Hiện nay, nợ xấu từ những món vay đóng tàu 67 tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang tăng dần. Bên cạnh đó, nhiều con tàu trị giá cả chục tỷ đồng vốn vay nhưng chủ tàu không tiếp tục mua bảo hiểm. Điều này đang làm các ngân hàng cho vay lo lắng.
Hiện nay, nợ xấu từ những món vay đóng tàu 67 tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang tăng dần. Bên cạnh đó, nhiều con tàu trị giá cả chục tỷ đồng vốn vay nhưng chủ tàu không tiếp tục mua bảo hiểm. Điều này đang làm các ngân hàng cho vay lo lắng.
Nợ xấu tăng nhanh
Khi có chính sách hỗ trợ vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, gia đình ông Trương Gia Tân (Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) vay hơn 10,3 tỷ đồng của Agribank Khánh Hòa đóng tàu vỏ composite và đi chuyến biển đầu tiên vào đầu năm 2017. Theo ông Tân, do không chuyến biển nào có lãi nên trả nợ ngân hàng rất khó khăn. Đến nay, ông Tân mới trả nợ được hơn 700 triệu đồng. Ngoài ra, tàu của ông Tân cũng đã hết hạn bảo hiểm mà chưa mua tiếp. Ông Tân đề nghị ngân hàng chia đều số tiền trả nợ mỗi kỳ thay vì phân kỳ trả nợ không đồng đều mà ngân hàng đang áp dụng hiện nay; đề nghị tiếp tục hỗ trợ tiền mua bảo hiểm đến 90% như trước đây.
Còn ngư dân Lê Tuấn Hiệp (Hòn Rớ, Phước Đồng) thì khác. Ông Hiệp cho biết: “Tôi vay hơn 10 tỷ đồng đóng tàu từ năm 2015 và hạ thủy năm 2016. Ngoài tàu 67, gia đình tôi còn 1 tàu lớn khác cũng khai thác xa bờ. 3 năm qua, tôi đã đi khoảng 27 chuyến biển và chưa lỗ chuyến nào. Mỗi năm cũng dư được khoảng 1,5 tỷ đồng”. Lý giải tại sao tàu hoạt động hiệu quả mà lại không trả nợ ngân hàng đúng hạn, ông Hiệp cho biết, chi phí tu bổ, bảo dưỡng tàu, chi phí lao động và chuẩn bị tiếp tục ra khơi khá nhiều trong khi khoản nợ quá lớn nên chỉ có thể trả dần chứ không thể đúng như cam kết với ngân hàng.
Một số chủ tàu vay vốn của Agribank Khánh Hòa cho rằng, cách tính trả nợ không đồng đều của ngân hàng khiến họ khó trả nợ. Tuy nhiên, tại BIDV Khánh Hòa, với cách tính phân kỳ trả nợ đồng đều thì vẫn phát sinh nợ xấu. Tổng số vốn BIDV Khánh Hòa cho vay theo Nghị định 67 là 76 tỷ đồng thì nợ xấu đã lên đến 37 tỷ đồng và nợ nhóm 2 là 8,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, vẫn có những ngư dân trả nợ ngân hàng đúng hạn. Chẳng hạn như ông Võ Đình Hiệp (Vũng Ngán, phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang), vay vốn đóng tàu composite trị giá 10,5 tỷ đồng, trong 2 năm, ông đi chuyến biển nào cũng lời. Nhờ đó, ông trả nợ ngân hàng đúng hạn, mua bảo hiểm đầy đủ. Ngoài ông Hiệp, một số chủ tàu cũng trả nợ đúng hạn, nhưng số này không nhiều.
Những khó khăn, vướng mắc
Theo lãnh đạo các ngân hàng, một số tàu hoạt động không hiệu quả dẫn đến khó trả nợ. Tuy nhiên, một số tàu khai thác hiệu quả nhưng cũng cố tình chây ì. Thực tế, ngân hàng đã phát hiện chủ tàu có thu nhập chỉ ưu tiên trả các khoản nợ khác mà không trả nợ vay đóng tàu 67. Có khách hàng yêu cầu ngân hàng điều chỉnh kỳ hạn trả nợ. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ do các nguyên nhân nêu trên không được hưởng cơ chế xử lý rủi ro.
Thêm vào đó, chính sách bảo hiểm của Chính phủ đã thay đổi. Mức hỗ trợ chỉ còn 50% bảo hiểm thân tàu (không bao gồm trang thiết bị trên tàu) giảm so với mức hỗ trợ 70% (bao gồm cả trang thiết bị trên tàu tùy công suất) theo quy định cũ. Do đó, nhiều chủ tàu không mua bảo hiểm nên ngân hàng gặp nguy cơ rủi ro vốn vay.
Về xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ, do tàu thế chấp thường xuyên hoạt động ngoài khơi nên ngân hàng khó kiểm tra, giám sát tài sản. Về chuyển đổi chủ tàu, theo quy định, chủ tàu mới phải chịu toàn bộ khoản nợ vay từ chủ tàu cũ, bao gồm cả nợ gốc quá hạn và lãi phát sinh mà chủ tàu cũ chưa trả cho ngân hàng. Thực tế, các chủ tàu mới chỉ đồng ý nhận theo giá trị thực tế tại thời điểm nhận tàu, không nhận nợ gốc quá hạn và lãi phát sinh mà chủ tàu cũ chưa trả cho ngân hàng.
Vận động chủ tàu trả nợ và mua bảo hiểm
Với thực tế trên, các ngân hàng chưa có giải pháp giải quyết hữu hiệu. Theo ông Nguyễn Xuân Huy - Giám đốc Agribank Khánh Hòa, ngân hàng đề nghị Ban Chỉ đạo 67 tỉnh tiếp tục tuyên truyền để người dân hợp tác trả nợ và mua bảo hiểm để tránh rủi ro cho cả ngân hàng và khách hàng.
Theo Agribank Khánh Hòa, đến ngày 30-11, dư nợ vốn vay tàu 67 tại chi nhánh là 194,7 tỷ đồng; trong đó, nợ quá hạn 41,5 tỷ đồng (21% tổng dư nợ 67) và nợ xấu 16,3 tỷ đồng (8,36%). Đến cuối năm 2018, nợ quá hạn chuyển sang nợ xấu là 19,2 tỷ đồng. Dự kiến sang năm 2019, con số này sẽ tăng thêm thêm 22,4 tỷ đồng. Điều này khiến tỷ lệ nợ xấu tăng lên 29,68% tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 67. |
Còn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức làm việc giữa các đơn vị liên quan, ngân hàng cho vay và ngư dân nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vận động ngư dân thực hiện nghĩa vụ trả nợ, đưa ra các giải pháp tạo điều kiện cho ngư dân trả nợ (chấp nhận thời gian trả chậm, cho vay vốn lưu động, xác định lộ trình trả nợ quá hạn cho từng khách hàng cụ thể…). Theo lãnh đạo BIDV Khánh Hòa, qua các cuộc họp và các biện pháp tạo điều kiện từ phía ngân hàng thì ngân hàng đã thu được 4,5 tỷ đồng từ 9 tàu tập trung vào 6 tháng cuối năm 2018. Về vấn đề bảo hiểm, ông Lê Đình Khiêm - Trưởng phòng Tàu cá cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, tỉnh kiến nghị Trung ương nên cho các tàu đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 tiếp tục được hưởng chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67. Bên cạnh đó, tiếp tục động viên, vận động chủ tàu trả nợ ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, đơn vị đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố có biển tuyên truyền, phổ biến các chính sách về vay vốn theo Nghị định 67 và hỗ trợ bảo hiểm tàu cá; đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh vận động ngư dân vay vốn theo Nghị định 67 mua đầy đủ bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ. Đối với các trường hợp chủ tàu cá đã phát sinh nợ xấu, chây ì trả nợ, các ngân hàng cần kiểm kê toàn bộ tài sản hình thành từ vốn vay, kiên quyết xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Sau khi đã xử lý tài sản nhưng vẫn không thu hồi đầy đủ nợ gốc, lãi quá hạn, ngân hàng sẽ khởi kiện theo quy định của pháp luật.
NAM DU