu, những cung bậc cảm xúc và đậm đà tình người. Những câu chuyện cô kể, những kinh nghiệm và bài học của cô sẽ mãi mãi khắc ghi trong lòng em”…


Những tình cảm yêu thương, kết quả học tập tốt của học trò chính là động lực tinh thần to lớn giúp cô Ngọc thêm yêu nghề. “Chỉ cần các em đừng bỏ cuộc, mạnh mẽ bước trên con đường học vấn, tôi sẽ luôn tìm cách hỗ trợ. Tôi hy vọng các em ấy có được một điểm tựa, từ đó nỗ lực thực hiện ước mơ!”, cô tâm sự.


Tiểu Mai

 


 

Cô Vũ Thị Liên Hương - Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Văn Đồng: Cô Ngọc là GV người dân tộc Raglai, có bằng thạc sĩ, tham gia bồi dưỡng HS giỏi văn và nhiều năm đạt GV dạy giỏi cấp trường. Cô gần gũi, hòa đồng, làm tốt mọi lĩnh vực được phân công, được tập thể quý mến. Đặc biệt, cô luôn quan tâm vận động giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, giúp HS học tiếp đại học. Mọi hoạt động thiện nguyện của cô đều âm thầm, nhà trường chỉ mới biết gần đây. Cố gắng vì cộng đồng như vậy không nhiều người làm được. Năm 2019, cô Ngọc là điển hình tiên tiến tiêu biểu, được nhận bằng khen của UBND tỉnh.