11:08, 23/08/2019

Phòng hộ cho Hoa Sơn

Sau khi chủ trương chuyển loại rừng trên địa bàn tỉnh được thông qua vào giữa năm 2019, tại lưu vực quanh hồ Hoa Sơn (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) có hơn 300ha đất rẫy của người dân các xã: Vạn Phước, Vạn Long phải chuyển sang quy hoạch chức năng phòng hộ cho hồ Hoa Sơn. 

Sau khi chủ trương chuyển loại rừng trên địa bàn tỉnh được thông qua vào giữa năm 2019, tại lưu vực quanh hồ Hoa Sơn (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) có hơn 300ha đất rẫy của người dân các xã: Vạn Phước, Vạn Long phải chuyển sang quy hoạch chức năng phòng hộ cho hồ Hoa Sơn. Điều này khiến người dân hết sức lo lắng; định hướng xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả tại đây cũng gặp khó.


Nông dân lo lắng


Men theo những con đường mòn hiện nay đã được người dân góp sức, góp của đổ bê tông dẫn từ đập hồ Hoa Sơn lên các khu vực sản xuất: Đập Đá (xã Vạn Long), Suối Sổ, Suối Sung, Cổ Cò, Đá Trãi, Dốc Dẽ (xã Vạn Phước)…, chúng tôi thấy bạt ngàn những vườn chuối, sầu riêng, bưởi da xanh, bơ, chôm chôm… đang vươn mình xanh trở lại sau cơn bão số 12 năm 2017. Dọc đường lên rẫy, chốc chốc, chúng tôi lại gặp nông dân chạy xe máy mang theo nông sản xuống núi để bán.

 

Gia đình ông Võ Lại trồng cây ăn quả trên diện tích đất rẫy ven hồ Hoa Sơn.

Gia đình ông Võ Lại trồng cây ăn quả trên diện tích đất rẫy ven hồ Hoa Sơn.


Ông Võ Lại (thôn Long Hòa, xã Vạn Long) đưa chúng tôi đi tham quan khu vườn của gia đình và chia sẻ: “Gia đình tôi có tất cả 3 khu rẫy ở Vạn Long và Vạn Phước, tổng diện tích khoảng 12,8ha. Toàn bộ diện tích này do cha ông tôi khai phá từ những năm sau giải phóng, đến nay, gia đình tôi đã làm rẫy ở khu vực này hơn 40 năm. Khoảng 6 năm trở lại đây, gia đình tôi quyết định chuyển sang đầu tư trồng cây ăn quả thay dần cho cây chuối. Những cây như: bưởi, bơ phát triển mạnh, quả rất to, sầu riêng chất lượng cũng rất ngon. Tôi hy vọng cây ăn quả ở vùng rẫy này sẽ giúp thay đổi cuộc sống của gia đình. Hiện nay, nghe tin diện tích đất rẫy của gia đình bị chuyển sang quy hoạch rừng phòng hộ nên tôi rất lo lắng, không biết có được tiếp tục sản xuất hay không?”.


Cuộc sống của gia đình ông Nguyễn Phú Phong (thôn Lộc Thọ, xã Vạn Long) cũng dựa vào khu rẫy ở khu vực Suối Sung (xã Vạn Phước). Theo ông Phong, từ năm 1996, gia đình ông đã mua lại 4 khu rẫy với diện tích 11ha lúc đó chỉ trồng bắp, mì, sau chuyển dần sang trồng chuối, khóm. Hiện nay, các anh em trong gia đình ông mỗi người tiếp nhận 1 khu rẫy; ngoài diện tích chuối đã trồng từ lâu, các khu rẫy đã được chuyển sang trồng cây ăn quả, sầu riêng, bơ, bưởi da xanh. Chưa kịp mừng khi sầu riêng bắt đầu cho nguồn thu khá cao thì cơn bão số 12 năm 2017 ập vào tàn phá toàn bộ. Chăm sóc đến nay, cây trồng bắt đầu phục hồi thì gia đình ông lại nhận được tin diện tích rẫy của nhà mình bị đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ nên gia đình ông rất lo lắng.


Gặp chúng tôi, ông Trần Văn Vũ (thôn Tân Phước Bắc, xã Vạn Phước) đặt câu hỏi: “Không biết việc rà soát, đưa diện tích đất rẫy của người dân vào quy hoạch rừng phòng hộ đã tiến hành lâu chưa mà chúng tôi không biết. Mới đây, nghe lãnh đạo xã thông tin tạm dừng việc chuyển đổi cây trồng trong khu vực này vì vướng quy hoạch 3 loại rừng, chúng tôi không hiểu và không biết phải làm sao?”. Tìm hiểu thêm được biết, gia đình ông Vũ có 8ha đất rẫy tại khu vực Suối Sung, Cổ Cò, trồng các loại cây ăn quả. Hiện nay, toàn bộ diện tích này đã đưa vào quy hoạch chức năng phòng hộ.



Phải đưa vào quy hoạch


Ông Nguyễn Hùng - Chủ tịch UBND xã Vạn Phước cho biết: “Về nguồn gốc, đất rẫy ven hồ Hoa Sơn, người dân Vạn Phước đã canh tác từ năm 1976. Khi đó, người dân chủ yếu trồng bắp để lấy lương thực. Đến năm 1989 - 1990, nguồn thu từ cây chuối, dứa cao nên người dân đã chuyển sang trồng các loại cây này và hiện nay chuyển dần sang trồng cây ăn quả. Theo tôi biết, toàn bộ khu vực này có 126 hộ đang canh tác (cả người dân Vạn Phước và Vạn Long sang xâm canh), với 300 lao động thường xuyên, tổng diện tích canh tác hàng trăm héc-ta”.


Còn lãnh đạo UBND xã Vạn Long cho biết, ven hồ Hoa Sơn hiện có khoảng 40 hộ  của xã đang canh tác với tổng diện tích khoảng 100ha, xen lẫn trong diện tích của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa. Diện tích rẫy này các hộ đã canh tác hàng chục năm nay, thu nhập khá ổn định, thậm chí những hộ trồng sầu riêng có thu nhập lên đến 500 - 700 triệu đồng/năm.


Theo đại diện các xã: Vạn Phước, Vạn Long, trong quá trình làm việc với đơn vị tư vấn trước khi rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng để trình HĐND tỉnh cho chủ trương, UBND tỉnh phê duyệt, các địa phương đã đề nghị không đưa diện tích đất người dân canh tác ổn định lâu nay ở khu vực cạnh hồ Hoa Sơn vào quy hoạch chức năng rừng phòng hộ nhưng đơn vị tư vấn cho rằng không thể được, bởi pháp luật đã quy định rõ.


Ông Đỗ Lam Điền - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vạn Ninh cho biết, trước khi điều chỉnh, khu vực rẫy của người dân ven hồ Hoa Sơn một phần là đất rừng sản xuất, một phần đất trống nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Khi tiến hành rà soát để điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, toàn bộ 307,07ha rẫy ở khu vực này đã được đưa vào quy hoạch chức năng rừng phòng hộ. Bởi khu vực này đáp ứng toàn bộ các tiêu chí của rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc lưu vực sông, hồ theo Nghị định 156 năm 2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp năm 2017. Cụ thể như, địa hình trong khu vực có độ dốc từ 15% trở lên, lượng mưa bình quân hàng năm từ 2.000mm trở lên, thành phần cơ giới và độ dày tầng đất cũng đảm bảo theo quy định.

Khó phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả


Theo ông Nguyễn Hùng, qua thực tế sản xuất, người dân các xã Vạn Phước, Vạn Long đã tự chuyển đổi sang trồng bưởi, sầu riêng, bơ, chôm chôm… Để thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo chủ trương của tỉnh, địa phương cũng đã vận động người dân chuyển đổi khu vực đất rẫy quanh hồ Hoa Sơn sang trồng cây ăn quả. Qua 2 đợt triển khai, có 27 hộ đăng ký chuyển đổi với tổng diện tích 92,5ha. Tuy nhiên, kế hoạch chuyển đổi cây trồng của địa phương đang phải dừng lại, định hướng phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả của xã cũng có nguy cơ bị hủy do vướng quy hoạch rừng phòng hộ.


Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Chủ tịch UBND xã Vạn Long cho biết, địa phương cũng xác định sẽ phát triển vùng trồng cây ăn quả ở ven hồ Hoa Sơn nhưng hiện nay đã dừng triển khai việc vận động người dân chuyển đổi bởi khu vực này được đưa vào quy hoạch chức năng phòng hộ cho hồ Hoa Sơn.   


Ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho rằng: “Khu vực ven hồ Hoa Sơn có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nước rất phù hợp để phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả, cây đặc sản của Vạn Ninh. Vì vậy, địa phương có định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại khu vực này từ những loại cây kém hiệu quả sang phát triển trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, khi tiến hành rà soát thì phát hiện toàn bộ diện tích ven hồ Hoa Sơn mà người dân đăng ký chuyển đổi đều thuộc quy hoạch rừng phòng hộ nên không thực hiện được. Nguyện vọng của người dân là giữ nguyên hiện trạng để họ tiếp tục sản xuất trên phần diện tích họ đã canh tác lâu nay”.


HẢI LĂNG

 

 


 

Vẫn được canh tác bình thường


Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm cho biết, sau khi rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, đối với những diện tích người dân đã canh tác lâu nay nhưng đưa vào quy hoạch chức năng rừng phòng hộ thì vẫn tiếp tục canh tác bình thường. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ chỉ được áp dụng theo các quy định của Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn, còn các chính sách hỗ trợ nông nghiệp không thể áp dụng.

 _____________________________________________



Hồ Hoa Sơn hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2011, với diện tích lưu vực 44km3, dung tích 19,18 triệu m3 nước. Hồ có nhiệm vụ tưới cho 1.360ha đất canh tác, cấp nước cho 1.000ha nuôi trồng thủy sản, cấp nước cho sản xuất công nghiệp với lưu lượng 9.500m3/ngày đêm. Việc bảo vệ rừng để giữ nước trong lưu vực hồ Hoa Sơn là hết sức quan trọng.