12:08, 31/08/2019

Một lòng theo Bác

Từ nhiều năm nay, gia đình ông Bùi Xuân Phước (thôn Phước Tân, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) đã dốc hết công sức, tiền bạc để xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình này là một minh chứng tuyệt vời cho tình yêu của người dân Việt Nam đối với Bác Hồ, là địa chỉ đỏ để giáo dục về tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Từ nhiều năm nay, gia đình ông Bùi Xuân Phước (thôn Phước Tân, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) đã dốc hết công sức, tiền bạc để xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình này là một minh chứng tuyệt vời cho tình yêu của người dân Việt Nam đối với Bác Hồ, là địa chỉ đỏ để giáo dục về tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.


Sáng 29-8, chúng tôi có mặt tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của gia đình ông Bùi Xuân Phước để đưa tin về lễ dâng hương và trồng cây lưu niệm của Hội Nông dân và Hội Kháng chiến cứu nước TP. Nha Trang. Đã nhiều lần đến đây, nhưng mỗi khi chạm ngõ nơi này, nhìn khu tưởng niệm Bác Hồ được xây dựng bài bản, chăm chút mỗi ngày, tôi thầm cảm phục tâm huyết của người lính già.

 

zzThành đoàn Nha Trang thăm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của gia đình ông Bùi Xuân Phước.

Thành đoàn Nha Trang thăm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của gia đình ông Bùi Xuân Phước.



Công trình tâm huyết


“Cuộc đời của tôi chỉ gói gọn trong hai chữ: bộ đội và bảo tàng”, ông Bùi Xuân Phước hóm hỉnh giới thiệu về mình khi được ai đó hỏi đến. Nói vậy bởi vì 15 tuổi ông đã gia nhập đội thiếu sinh quân ở Tuy Hòa (Phú Yên), từng tham gia cả kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1970, sức khỏe giảm sút, ông Phước về Hải Phòng làm công tác bảo tàng (trước đó ông từng tốt nghiệp loại giỏi Trường Lý luận và Nghiệp vụ, Bộ Văn hóa - Thông tin). Đất nước thống nhất, ông về lại quê hương Phú Khánh, tham gia thành lập bảo tàng, tổ chức cho cán bộ nghiên cứu, sưu tầm tư liệu hiện vật, trưng bày. Năm 1989, tỉnh Phú Yên được tái lập, ông Phước khăn gói ra Tuy Hòa làm Giám đốc Bảo tàng Phú Yên  cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1995.  

 

Ông Nguyễn Tấn Tuân trao tặng bức ảnh Bác Hồ cho ông Bùi Xuân Phước.

Ông Nguyễn Tấn Tuân trao tặng bức ảnh Bác Hồ cho ông Bùi Xuân Phước.


Quá trình chiến đấu, làm việc đã khiến lòng tôn kính, tình yêu với Bác Hồ thấm sâu vào máu thịt của người cựu chiến binh. Làm ngành bảo tàng, ông Phước đã nung nấu ý tưởng sẽ lập một điểm trưng bày về cuộc đời của Bác tại vùng đất mà ông sinh sống. Và ông đã tích cóp tiền bạc mua một khu đất tại xã Phước Đồng. Trước khi nghỉ hưu một năm, ông Phước có chuyến đi xuyên Việt bằng xe máy hơn 4 tháng để thăm lại chiến trường xưa; thăm đồng đội một thời trong quân ngũ, đồng nghiệp trong nghề khảo cổ - bảo tàng, kết hợp tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm sưu tầm, trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ. Khi nghe ông Phước có ý định làm Khu tưởng niệm Bác Hồ, không ít người đã can ngăn bởi đồng lương hưu khiêm tốn làm sao có thể đầu tư một khu tưởng niệm tôn nghiêm. Thế nhưng, ông vẫn quyết tâm làm. “Tôi làm điều này để thể hiện lòng biết ơn, kính trọng với Bác và mong muốn có thêm một điểm đến ý nghĩa, để các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Bác. Tôi tự coi việc làm này là bổn phận của mình và quyết làm cho được, dù nhiều khó khăn”, ông Phước bày tỏ.


Trên thửa đất hơn 2.000m2, ông Phước tự phác thảo, phân định vị trí xây dựng từng hạng mục công trình, như: đền thờ Bác Hồ, khu tưởng niệm đồng đội công binh Sư đoàn 305, tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, ao sen... Tháng 10-1997, ông bắt đầu khởi công xây dựng từng bước theo quy hoạch. Hạng mục công trình đầu tiên đang dang dở thì tháng 12-1997, vợ ông bị bệnh nặng. Tiền bạc cứ vơi dần, nhưng công trình vẫn “chưa đâu vào đâu”. Nhiều đêm, ông ngồi một mình, lật đi lật lại bản vẽ thiết kế mà lòng trĩu nặng suy tư. Rồi ông đưa ra quyết định: bán nhà ở đường Trương Định, TP. Nha Trang để lấy tiền xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Mình có mất đi một ít tiền của để làm được nơi thờ tự, tưởng nhớ công ơn của Người thì có gì mà phải băn khoăn, so tính thiệt hơn”, ông Phước nói khi nhắc lại chuyện xưa.


Năm 2002, ông Phước hoàn thành công trình đền thờ Bác Hồ rộng khoảng 80m2. Không lâu sau đó, người vợ của ông qua đời… Còn lại một mình, ông Phước vẫn lặng thầm xây dựng thêm các hạng mục mới, tổ chức trưng bày những điểm son trong cuộc đời sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ. Ông Phước đành “xin lại” lô đất đã mua cho con gái út, bán lấy tiền làm tiếp những công trình khác của khu tưởng niệm như: khu sinh hoạt cộng đồng, phòng đọc sách về Bác... Mãi đến năm 2010, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh mới cơ bản hoàn thành.

Địa chỉ đỏ


Bây giờ, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một khu tưởng niệm rất tôn nghiêm. Từ cổng vào, khách đi trên con đường hàng rào râm bụt như đường vào nhà Bác Hồ, sẽ nhìn thấy tượng Bác đứng trên hoa sen ở trước sân.  Bước vào bên trong đền thờ sẽ bắt gặp không khí trang nghiêm với bàn thờ Bác luôn tỏa khói hương, phía sau là bức ảnh lồng kính khổ to ghi lại thời khắc Bác lâm chung, khiến cho những người đến viếng đều xúc động. Bên trên là tượng chân dung Bác Hồ bằng đồng do Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng năm 2016. Xung quanh vách tường có hơn 100 hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ được ông Phước cất công sưu tầm, phiên bản, xếp đặt trang trọng trong khung kính, tủ kính với chú thích rõ ràng. “Khi đến khu tưởng niệm, thắp nén hương dâng lên bàn thờ Bác Hồ, ai cũng xúc động. Nhìn tấm hình người đang “yên giấc ngàn thu”, tưởng chừng đang được vào lăng viếng Bác”, ông Nguyễn Văn Phích - Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh thôn Phước Tân bày tỏ.

 

Người dân đến dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ nhân dịp 50 năm ngày mất của Người.

Người dân đến dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ nhân dịp 50 năm ngày mất của Người.

 

Năm 2017, khi đến dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của gia đình ông Bùi Xuân Phước, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với việc làm ý nghĩa của gia đình ông Phước. Đồng chí chỉ đạo Tỉnh đoàn Khánh Hòa chọn khu tưởng niệm này làm điểm tổ chức sinh hoạt đoàn viên về hoạt động truyền thống…

Xây dựng khu lưu niệm rất tốn kém, nhưng phần hiện vật trưng bày cũng không kém phần công phu. Đến bây giờ, ông Phước không nhớ đã bao nhiêu lần lặn lội vào Nam ra Bắc, đến các bảo tàng nhờ sao chụp, phục chế để có hiện vật, hình ảnh trưng bày. “Cái nhà sàn cùng vali dây da, thau rửa mặt, chiếc áo kaki, đôi dép cao su, chiếc mũ cát, viên gạch hồng… tôi phải đặt hàng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam làm. Mô hình tàu Amiral Latouche Trésville mà Bác ra đi tìm đường cứu nước là do Bảo tàng Bến Nhà Rồng (TP. Hồ Chí Minh) chế tác”, ông Phước nhớ lại.


Trong quá trình sưu tầm tư liệu, ông Phước cũng đã được rất nhiều người giúp đỡ. Suốt thời gian dài, ông muốn có một tấm hình Bác đang yên nghỉ đặt trang trọng tại nơi dâng hương, để khi đến đây mọi người có cảm giác đang được vào lăng viếng Bác nhưng không tìm được. Mãi đến khoảng năm 1998 - 1999, qua sự giới thiệu của đồng đội, ông biết bà Liễu ở đường Hồng Bàng, Nha Trang có tấm hình này. “Chồng bà Liễu trước kia là cán bộ cao cấp, có thời gian gần Bác nên lưu giữ được một số hình ảnh quý về Bác, trong đó có tấm hình về thời khắc Bác lâm chung. Biết tôi xây Khu tưởng niệm Bác Hồ và đang cần tư liệu về Bác, bà Liễu đã tặng lại tôi bức hình Bác. Tôi mừng quá nên đem tấm hình vào TP. Hồ Chí Minh phóng lớn về đặt ở bàn thờ của Bác”, ông Phước kể lại.


Những ngày này, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của gia đình ông Bùi Xuân Phước đón rất nhiều đoàn khách đến tham quan, dâng hương. Mỗi lần có khách, ông Phước lại niềm nở chào đón, tỷ mẫn giới thiệu các phần trưng bày ứng với các chặng đường hoạt động cách mạng của Bác. “Vui và cảm động lắm!. Mọi người đến khu tưởng niệm này để tỏ lòng biết ơn, để tìm hiểu sâu hơn về Bác. Còn đối với tôi, ngày càng có nhiều người đến đây chính là sự ghi nhận, là phần thưởng cho những gì tôi đã làm trong 20 năm qua”, ông Phước phấn khởi nói. Trò chuyện với các đoàn khách, ông Phước cho biết mới sưu tập thêm được một số hình ảnh tư liệu về Bác Hồ, sắp tới sẽ bổ sung thêm vào phần trưng bày. “Tôi vẫn muốn có thêm những hình ảnh, tư liệu, hiện vật sâu đậm hơn về Bác để trưng bày tại đây, để lớp trẻ hiểu sâu hơn về Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Ngày nào ông trời còn cho tôi khỏe, ngày đó tôi còn dốc hết tâm huyết cho khu tưởng niệm!”, ông Phước chia sẻ.


X.T