Vì mưu sinh, nhiều phụ nữ ở các làng biển thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) vẫn ngày đêm lặn lội mò cua, bắt ốc tại các gò, rạn ven biển kiếm sống. Người thì đông, hải sản thì ngày càng cạn kiệt.
Vì mưu sinh, nhiều phụ nữ ở các làng biển thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) vẫn ngày đêm lặn lội mò cua, bắt ốc tại các gò, rạn ven biển kiếm sống. Người thì đông, hải sản thì ngày càng cạn kiệt.
Vất vả mưu sinh
Tờ mờ sáng, khi nhiều nhà còn then đóng, cửa gài thì nhiều phụ nữ ở thôn Tân Thành, xã Ninh Ích đã có mặt ở bến, lên những chiếc ghe nhỏ chèo ra các rạn ở Hòn Giữa, Hòn Lăng, Hòn Thị, Hòn Lao, bắt đầu một ngày mưu sinh bằng việc lặn bắt hàu, sò lông…
Sau gần 1 giờ chèo ghe, các chị cũng đến được các bãi rạn. Thả neo giữ ghe, mọi người lục đục tròng vào người các dụng cụ lặn tự chế như: Tất chân (để tránh hàu cắt chân), khăn trùm đầu, kính lặn, thau nhôm, con dao cùn… và bắt đầu lặn bắt. Giữa biển trời mênh mông, hình ảnh những thau nhôm nhỏ nổi lềnh bềnh trên mặt nước biển, bên cạnh là những người phụ nữ trồi lên lặn xuống mò bắt từng con sò, con hàu, mớ rong biển… như phản ánh thân phận bấp bênh của họ.
Sau 9 giờ ngâm mình trong nước biển, thủy triều lên, nước ngày càng đục, khó lặn bắt, các chị mới lục đục thu dọn dụng cụ lên ghe về bến. Quệt những vệt nước biển bám vào mặt, bà Đặng Thị Kim Yến (55 tuổi) khoe: “Với 4kg sò lông và mớ hàu này, tôi bán được hơn 150.000 đồng, đủ lo các bữa ăn ngày mai cho gia đình”. Bà Yến kể, nhà đông con, lại nghèo, mới 12 tuổi, bà đã theo cha mẹ làm nghề này để tự kiếm sống. 45 năm theo nghề, bà Yến gần như trải qua hết những cơ cực, nguy hiểm, vất vả của nghề. “Sợ nhất là những ngày đông, theo con nước, có tháng, đêm nào cũng ngâm mình trong nước 8, 9 giờ. Đến khi lên bờ, cả người lạnh run, cứng đờ tay chân. Vì thế, để theo được nghề này phải có sức khỏe. Tôi già rồi, sức khỏe không còn, nhưng con đang ở tuổi ăn, tuổi học, chi phí gia đình phụ thuộc vào nghề này, nếu không làm, mẹ con tôi không biết lấy gì sống”, bà Yến chia sẻ.
Đến bây giờ, bà Đặng Thị Ngọc Hiền (56 tuổi) vẫn còn ám ảnh về cơn bão cách đây gần 20 năm. Đợt đó, do ham lặn bắt, đến khi gió bão nổi lên, bà và một bạn lặn mới lên ghe chèo vào bờ. Nhưng do sóng to, gió lớn, ghe bà trôi càng lúc càng xa bờ, bị từng cơn sóng nhồi lên ngụp xuống, trên biển lúc đó không có tàu bè nào qua lại để kêu cứu. “Lúc đó, chúng tôi chỉ biết bám chặt vào ghe, rồi khấn cầu trời đất. Cũng may, sau đó sóng đưa ghe chúng tôi tấp vào một bãi rạn. Hôm đó, cả nhà tôi ai cũng khóc vì nghĩ chúng tôi lành ít, dữ nhiều”, bà Hiền nói. Cực khổ là thế, nhưng tiền kiếm được không bao nhiêu, bữa nào may mắn, số sò, ốc bán được khoảng 300.000 - 400.000 đồng, còn lại bình quân chỉ 150.000 - 200.000 đồng. Do cực khổ, thu nhập thấp nên hiện giờ cả xóm chỉ còn 5 người theo nghề.
Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến tổ dân phố Hà Liên, phường Ninh Hà, nơi gần 1/2 phụ nữ mưu sinh bằng nghề mò cua, bắt ốc. Mặt trời vừa đứng bóng, phụ nữ trong làng lục đục xách xô, cuốc, cào lên ghe chèo ra cồn Ngao, gò Tiên Du cách làng hơn 2km để mưu sinh. Tới nơi, nhóm người tản ra, ngâm mình trong lớp bùn đất, với cái cào trong tay, họ lật từng lớp bùn đất, xới lên những con phi, con đuôi heo bỏ vào xô chậu. Dưới cái nắng như đổ lửa, bà Huỳnh Thị Phúc - tổ dân phố Hà Liên giải thích, nghề này theo con nước, nước rút lúc nào đi lúc đó. Mùa này còn đỡ, có những mùa con nước rút vào ban đêm. Do ánh đèn không đủ ánh sáng, nhiều người bước chân hụt hoặc rơi vào những vũng bùn lấm lem.
Ngày càng khó khăn
Theo nhiều người dân làng biển, những năm trước, nghề này cực khổ, ít người làm nên thu nhập khá. Năm nay, do dịch bệnh Covid-19, nhiều người thất nghiệp, về quê đổ xô đi làm nghề này. Đông người khai thác, ốc, cua, sò sinh sản không kịp nên số lượng bắt được ngày càng ít.
Cào xong mớ hàu, mớ phi, đuôi heo, bán được hơn 100.000 đồng, bà Nguyễn Thị Linh (70 tuổi, tổ dân phố Hà Liên) cho biết: “Tôi theo nghề này hơn 55 năm. Trước đây, mỗi ngày tôi cào bắt được cả chục kg, bây giờ chỉ được khoảng 5 - 6kg”. Theo bà Nguyễn Thị Hên (tổ dân phố Hà Liên), trước đây ở các bãi, cồn này chủ yếu người dân Hà Liên khai thác. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, người dân ở các xã, phường: Ninh Phú, Ninh Hà, Ninh Lộc, Ninh Giang đang làm việc tại các cơ sở dịch vụ, du lịch, nhà máy đông lạnh… bị mất việc cũng đổ xô đi bắt ốc, đào đuôi heo. Có những ngày, 2 bãi này có tới 150 người bắt, có khi lên đến 200 người, gấp 2 đến 3 lần so với trước đây. Cùng với lượng người khai thác tăng, do dịch bệnh nên khách du lịch đến với Khánh Hòa giảm đáng kể; nhiều nhà hàng, khách sạn đóng cửa, không thu mua hải sản, khiến cho giá bán giảm gần một nửa, cuộc sống của người làm nghề này đã vất vả, càng khó khăn hơn. Bà Đặng Thị Kim Yến cho biết: “So với những năm trước, năm nay cùng lượng khai thác như nhau nhưng thu nhập chúng tôi giảm nhiều. Năm ngoái, 1kg sò lông có giá 35.000 - 40.000 đồng, hiện nay chỉ còn 22.000 - 25.000 đồng/kg; giá ốc 20.000 - 25.000 đồng, nay chỉ còn khoảng 18.000 đồng/kg”.
Chia tay những người phụ nữ, chúng tôi trở về mang theo trong lòng hình ảnh biển chiều mênh mông, từng con sóng vỗ đập vào những tảng đá tung bọt trắng xóa, mỏng manh như những phận người kiếm sống bên bờ biển.
Ly Vân
Bà Đoàn Thị Lực - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Ninh Hòa: Đối với phụ nữ vùng biển, thời gian qua, hội đã có nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ về vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, khuyến khích họ chuyển đổi nghề. Tuy nhiên, một số hội viên do đã lớn tuổi, không có chuyên môn, ngại thay đổi nên họ vẫn tiếp tục nghề mò cua, bắt ốc. 5 năm trở lại đây, thực hiện phong trào “Phụ nữ Ninh Hòa hướng về biển đảo quê hương”, hội đã tổ chức nhiều hoạt động tại 11 xã, phường ven biển với các nội dung như: Tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước; tặng phương tiện sinh kế cho phụ nữ nghèo; trao học bổng cho học sinh nghèo con ngư dân; tặng quà cho phụ nữ nghèo, khó khăn; xây dựng mái ấm tình thương cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở…