Tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid-19, do đó, các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực du lịch, thương mại đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu. Trong khi đó, DN công nghiệp, nông nghiệp cũng tìm cách chuyển hướng thị trường…
Tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid-19, do đó, các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực du lịch, thương mại đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu. Trong khi đó, DN công nghiệp, nông nghiệp cũng tìm cách chuyển hướng thị trường…
Khuyến mãi để kích cầu du lịch
Với tình hình kinh doanh gặp khó khăn, nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn Nha Trang đã nhanh chóng thực hiện các giải pháp để thích ứng như: giảm thiểu nhân sự; cắt điện ở những tầng không sử dụng, liên kết để đưa ra các chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu thị trường du lịch.
Khách sạn 4 sao Liberty Central Nha Trang nhanh chóng đưa ra 2 gói kích cầu áp dụng từ ngày 1-2 đến ngày 23-12. Trong đó, gói dành cho khách đoàn chỉ 500.000 đồng/đêm bao gồm cả tiệc trưa hoặc tối với thực đơn 6 món và gói 2.990.000 đồng/2 đêm nghỉ hạng phòng deluxe, một bữa trưa dành cho gia đình.
“Gói kích cầu trên đã giảm khoảng 50% so với thường ngày. Bên cạnh đó, trong suốt thời gian này, khách sạn Liberty Central Nha Trang còn giảm 50% dịch vụ spa, 15% dịch vụ ăn uống, 10% dịch vụ giặt ủi và ăn tại phòng cùng nhiều dịch vụ khuyến mãi khác”, ông Lê Văn Sơn - Giám đốc khách sạn Liberty Central Nha Trang nói.
Tương tự, khách sạn 4 sao Green World Nha Trang đã đưa ra gói kích cầu áp dụng đến ngày 31-3, với giá dành cho 2 khách là 2.700.000 đồng/3 đêm (trẻ em tính theo thực tế giảm 10%). Trong gói này, du khách sẽ được tắm bùn, chơi công viên nước, ăn trưa tại I-Resort và được giảm 10% hóa đơn tại nhà hàng Nha Trang Seafoods. Còn ông Phạm Minh Nhựt - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hòn Tằm Biển Nha Trang cho biết, đơn vị đang thực hiện giảm giá 50% cho 2 đêm nghỉ tại khu nghỉ dưỡng Merperle Hòn Tằm từ nay đến ngày 30-6. Theo đó, với giá 6.120.000 đồng, du khách được lưu trú 2 đêm, ăn sáng buffet, dùng trọn set menu trưa và tối cho 2 khách; miễn phí tàu cao tốc đưa đón qua đảo và đất liền, vé tắm bùn/thảo dược.
Ông Nguyễn Huy Hân - CEO của Công ty Cổ phần Việt Asian Nha Trang, đơn vị chuyên cung cấp các tour lặn biển cho biết, công ty tận dụng thời gian này để chăm sóc san hô và thi công các công trình mới, số nhân viên còn lại được nghỉ, nhận 50% lương. Hiện nay, đơn vị làm lại bảng giá khuyến mãi gửi đối tác khi lưu trú tại khách sạn Vesna kết nối tour lặn biển và xem Du Ca show.
“Dự kiến, gói kích cầu sẽ giảm giá từ 30% so với hiện tại. Ngoài gửi các đối tác cũ, sắp tới, tại các hội chợ du lịch, chúng tôi sẽ gửi đến khách hàng và đối tác để quảng bá thêm cho sản phẩm và du lịch Nha Trang - Khánh Hòa”, ông Hân chia sẻ.
Doanh nghiệp vận tải thích ứng với dịch
Trong khi chờ thị trường khách du lịch hồi phục, các DN kinh doanh vận tải đã “rục rịch” thích ứng với dịch Covid-19. Ông Nguyễn Văn Quang - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Quang Hạnh cho biết:
“Trước mắt, DN sẽ đi chào hàng, làm việc với những DN thuộc các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu xe chở công nhân hoặc các công ty du lịch nhỏ, chuyên đưa đón khách Việt để cho thuê trong ngắn hạn. Nếu thuận lợi, việc làm này không chỉ giúp DN duy trì hoạt động mà còn bảo đảm phần nào đời sống cho người lao động”. Đại diện một DN chuyên kinh doanh vận tải xe hợp đồng chở khách Trung Quốc cũng cho biết, đã làm việc thành công với một số đơn vị đưa khách Việt để tổ chức đưa đón khách, duy trì hoạt động của đội xe. Thời gian tới, DN cũng sẽ làm việc với các hãng hàng không và đơn vị lữ hành để tìm kiếm thêm các thị trường khách quốc tế ngoài Trung Quốc.
Theo ông Lê Hồng Sơn - Phó Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang, để ứng phó với tình hình dịch bệnh, công ty đã rà soát, cắt giảm 26 đoàn tàu có lượng khách bị ảnh hưởng từ vùng có dịch, nhu cầu đi lại thấp. Cùng với đó, trên các toa xe đều có bố trí khẩu trang, nước rửa tay, nước khử trùng phục vụ khách, bảo đảm an toàn. Ngoài ra, đơn vị còn thực hiện nhiều chương trình kích cầu, nhất là đối với các khách đoàn đi du lịch, từ 10 người trở lên được giảm từ 4 đến 15% giá vé, hướng dẫn viên được giảm 90% giá vé. Đối với các tập thể có số lượng lớn đi đến các điểm du lịch dọc tuyến đường sắt, sẽ được lập tàu riêng chuyên chở. Thời gian áp dụng theo từng giai đoạn: từ ngày 17-2 đến 1-3, từ ngày 6 đến 28-4, từ ngày 4 đến 20-5, từ ngày 18-8 đến 30-12.
Ngành Hàng không cũng có những động thái nhất định nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh. Hãng hàng không Vietnam Airlines và Bamboo Airways vừa thông báo sẽ thực hiện thay đổi thực đơn suất ăn và nước uống trên máy bay để giảm bớt chi phí. Theo đó, Vietnam Airlines tạm dừng cung cấp suất ăn, chỉ phục vụ nước uống đóng chai và thức ăn nhẹ trên các chuyến bay có thời gian bay dưới 2 giờ 30 phút. Đối với các vật phẩm khác, Vietnam Airlines sẽ chuyển sang cấp khăn giấy thơm thay cho khăn bông trên tất cả chuyến bay; không phục vụ gối và chỉ phục vụ chăn trong trường hợp hành khách cần sự trợ giúp về y tế trên các chuyến bay có thời gian bay dưới 4 giờ.
Siêu thị tập trung khai thác khách địa phương
Trong khi các quán ăn, nhà hàng phục vụ khách du lịch chọn giải pháp cắt giảm nhân viên hoặc tạm thời đóng cửa chờ qua mùa dịch bệnh thì các siêu thị, chợ truyền thống lại chọn cách tập trung khai thác thị trường khách địa phương. Ông Nguyễn Tuấn Linh - Quản lý Dịch vụ siêu thị Lotte Mart Nha Trang cho biết, thời gian qua, tuy khách đến mua sắm trực tiếp tại siêu thị giảm nhưng lượng khách mua hàng online qua ứng dụng SPEED L, qua điện thoại lại tăng 30% so với ngày thường. Nắm bắt cơ hội này, siêu thị đang đẩy mạnh kênh bán hàng online như một giải pháp hữu hiệu trong mùa dịch hiện nay với nhiều chương trình khuyến mãi như: giảm giá các sản phẩm, tích lũy điểm, đa dạng các sản phẩm trên ứng dụng mua sắm online, giao hàng miễn phí…
Siêu thị Big C Nha Trang cũng tăng cường các hoạt động hoạt náo, dùng thử sản phẩm nhằm thu hút khách hàng; đồng thời triển khai các chương trình khuyến mãi dành cho khách nội địa, tăng cường đầy đủ các mặt hàng trên kệ, quầy hàng. Từ nay đến ngày 25-2, siêu thị tổ chức “Lễ hội mì tôm” với mức giảm giá từ 20% đến 40% cho tất cả các loại mì tôm nhập khẩu và sản xuất trong nước. Vừa qua, siêu thị Big C cũng thực hiện chương trình giải cứu nông sản, hỗ trợ nông dân tiêu thụ 10 tấn dưa hấu và 4 tấn thanh long. Siêu thị Co.opmart Nha Trang cũng tiêu thụ không lãi suất khoảng 100 tấn dưa hấu và 600kg thanh long giúp nông dân vượt qua khó khăn vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Song song đó, việc đảm bảo môi trường an toàn cho khách hàng khi đến tham quan, mua sắm cũng được các siêu thị xem là giải pháp trọng tâm trong mùa dịch này.
Biến thách thức thành cơ hội
Mặc dù dịch Covid-19 đang khiến nền công nghiệp của tỉnh lao đao, song lãnh đạo các DN cho rằng, đây cũng chính là thời cơ lớn để tạo nên những cơ hội kinh doanh mới. Ông Nguyễn Anh Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa cho biết, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các sản phẩm yến sào được người tiêu dùng trong nước sử dụng tăng rất mạnh. Bởi trong yến sào có khả năng tăng sức đề kháng nên được nhiều người lựa chọn.
“Thời gian qua, chúng tôi đã đẩy tối đa công suất của các dây chuyền, mở rộng thị trường. Thời gian tới, có thể sẽ tính đến giải pháp tăng ca để đáp ứng nhu cầu nội địa”, ông Hùng nói.
Gặp khó ở thị trường Trung Quốc, một số DN đã bắt đầu chủ động đi tìm các đối tác mới ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Các DN phải nhập nguyên liệu của Trung Quốc hiện nay cũng đã chủ động tìm nguồn thay thế từ trong nước và các DN khu vực khác. Ông Võ Đình Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang bày tỏ:
“Lâu nay, nguyên liệu vải chủ yếu từ Trung Quốc cung cấp, song hiện nay, nguồn cung nhập khẩu bị cắt, vải nội địa sẽ chiếm ưu thế rất lớn. Hiện nay, chúng tôi đang tích cực tìm đối tác trong nước để cung cấp các sản phẩm vải mà công ty làm ra. Nếu làm tốt trong giai đoạn này, đây sẽ là cơ hội để chúng tôi khẳng định vị thế”.
Ngoài ra, một số đơn vị may mặc khác còn chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang kháng khuẩn vừa để phục vụ cộng đồng phòng, chống dịch bệnh, vừa tạo việc làm, duy trì sản xuất.
“Chúng tôi là đơn vị chuyên may veston xuất khẩu đi châu Âu nhưng khi tình hình dịch bệnh bùng phát, ảnh hưởng đến sản xuất, chúng tôi đã quyết định tham gia sản xuất khẩu trang để phục vụ cộng đồng. Hiện nay, mỗi ngày, DN sản xuất được 20.000 chiếc, gồm khẩu trang vải thông thường và khẩu trang kháng khuẩn”, bà Dương Hải Uyên - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần May Cam Ranh cho biết.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, trong khi chờ đợi thị trường Trung Quốc ăn hàng trở lại, một số vựa chuyên mua tôm hùm đã liên kết với các chuỗi cửa hàng hải sản ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để “giải cứu” tôm hùm. Hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang đã xuất hiện một vài điểm bán tôm hùm cho người dân địa phương. Ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, chi cục đang hướng dẫn người nuôi thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để liên kết với DN tìm đầu ra. Về lâu dài, để ổn định đầu ra cho sản phẩm tôm hùm, trên cơ sở của Chiến lược Nuôi biển sẽ được phê duyệt trong thời gian tới và tranh thủ các hiệp định thương mại song phương đã được Chính phủ Việt Nam ký kết với các nước, sẽ tập trung tái cơ cấu lại đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện vùng nuôi, phù hợp với nhu cầu thị trường để tránh phụ thuộc vào một thị trường như hiện nay.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Kỳ 3: Chăm lo cho người lao động