Những ngày này, về xứ đạo ở thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã thấy không khí Giáng sinh trên các ngả đường. Với những thành quả trong xây dựng xứ đạo bình yên, hạnh phúc, đồng bào Công giáo nơi đây đang phấn chấn chờ đón mùa Vọng.
Những ngày này, về xứ đạo ở thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã thấy không khí Giáng sinh trên các ngả đường. Với những thành quả trong xây dựng xứ đạo bình yên, hạnh phúc, đồng bào Công giáo nơi đây đang phấn chấn chờ đón mùa Vọng.
Rộn ràng chuẩn bị
Giáng sinh năm nay có ý nghĩa đặc biệt với giáo dân giáo xứ Vĩnh Hòa vì họ sẽ được dự lễ trong nhà thờ mới vừa khánh thành vào cuối tháng 6. Để chuẩn bị cho dịp lễ này, nhà thờ đã huy động gấp 2 - 3 lần số người dọn dẹp. Ngay khi nhà thờ vừa khánh thành, ca đoàn đã lo tập dượt, đều đặn 3 tối/tuần và tăng lên 4 tối vào tuần áp lễ Giáng sinh. Giáo dân Nguyễn Thị Kim Liên (tổ dân phố Bãi Giếng Bắc) bày tỏ: “Từ năm 1972, giáo dân Vĩnh Hòa đi lễ tại một nhà nguyện thấp nhỏ. Mấy chục năm rồi, đến nay mới có nhà thờ khang trang to đẹp thế này, hạnh phúc lắm! Nhà tôi ở gần đây nên ban ngày, hễ rảnh là tôi sang nhà thờ dọn dẹp, mong từng ngày đến lễ Giáng sinh. Năm nay, nhà thờ chắc chắn được trang hoàng đẹp hơn mọi năm”.
Đoạn đường chính dẫn vào nhà thờ giáo xứ Hòa Nghĩa cũng được trang hoàng lộng lẫy với hai dãy đèn lồng treo bên đường và những cây thông Noel kết dây đèn nhấp nháy. Trong khuôn viên nhà thờ, nhiều giáo dân mải mê trang trí hang đá Bêlem. Nơi góc sân, các thiếu nhi tập múa theo điệu nhạc Giáng sinh vui nhộn. Ở thánh đường, một số giáo dân cũng đang hoàn thiện hang đá… Đang tỉ mẩn cắt tỉa mái tranh cho hang đá, giáo dân Lê Văn Công (tổ dân phố Nghĩa Đông) vui vẻ cho biết, cứ tháng 11 hàng năm, sân nhà thờ lại nhộn nhịp bởi các nhóm tập luyện cho buổi diễn nguyện trong đêm canh thức Giáng sinh. Nhưng không chỉ có người đến diễn tập, những buổi tập còn thu hút hàng trăm giáo dân tới xem. Đó là chưa kể 4 ca đoàn với gần 200 ca viên rộn ràng luyện hát trong nhà thờ. Hai anh em ông Công được giao làm hang đá Bêlem chính ngoài trời của nhà thờ. Ngoài thời gian làm rẫy, ban ngày, ông Công tranh thủ sang nhà thờ trang trí hang đá, buổi tối qua xem tập diễn.
Giáo dân Đoàn Duy Nhất (tổ dân phố Nghĩa Nam) cho biết, ông cũng bận làm đông y, nhưng hàng ngày vẫn cố thu xếp qua nhà thờ chừng 1 giờ để phụ trang trí. Theo một giáo lý viên, những ngày này, nhà thờ có rất nhiều việc cần làm như: dựng hoạt cảnh, trang trí, dạy thiếu nhi tập múa, hát… Ai cũng bận, nhưng tất cả luôn cố gắng hoàn thành việc được giao một cách tốt nhất với suy nghĩ phục vụ là phải làm hết sức mình. Bên cạnh đó, đây còn là khoảng thời gian để giáo dân thêm gắn bó, yêu thương nhau.
Nhiều đổi thay
Ông Bùi Hữu Chi - Chủ tịch Hội đồng giáo xứ Vĩnh Hòa cho hay, sau gần 2 năm, nơi kinh nguyện sớm hôm của gần 1.000 giáo dân đã khánh thành vào ngày 30-6-2018. Nhà thờ giáo xứ Vĩnh Hòa được xây dựng trên khuôn viên 4.200m2, riêng thánh đường có diện tích hơn 900m2 với 600 chỗ ngồi, ngoài ra còn nhà giáo lý, nhà xứ, đồi Đức Mẹ, tổng giá trị ước hơn 10 tỷ đồng, từ nguồn cung hiến các nơi và sự góp công, góp của của giáo dân. Ngày khánh thành, ông vẫn không tin có ngày được dự lễ trong nhà thờ quy mô thế này.
Ở các giáo xứ: Hòa Nghĩa, Hòa Yên, Hòa Bình, khung cảnh cũng có nhiều đổi thay. Linh mục Nguyễn Thời Bá - quản xứ giáo xứ Hòa Nghĩa, Hạt trưởng Giáo hạt Cam Lâm nhớ lại, những năm trước, hầu hết đường đi quanh đây là đường đất, người dân chưa có nước máy. Nhưng hiện nay, 60 - 70% đường giao thông được nhựa hóa, hơn 90% người dân có nước máy sinh hoạt. Nét thanh bình trong nếp sống đạo biểu hiện rõ qua những sinh hoạt cộng đồng trong xứ.
Theo ông Nguyễn Minh - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thị trấn Cam Đức, thị trấn có 4 giáo xứ lớn gồm: Hòa Nghĩa, Hòa Yên, Hòa Bình, Vĩnh Hòa, với khoảng 12.000 giáo dân, chiếm 75% dân số. Các giáo xứ đều tập trung phát triển đô thị văn minh, giúp nhau xóa đói giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt công tác tự quản về vệ sinh môi trường, phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Các linh mục quan tâm đôn đốc thanh niên là giáo dân tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Đặc biệt, từ năm 2004, giáo xứ Hòa Nghĩa có linh mục Nguyễn Thời Bá quản xứ, đồng thời là Hạt trưởng Giáo hạt Cam Lâm, nên có rất nhiều thuận lợi. Ngày Chủ nhật, cha linh mục thường nhắc nhở giáo dân di dời vật, công trình kiến trúc về đúng lề đường, hiến đất làm đường. Cha còn cùng Mặt trận vận động giáo dân không tham gia các tệ nạn xã hội, cá cược, đua xe, đặc biệt là sử dụng trái phép chất ma túy. Nghĩa trang giáo xứ được nâng cấp, tổ chức quy củ, thường xuyên có người trông coi… Giáo xứ Hòa Bình có 1 giáo họ vừa phối hợp với Mặt trận và công an phát triển mô hình tự quản về an ninh trật tự. Giáo xứ Hòa Yên vẫn duy trì mô hình Tiếng chuông học bài. Khi tiếng chuông vang lên từ nhà thờ, học sinh đều dừng mọi hoạt động vui chơi, tự giác ngồi học bài. Từ năm 2014 đến 2018, với sự đồng lòng của giáo dân, toàn thị trấn có nhiều chuyển biến tích cực. Số khu dân cư văn hóa tăng từ 12 lên 15/16 khu. Người dân tự nguyện hiến đất làm 20 đường giao thông đô thị với tổng diện tích hơn 3.600m2, trị giá gần 3 tỷ đồng. Tình hình hoạt động băng nhóm, mê tín dị đoan không còn. Tình trạng mất an toàn giao thông tại các tuyến giao thông đô thị thuộc thị trấn được hạn chế tối đa…
San sẻ tình yêu thương
Ông Vũ Quang Hùng, 60 tuổi, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn, giáo dân giáo xứ Hòa Yên, người đã 70 lần hiến máu nhân đạo không quên cảm xúc cách đây 2 năm, khi 1 em nhỏ bị tai nạn, cần hiến máu khẩn cấp. “Lúc đó, tôi vội huy động mọi người cùng tôi hiến máu trực tiếp để cứu cháu. Khi bác sĩ nói cơn nguy kịch đã qua, tất cả đều mừng như chính người thân của mình được cứu sống”, ông Hùng nhớ lại.
Với quan niệm từng gia đình hạnh phúc thì giáo xứ mới bình yên, phát triển, các giáo dân ở Cam Đức luôn quan tâm giúp đỡ những hộ nghèo khó, bệnh nhân, người khuyết tật. Đã thành lệ, đều đặn hàng tháng, giáo xứ Hòa Nghĩa cấp gạo cho 60 hộ nghèo (10kg/hộ), trong đó 30 hộ có thêm tiền mặt. Đến nay, giáo xứ đã xây được 18 nhà tình thương cho các hộ khó khăn. Ở giáo xứ Vĩnh Hòa, từ khi có nhà thờ mới, linh mục quản xứ cũng tổ chức bữa sáng Chủ nhật miễn phí cho khoảng 200 em từ mẫu giáo đến lớp 12, không phân biệt lương - giáo. Sau 5 năm, từ Tháng hành động vì người nghèo (từ ngày 17-10 đến 18-11), toàn thị trấn đã thu được hơn 500 triệu đồng tiền ủng hộ. Riêng năm nay, trong gần 170 triệu đồng vận động từ tháng hành động, có đến 2/3 là của giáo dân đóng góp. Hàng năm, giáo dân, lương dân đều tham gia ủng hộ từ 55 đến 70 triệu đồng cho chương trình “Tết ấm vì người nghèo”. Điều này góp phần làm cho số hộ nghèo toàn thị trấn từ 176 hộ (năm 2017) giảm còn 80 hộ (2018). Trong ngày hội đại đoàn kết vừa qua, 54 giáo dân, 27 gia đình giáo dân đã được khen thưởng. Riêng ông Vũ Quang Hùng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích hiến máu nhân đạo.
Những sẻ chia đó đã tạo ra bức tranh xứ đạo Cam Đức an vui trong mùa Giáng sinh, nơi không chỉ lan tỏa niềm tin tôn giáo, mà còn gắn kết với những hành động sống tốt đời đẹp đạo.
HOA DUNG
Linh mục Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết công giáo Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh: Thời gian qua, đời sống đồng bào Công giáo Khánh Hòa ngày càng phát triển, bộ mặt của xứ đạo, họ đạo ngày càng khang trang, đồng bào Công giáo ngày càng yên tâm giữ đạo và chu toàn trách nhiệm công dân. Điều đó nói lên người Công giáo đã thấy rằng cuộc sống đức tin cần hài hòa giữa đạo và đời nhằm đem lại lợi ích cho Tổ quốc và Giáo hội.
_______________________________________________
Theo báo cáo của Ủy ban Đoàn kết công giáo Việt Nam tỉnh, toàn tỉnh có hơn 120.000 giáo dân, 58 giáo xứ; trong đó, Cam Lâm có 14 giáo xứ với hơn 26.000 giáo dân. Năm 2018, 100% giáo xứ đã hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo”. Tại các giáo xứ Hòa Yên, Hòa Nghĩa (Cam Đức), nhiều giáo dân đã tự nguyện chặt bỏ cây ăn trái, phá dỡ tường rào để mở đường mà không yêu cầu bồi thường, có hộ phá bỏ tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng. Thị trấn Cam Đức đã được Công an tỉnh khen thưởng về công tác giữ gìn an ninh trật tự.