11:09, 03/09/2019

Giã cào trên vịnh Vân Phong

Là vùng biển cấm đánh bắt giã cào nhưng hàng ngày trên vịnh Vân Phong, hàng trăm tàu vẫn ngày đêm quần thảo, tận diệt nguồn lợi thủy sản ven bờ, gây bức xúc cho người dân.

Là vùng biển cấm đánh bắt giã cào nhưng hàng ngày trên vịnh Vân Phong, hàng trăm tàu vẫn ngày đêm quần thảo, tận diệt nguồn lợi thủy sản ven bờ, gây bức xúc cho người dân.


Như chốn không người


Hơn chục ngày nay, cả trăm tàu giã cào công suất lớn công khai hoạt động tại vùng biển Vạn Ninh khiến người dân vô cùng bức xúc. Có mặt tại khu vực đảo Điệp Sơn, phóng viên ghi nhận, cứ 10 giờ sáng hàng ngày, nhiều chiếc tàu từ các vùng: Vạn Giã, Vạn Thắng, Vạn Long, Vạn Phước lần lượt kéo về vùng đầm của thôn đảo Điệp Sơn để đánh bắt cá, tôm. Các tàu xếp thành hàng ngang khoảng chục chiếc chạy lên thì sẽ có ngần ấy chiếc chạy xuống. Rất đều đặn, 10 phút một lần, các tàu kéo lưới thu lượm tôm cá sau đó lại thả lưới xuống, quần thảo một vùng biển rộng lớn cho đến khi cạn kiệt thì di chuyển đi nơi khác. Chỉ sau khoảng 15 phút, nước biển trong xanh đã biến sắc đục ngầu, xộc lên mùi tanh của bùn.

 

Các tàu giã cào đồng loạt thả lưới đánh bắt.

Các tàu giã cào đồng loạt thả lưới đánh bắt.


Mục kích cùng một ngư dân có hàng chục năm mưu sinh bằng nghề đi biển, ông cho biết, khoảng nửa tháng nay, hàng trăm tàu giã cào sò (cào còng) với công suất máy từ 200CV đến 600CV hoạt động miệt mài không kể ngày đêm. Các tàu này không còn hoạt động lén lút như trước mà công khai đánh bắt tận diệt. Có khoảng 200 tàu giã cào từ các xã, thị trấn trong địa bàn huyện hoạt động. “Các tàu này thường đi theo tốp và theo đợt, từ 10 giờ đến 16 giờ và từ 16 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau. Ban đầu, các tàu hoạt động xa bờ một chút nhưng càng ngày càng kéo sát vào bờ biển. Mỗi tàu được trang bị một hệ thống lưới và lồng cào dài chừng 2,2m, đường kính từ 60 đến 70cm, bên dưới có khoảng 60 răng cưa để dễ dàng cào tận xuống lòng biển. Mắt lưới của lưới tàu giã cào thường rất nhỏ để tận thu hết thảy cá tôm...”, ông Phạm Văn Qua - Công an viên thôn Điệp Sơn cho biết. Theo ông Qua, những nơi tàu giã cào đi qua, ngoài hải sản bị mắc lưới, hệ sinh vật tầng đáy bị hủy diệt, nguồn lợi thủy sản cũng cạn kiệt. Chưa hết, tàu giã cào còn cuốn luôn cả lưới, ngư cụ của ngư dân địa phương đang hành nghề đánh bắt hải sản ven biển.


Ngư dân điêu đứng


Theo những ngư dân ở làng chài Điệp Sơn, giã cào sò đã hoành hành cả năm nay, tuy nhiên thời gian gần đây hoạt động mạnh hơn. “Trước đây, giã cào sò chủ yếu hoạt động trong khu vực tỉnh Bình Thuận, sau này chính quyền dẹp thì họ vào vùng biển Vạn Ninh, hướng dẫn cho các tàu địa phương đánh bắt. Thấy kiếm ăn được, nhiều tàu cùng làm, một số người ở Bình Thuận cũng ở lại đánh bắt luôn”, ông Qua nói.

 

Các tàu giã cào đồng loạt thả lưới đánh bắt.

Các tàu giã cào đồng loạt thả lưới đánh bắt.


Bên chiếc tàu cá 24CV đã bị mục lỗ chỗ, ông Phạm Thanh (xã Vạn Thạnh) cho biết, mấy tháng nay tàu nằm bờ không ra khơi do biển cạn kiệt tôm, cá. Trước đây, một ngày ra biển đánh lưới ông cũng kiếm được từ 400.000 đồng đến 1 triệu đồng. Từ khi tàu giã cào quần thảo vùng biển, mang tàu ra biển là phải bù lỗ tiền dầu. Nhiều người thả lưới xong còn bị tàu giã cào cuốn mất lưới. Cả làng chài này cả trăm hộ làm nghề đi biển, bây giờ tàu nằm bờ, nhiều người phải chuyển nghề đi làm thuê, làm mướn ở những nơi khác để kiếm sống.

 

Ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh: Sau khi nhận được phản ánh về tình trạng tàu giã cào hoạt động trái phép, huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng quyết liệt vào cuộc, tổ chức truy quét bất kể ngày đêm để bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Không chỉ những người đi biển bị thiệt hại, tàu giã cào còn làm tổn thất cho những hộ nuôi trồng thủy sản. Ông Nguyễn Ngọc Mẫn - Trưởng thôn Điệp Sơn cho biết: “Đợt bão số 12 năm 2017, người dân bị thiệt hại rất nặng, khi mới bắt đầu khôi phục sản xuất, nuôi trồng lại thì gặp nạn giã cào. Gia đình tôi năm vừa rồi nuôi 500 con tôm hùm bông, tôm đang phát triển thì tàu giã cào hoạt động sát bè, tôm sặc bùn trong mang, lười ăn, chết hết. Không chỉ vậy, neo cột bè cũng bị tàu giã cào cuốn đi. Tôi nhiều lần báo chính quyền địa phương và kiểm ngư, biên phòng nhưng không hiểu sao trước khi các lực lượng này ra tuần tra thì toàn bộ tàu giã cào vắng bóng. Người dân rất bức xúc nhưng không biết kêu ai, rất mong các cấp vào cuộc giải quyết”.


Cũng như ông Mẫn, ông Quy (xã Vạn Thạnh) thả nuôi hơn 1.200 con tôm hùm bông, tính cả giống và thức ăn hết khoảng 1 tỷ đồng. “Tôi nuôi đến nay là 15 tháng, vay ngân hàng 700 triệu đồng. Thế nhưng, bây giờ tôm chết gần hết, chỉ còn mấy trăm con, mỗi con cũng chỉ 3 đến 4 lạng, bán không ai mua. Nguyên nhân chính dẫn đến tôm chết là do tàu giã cào làm ô nhiễm môi trường biển. Nhiều lúc bực quá, tôi mang tàu nhỏ của mình ra đuổi giã cào thì họ cắt lồng bỏ chạy, nếu cứ thế này có khi phải bỏ xứ mà đi kiếm tiền trả nợ”, ông Quy chua chát nói.


Khó xử lý?

 

Trạm Thủy sản Vạn Ninh cho biết, toàn huyện có 1.027 tàu khai thác thủy sản có công suất từ 20CV đến 800CV, trong đó có 297 tàu hành nghề giã cào. Các tàu này nằm rải rác ở những xã, thị trấn ven biển, nhiều nhất là khu vực Phú Hội 1, 2 (xã Vạn Thắng).

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Trạm Thủy sản Vạn Ninh cho hay, vừa qua, có mấy ngày gió nam nổi lên, biển động nên xuất hiện nhiều loại sò, do vậy có tình trạng tàu giã cào cào sò nhưng không nhiều. Đến nay, không còn tàu giã cào nào hoạt động (?). “Vừa qua chúng tôi có nhận được tin báo của người dân nên tổ chức phối hợp với bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương, phòng kinh tế huyện tuần tra và tạm giữ 2 lồng cào sò, xử phạt 5 triệu đồng với 1 trường hợp vứt bỏ ngư lưới cụ xuống biển”, ông Nguyễn Ngọc Trường - Trạm trưởng Trạm Thủy sản Vạn Ninh thông tin.


Cũng theo ông Trường, mỗi tháng đơn vị này tổ chức từ 18 đến 20 đợt tuần tra kiểm soát trên biển để xử lý vi phạm của các tàu đánh bắt thủy sản. “Khó khăn lớn nhất của cơ quan chức năng là các tàu hoạt động tinh vi, lén lút về đêm, khi thấy lực lượng tuần tra thì lập tức cắt lưới, tăng tốc bỏ chạy. Từ đầu năm đến nay, trạm đã tạm giữ 20 tang vật, gồm 4 miệng lưới giã cào, 16 lồng cào sò, xử phạt số tiền hơn 45 triệu đồng”, ông Trường nói.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài lực lượng chức năng của Trạm Thủy sản Vạn Ninh thì 2 Đồn Biên phòng Đầm Môn và Vạn Hưng cũng có chức năng xử phạt các tàu giã cào trong khu vực biển ven bờ trên địa bàn huyện Vạn Ninh. Lãnh đạo 2 đồn cho biết, từ đầu năm đến nay, đã xử lý 12 trường hợp đánh bắt giã cào. Thượng tá Phan Ngọc Bình - Chỉ huy trưởng Đồn Biên phòng Vạn Hưng cho biết: “Tàu giã cào hoạt động rất tinh vi, thậm chí còn có bộ phận chuyên theo dõi hoạt động của cơ quan chức năng. Khi chúng tôi xuất phát tại bến để đi tuần tra thì những tàu giã cào được báo hiệu để dừng hoạt động”.


Rõ ràng so với thực tế thì con số xử phạt của lực lượng chức năng chỉ như muối bỏ biển. Trước tình trạng nguồn lợi thủy sản ven bờ đang cạn kiệt, môi trường biển bị ô nhiễm bởi vấn nạn tàu giã cào, người dân rất mong chính quyền cùng các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.


THÀNH NAM