Trong vòng 1 tháng qua, cả nước xúc động khi chứng kiến nghĩa cử cao đẹp của 4 người bị chết não đã hiến tặng các nội tạng của mình để cứu sống 16 người. Hiện nay, ở Khánh Hòa cũng đã có hơn 100 người đăng ký hiến mô, hiến tạng, hiến xác sau khi qua đời. Với họ cho đi là nhận lại…
Trong vòng 1 tháng qua, cả nước xúc động khi chứng kiến nghĩa cử cao đẹp của 4 người bị chết não đã hiến tặng các nội tạng của mình để cứu sống 16 người. Hiện nay, ở Khánh Hòa cũng đã có hơn 100 người đăng ký hiến mô, hiến tạng, hiến xác sau khi qua đời. Với họ cho đi là nhận lại…
Từ cá nhân...
Chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Phượng Hoàng (trú thôn Xuân Lập, xã Cam Tân, huyện Cam Lâm) - một trong những người đầu tiên ở tỉnh đăng ký tham gia hiến xác, hiến tạng. Tâm sự với chúng tôi, anh Hoàng cho biết, cách đây 11 năm, vợ anh đột ngột qua đời mà không rõ nguyên nhân. Sau cú sốc đó, anh quyết định đăng ký tham gia hiến xác cho Trường Đại học Y dược và hiến mô cho Ngân hàng mô của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP. Hồ Chí Minh. Và anh không mảy may hối tiếc về quyết định này bởi sự sống sẽ được nối dài ngay khi anh về “thế giới bên kia”, cái chết của anh sẽ mang lại những điều ý nghĩa cho cuộc sống.
Tuy không bị phản đối nhiều nhưng mãi một năm sau, 2 người con trai của anh Hoàng mới đồng ý ký vào đơn hiến xác của ba. “Tôi chỉ mong muốn sau khi mình mất đi, cơ thể mình góp một phần nhỏ giúp các sinh viên, nhà khoa học tìm ra được các phương thức chữa bệnh khác nhau, để nhiều gia đình không phải mất người thân một cách đột ngột như gia đình tôi”, anh Hoàng nói.
Theo lời giới thiệu của các thành viên Câu lạc bộ Hiến máu nhân đạo TP. Nha Trang, chúng tôi tìm gặp Nguyễn Song Hoàng Khôi (TP. Nha Trang) - ủy viên của Câu lạc bộ, võ sư cổ truyền Tây Sơn, Bình Định khi anh đang chờ tham gia hiến máu tình nguyện. Đây là lần hiến máu thứ 30 của Khôi dù anh mới 23 tuổi. Khôi kể, những năm học đại học, anh thường xuyên đi phượt xuyên Việt một mình. Trong những chuyến đi đó, Khôi quen biết một cụ già ở Hà Giang và xem cụ như người thân của mình. Năm 2015, Khôi ghé thăm thì bà đã ra đi đột ngột vì bệnh máu khó đông. “Giấu những giọt nước mắt trong lòng, tôi lập tức quay xe về Hà Nội, tới thẳng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Trung ương đăng ký hiến tạng chỉ với mong muốn duy nhất sau khi mình mất đi, những bộ phận trên cơ thể mình sẽ giúp cứu sống được những người chẳng may mắc căn bệnh hiểm nghèo”, Khôi chia sẻ.
... đến cả gia đình
Có mặt tại gia đình Cáp Thị Kiều Trang (sinh năm 1994) - Hòa Thuận, phường Cam Nghĩa, Cam Ranh vào một ngày giữa tháng 6, chứng kiến niềm vui của các thành viên trong gia đình khi cầm trên tay tấm thẻ đăng ký hiến tạng, chúng tôi cũng thấy vui lây. Bởi đây là kế hoạch đã ấp ủ từ lâu của các thành viên trong gia đình Kiều Trang.
Trang cho biết, ý định hiến tạng xuất hiện trong em từ khi em học lớp 9, nhưng lúc đó sợ bố mẹ la nên em không dám nói với ai. Thời gian trôi qua, ý định ấy ngày một lớn dần. Bước vào đại học, Kiều Trang tích cực tham gia hiến máu tình nguyện, làm từ thiện tại các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật... Khi đang học năm thứ 3 đại học, chứng kiến người bạn bị mù vĩnh viễn do không tìm được người hiến giác mạc, cùng với đó là nỗi đau thể xác, sự tuyệt vọng của gia đình người bạn đã khiến Kiều Trang càng đau đáu hơn về ý định của mình. Sau khi ra trường, Kiều Trang đã mạnh dạn đề cập tâm nguyện hiến tạng với bố mẹ và không ngờ… bố mẹ đã đồng lòng cùng tham gia hiến tạng. Bà Bùi Thị Bình (sinh năm 1969) mẹ Kiều Trang chia sẻ: “Nhiều người vẫn còn quan niệm chết phải giữ toàn vẹn thân xác nhưng với gia đình tôi, tại sao phải lo giữ cái thân xác mà biết sẽ không mang theo được khi mất, tại sao không dùng nó để cứu sống những người còn sống. Cuộc sống này rất ngắn ngủi, sao không làm điều tốt nhất khi đang sống?”.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 100 người tham gia đăng ký hiến tạng, hiến mô, hiến xác sau khi mất. TP. Cam Ranh là một trong những địa phương có số người tham gia đăng ký nhiều nhất, chiếm gần một nửa. |
Chia tay gia đình Kiều Trang, chúng tôi gặp gỡ gia đình bà Phạm Thị Út và ông Đinh Sĩ Hiệp - Trưởng ban Dân vận TP. Cam Ranh. Quyết định hiến tạng của vợ chồng ông Hiệp đến khá tình cờ. Đó là cuối năm 2017, trong một lần xem Chương trình lễ tri ân người hiến xác của Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh trên truyền hình, xúc động trước nghĩa cử cao đẹp của những người hiến tạng, hiến xác, vợ chồng ông Hiệp đã đồng lòng đăng ký hiến tạng. Nói là làm, ngay ngày hôm sau, ông Hiệp tới Hội Chữ thập đỏ TP. Cam Ranh tìm hiểu thủ tục đăng ký hiến tạng. “Giây phút ngồi trước tờ đơn đăng ký, bất chợt trong tôi có dâng lên một chút bất an nhưng thật lạ nó qua rất nhanh. Cuối cùng, khi đặt bút điền thông tin vào tờ đăng ký, cảm giác thanh thản, yên bình lại ùa về”, ông Hiệp kể.
Ông Bùi Viết Hoa - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết, để tạo điều kiện cho những người có ý định tham gia chương trình này, hội đã thành lập đội tư vấn, phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các trường đại học y dược... để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu, nguyện vọng nắm bắt các thông tin cần thiết và thuận lợi khi đăng ký. Năm 2016, hội đã mời lãnh đạo Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia về tỉnh tập huấn những kiến thức cơ bản của hoạt động này cho cán bộ hội các cấp. “Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động này gặp nhiều khó khăn vì quan niệm “sống có nhà, chết có mồ” của người Việt Nam đã quá ăn sâu nên nhiều người e ngại chưa tham gia. Do không có kinh phí nên công tác truyền thông, tập huấn kiến thức, kỹ năng về hoạt động này cho hội viên chưa được cập nhật thường xuyên. Để phong trào này phát triển, các cấp lãnh đạo cần quan tâm, tích cực chỉ đạo các hoạt động. Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và các cơ quan chuyên môn liên quan cần tích cực hỗ trợ công tác đào tạo tập huấn truyền thông cho cơ sở hội…”, ông Hoa kiến nghị.
VÂN LY