03:04, 17/04/2019

Điểm tựa cho người khuyết tật

Đến thời điểm này, Diên Khánh là địa phương duy nhất của tỉnh thành lập được Hội Người khuyết tật. Hiện nay, hội là chỗ dựa tinh thần cho gần 200 hội viên vượt khó vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Đến thời điểm này, Diên Khánh là địa phương duy nhất của tỉnh thành lập được Hội Người khuyết tật (NKT). Hiện nay, hội là chỗ dựa tinh thần cho gần 200 hội viên vượt khó vươn lên hòa nhập cộng đồng. Nhân ngày NKT Việt Nam 18-4, chúng tôi tìm gặp những gương NKT tiêu biểu ở Diên Khánh đã và đang không ngừng nỗ lực, vươn lên làm chủ cuộc sống.


Thầy trò cùng tiến


Trụ sở hội tại thôn 3, xã Diên Phú cũng là nơi làm việc của tổ chạm khắc mỹ nghệ NKT. Sáng sớm, khi mọi người mới thức giấc đã nghe tiếng đục đẽo vang lên, 3 thầy trò Lê Viết Luận, Huỳnh Trung Dũng và Ngô Chí Cường hí hoáy bên những phiến gỗ hình hoa văn. Anh Luận kể, cơn sốt bại liệt thập tử nhất sinh đã cướp đi đôi chân của anh khi mới 3 tuổi, biến anh thành NKT. Sống với nội đến năm 20 tuổi, anh tự học sửa xe đạp để mưu sinh. Nhưng rồi nghề này cũng không đủ sống, anh chuyển sang nghề khắc chạm nhờ một ông thầy trong xóm thương xót truyền cho. Giờ đây anh trở thành người dẫn dắt cho những anh em trong hội. “Em đã lập gia đình, vợ em cũng là NKT và vừa sinh được một cháu. Nhờ các anh trong hội vận động mạnh thường quân giúp đỡ, em đã có máy móc để làm nghề. Em chỉ còn điều ước duy nhất là có một mái nhà để vợ chồng, con cái sum vầy…”, Luận chia sẻ.

 

Anh Thơ mở được quán cà phê nhỏ.

Anh Thơ mở được quán cà phê nhỏ.


Ngồi đối diện với thầy, anh Dũng (thôn 2, Diên Phú) hai tay thoăn thoắt làm việc, mắt không rời những thớ gỗ. Tiếng là học trò nhưng anh hơn thầy mình cả chục tuổi. Anh học nghề chạm khắc khá nhanh vì xuất thân vốn là thợ mộc. Tai nạn bất ngờ khiến anh bị liệt 2 chi dưới. Nghĩ suốt đời phải gắn với chiếc xe lăn, anh buồn tủi, không muốn tiếp xúc với người ngoài. Nhờ tập vật lý trị liệu nên bệnh tình anh thuyên giảm. Sau 4 năm, anh có thể làm việc. Hiện nay theo thầy Luận học nghề, anh đã dần lấy lại niềm tin. Bây giờ, anh Dũng có thể kiếm mỗi tháng 2 triệu đồng, tự lo cho mình và phụ giúp gia đình.


Cùng làm việc với thầy Luận còn có anh Cường (thôn Phú Ân Nam 4, xã Diên An). Anh cũng bị bại liệt từ nhỏ nên chân tay đều yếu. Vì thế, những hoa văn tinh xảo anh chưa làm được. Ngoài công việc chạm khắc, ở nhà anh còn giúp vợ tráng bánh cho khách điểm tâm sáng. Anh tự nhủ, NKT nên tự tìm một công việc vừa sức. Lao động không chỉ cho thu nhập, niềm vui mà còn giúp NKT yêu đời, không mặc cảm, tự ti.


Vượt lên chính mình


Dừng chân bên con đường liên thôn, anh Đinh Công Thạnh - Chủ tịch Hội NKT Diên Khánh dẫn tôi vào quán sửa xe bên đường của anh Phạm Đàn (thôn 4, Diên Phú). Nghe kể về cuộc đời anh, ai cũng thương cảm. Từ nhỏ anh đã bị liệt. Cha mẹ mất sớm, ở với chú, hàng ngày anh đi chăn bò, cắt cỏ… Lớn lên, trăn trở tìm nghề nuôi sống bản thân, anh quyết định làm thợ sửa xe máy. Bây giờ anh đã có gia đình và 2 con, đứa lớp 9, đứa lớp 2. Tuy khuyết tật nhưng anh cũng có thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng, đủ nuôi vợ con. “Hồi đó, tôi mở tiệm nhưng khổ lắm, cái gì cũng làm bằng tay, không có phương tiện máy móc gì hết. Nhờ chú Năm (anh Thạnh - PV) kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ, mua sắm dụng cụ nên công việc nhẹ nhàng hơn nhiều. Tôi biết ơn chú Năm và anh em trong hội lắm, mình làm có dư lại giúp người nghèo xem như trả nợ ân tình”, anh Đàn bộc bạch.

 

Trụ sở Hội là nơi thầy trò anh Luận chia sẻ kinh nghiệm nghề khắc chạm.

Trụ sở Hội là nơi thầy trò anh Luận chia sẻ kinh nghiệm nghề khắc chạm.

 
Người bạn cùng cảnh với anh Đàn là anh Lê Xuân Lơ (thôn Đông 3, xã Diên Điền). Anh Lơ chuẩn bị đi TP. Hồ Chí Minh để tái khám bệnh nên ghé thăm bạn. Tai nạn lúc nhỏ do mìn khiến anh cụt 1 chân. Lớn lên anh cũng tự kiếm cho mình 1 nghề nuôi sống bản thân và gia đình. Anh được hội hỗ trợ dụng cụ máy móc để làm nghề sửa xe máy.


Hạnh phúc nhất có lẽ là anh Đoàn Minh Toàn (thôn Phú Ân Nam 3, xã Diên An). Hội đã tác hợp cho anh và chị Lê Thị Mộng Dung (xã Diên Điền) nên duyên vợ chồng. “Tôi tật nguyền, thấy cô ấy hoàn cảnh tội nghiệp, lưng gù, cha mẹ mất sớm, đi ở cho người khác bị hắt hủi nên thương. Bây giờ, vợ chồng hôm sớm có nhau. Tuy công việc chạm khắc đang gặp khó khăn do cạnh tranh thị trường, nhưng mình tự nhủ làm ít, ăn ít. Ngoài việc chính là chạm khắc gỗ, tôi tranh thủ tìm gốc, cành cây có hình thù đẹp để làm thêm nên thu nhập mỗi tháng cũng được 4 - 5 triệu đồng”, anh Toàn cười hiền.


Trong số những NKT mà tôi gặp, có lẽ người gây xúc động nhất là anh Lưu Hồng Thơ (40 tuổi, Lương Phước, xã Diên Bình). Hàng ngày, trong căn quán nhỏ bên hông chợ thôn, anh lầm lũi pha cà phê cho khách với đôi tay cụt gần đến khuỷu. Anh kể, trong một lần đi hàn cho chủ tại Phan Thiết, anh bị tai nạn 2 tay, sau đó vết thương hoại tử đã cướp đi đôi tay của anh. Người vợ sống cùng anh 3 năm, do không chịu nổi vất vả đã ra đi. Mặc cảm vì đôi tay tật nguyền cùng nỗi đau bị bỏ rơi, anh nghĩ mình không thể vượt qua được. Nhưng rồi thời gian trôi qua, các vết thương lành dần và anh đã đứng lên bằng đôi chân của chính mình. Nói về Thơ, anh Thạnh không nén được xúc động: “Sau bão số 12 năm 2017, tôi lên thăm Thơ, nhìn cảnh hoang tàn, đổ nát, Thơ gần như tuyệt vọng hoàn toàn. Tôi động viên Thơ và hứa vận động nhà tài trợ dựng lại nhà và cấp một ít vốn cho Thơ tìm việc. Nhìn ánh mắt của Thơ lúc ấy tôi tin Thơ sẽ làm được. Đúng 3 ngày sau, Thơ gọi điện cho tôi, báo mình đã mở được một quán cà phê nhỏ”.  


Chỗ dựa của người khuyết tật


Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới người Chủ tịch Hội - anh Đinh Công Thạnh. Hình ảnh anh Thạnh lưng gù do chứng vẹo cột sống từ nhỏ, hàng ngày rong ruổi khắp nơi, vận động tài trợ để giúp đỡ người bất hạnh khiến ai cũng cảm phục. Anh Thạnh trải lòng: “Mình cũng là NKT, nhưng còn sức khỏe, trí lực nên giúp được gì cho NKT là vui rồi. May mắn là mình tham gia được nhiều khóa tập huấn kiến thức về NKT nên có hiểu biết, đứng ra tổ chức thì thuận lợi hơn”. Nói chuyện với anh, tôi càng khâm phục trí nhớ, sự hiểu biết của anh. Càng bất ngờ hơn khi biết anh từng được ủy quyền làm trưởng đoàn làm việc với Đại sứ Cộng hòa Ai - len về NKT Việt Nam tại Hà Nội. Anh cũng là diễn giả trong nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam về NKT.


Nhận xét về anh Thạnh, Tiến sĩ, bác sĩ Trương Tấn Minh - Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh chia sẻ: “Anh Thạnh tuy là NKT nhưng sống rất có tâm, không nghĩ về mình mà chỉ quan tâm giúp đỡ NKT. Thời gian qua, Hội NKT Diên Khánh đã có nhiều giải pháp hay trong việc vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân tài trợ, giúp đỡ NKT có việc làm, có công việc phù hợp nuôi sống bản thân, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng”.   


Đến thời điểm này, Hội NKT Diên Khánh đã qua 1 kỳ đại hội (2013 - 2018), quy tụ gần 200 thành viên trên địa bàn 5 xã, thị trấn của huyện Diên Khánh. Ban Chấp hành Hội có 10 thành viên với mục tiêu trợ giúp NKT trên địa bàn vươn lên hòa nhập cộng đồng. Thời gian qua, hội có rất nhiều hoạt động trợ giúp NKT, từ tuyên truyền, giáo dục đến xây dựng, tổ chức. Nổi bật nhất là đào tạo nghề, tạo việc làm cho NKT. Hội đã vận động nhiều tổ chức từ thiện trong và ngoài nước như: tổ chức Build Aid Norway (Na Uy), các nhà chùa, tổ chức, cá nhân, nhóm từ thiện tài trợ các dự án đào tạo nghề, việc làm cho NKT. Cụ thể như: sản xuất đũa tre, chạm khắc gỗ mỹ nghệ, xây nhà tiền chế, hỗ trợ dụng cụ sửa xe Honda, sản xuất ốc mỹ nghệ… Đồng thời, trợ giúp kinh phí tạo việc làm (uốn cần câu, bán cà phê, sửa điện cơ, sản xuất nấm, làm bánh, may mặc…) với tổng kinh phí kêu gọi hơn 2,2 tỷ đồng. Ngoài ra, hội còn thực hiện nhiều công tác từ thiện xã hội khác như: vận động tài trợ xe lăn, xe lắc, tác hợp vợ chồng, trợ giúp thăm nom hiếu hỉ…


VĨNH LẠC