Chỉ trong một ngày, hàng chục hộ nuôi tôm hùm ở đảo Bình Ba (xã Cam Bình, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) mất trắng hàng tỷ đồng vì tôm bỗng dưng lăn ra chết, chỉ còn lại nước mắt và nỗi lo trên các bè tôm…
Chỉ trong một ngày, hàng chục hộ nuôi tôm hùm ở đảo Bình Ba (xã Cam Bình, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) mất trắng hàng tỷ đồng vì tôm bỗng dưng lăn ra chết, chỉ còn lại nước mắt và nỗi lo trên các bè tôm…
Mất trắng tiền tỷ
Chúng tôi đến bè tôm của bà Lê Thị Cẩm Lệ khi bà đang ngồi thất thần nhìn bè tôm xơ xác. Hơn 10 năm nuôi tôm nhưng bà Lệ chưa từng chứng kiến cảnh tôm hùm chết nhanh với số lượng nhiều như thế. Gạt nước mắt, bà Lệ nhớ lại: “Ngày 5-5, tôi phát hiện ở bè có gần 10 con tôm bị chết do ngạt. Nghi có vấn đề nên tôi điện thoại cho thương lái xuất bán nhưng do tàu đã đủ trọng lượng nên thương lái hẹn hôm sau quay lại bắt. Khoảng 6 giờ 30 sáng 6-5, tôi cùng thương lái ra bè thì tá hỏa phát hiện 39 lồng tôm đồng loạt chết. Tôi như chết điếng, vội huy động người xuống vớt tôm lên nhưng không kịp”.
Đáng lẽ số tôm này được bà Lệ bán trước lễ 30-4 nhưng do bận công việc nên chưa bán được. Giá tôm này trên thị trường hiện nay gần 800.000 đồng/kg, nhưng do tôm chết nên thương lái chỉ mua với giá từ 40.000 đồng đến 100.000 đồng/kg tùy chất lượng. Thống kê sơ bộ, bà Lệ thiệt hại khoảng 11.000 con tôm hùm xanh cùng 500 con tôm hùm bông trị giá hơn 2 tỷ đồng. Sau khi bán hết tôm chết cho thương lái, bà Lệ thuê 2 ghe kéo 6 lồng tôm đang có dấu hiệu thiếu oxy ra xa đảo nên may mắn sức khỏe tôm đã phục hồi. “Hiện nay, gia đình tôi đang nợ ngân hàng chồng chất. Đến tháng 8 năm nay là đáo hạn ngân hàng, dự định bán lứa tôm này trả nợ ngân hàng và đầu tư giống cho lứa mới, ai ngờ…”, bà Lệ nói.
Cùng chung cảnh ngộ như bà Lệ, bà Nguyễn Thị Lợi cho biết, khoảng 6 giờ sáng 6-5, bà ra bè thì phát hiện hơn 20 con cá gáy loại lớn nổi trắng lồng. Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì đến lượt tôm hùm xanh loại 3 - 4 lạng ngoi lên rồi chìm xuống. Thế là 1.000 con tôm hùm xanh chuẩn bị thu hoạch chết, 500 con tôm hùm bông mới thả được 20 ngày cũng đi theo. “Tôm chết rất nhanh, chỉ trong buổi sáng là chết sạch. Tôi nhanh ý thuê thợ kéo lồng ra xa vì ngoài kia nước sạch hơn nên cứu được khoảng 3.200 con tôm hùm xanh. Bán vội số tôm chết được gần 20 triệu đồng, không bõ bèn gì so với tiền mua thức ăn cho tôm gần một năm nay”, bà Lợi ngậm ngùi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Thông - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết, qua thống kê sơ bộ, toàn đảo Bình Ba có 34 hộ nuôi với khoảng 3.400 con tôm hùm bông và 54.400 con tôm hùm xanh bị chết, tổng thiệt hại ước tính gần 9 tỷ đồng. Đối với tôm hùm bông chủ yếu là loại mới thả, số ít có trọng lượng 4 - 5 lạng/con. Đối với tôm hùm xanh, chủ yếu chuẩn bị xuất bán với trọng lượng 3 - 4 lạng/con. UBND xã đã gửi báo cáo cho UBND TP. Cam Ranh xem xét để có hướng hỗ trợ một phần thiệt hại cho người dân.
Môi trường bị ô nhiễm?
Khi được hỏi liệu có phải khu vực nuôi gần bờ ở đảo Bình Ba đã quá ô nhiễm dẫn đến tôm hùm chết hàng loạt? Những người nuôi tôm đều trả lời có thấy nước đục, rác nhiều, nhưng “mọi năm cũng nuôi như vậy đâu có sao”. Bà Lệ cho rằng, có thể do một luồng nước nào đó độc hại làm tôm chết, bởi cùng vị trí nhưng bè tôm của nhà bên cạnh lại không sao. Còn bà Lợi thì thừa nhận, vùng nước gần bờ đảo Bình Ba năm nay rất ô nhiễm, có màu đen đục và bốc mùi thối. Trước khi tôm hùm chết đồng loạt, bà Lợi đã phát hiện nước không an toàn, nhưng chủ quan không nghĩ sẽ gây thiệt hại lớn như thế. Những người nuôi tôm ở đây cũng cho rằng, Bình Ba mấy năm nay phát triển du lịch mạnh, du khách đến đông, khách sạn, nhà nghỉ mọc lên nhiều, nhà hàng nổi sát bờ cũng đông đúc nên dẫn đến ô nhiễm.
Ông Nguyễn Ân - Chủ tịch UBND xã Cam Bình: Tôm hùm là nguồn thu nhập chính của người dân đảo Bình Ba. Năm 2017, toàn xã Cam Bình xuất bán 225 tấn tôm hùm thịt, trong đó chủ yếu từ Bình Ba. Năm nay tôm hùm chết sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống và thu nhập của người dân. |
Theo ông Thông, nguồn nước ở khu vực này gần đây xuất hiện nhiều tảo, rong có màu xanh, sau đó nắng nhiều ngày thì tảo và rong chết, bốc mùi rất khó chịu. Đặc biệt có vùng còn xuất hiện màu trắng đục, gần như màu sữa. Điều kỳ lạ là mọi năm khu vực này có rất nhiều cá giò, bơi thành từng đàn hàng nghìn con. Những đàn cá giò này có tác dụng dọn dẹp sạch rong, tảo, góp phần làm môi trường sạch sẽ. Tuy nhiên, năm nay không thấy hiện tượng này, đây có lẽ là nguyên nhân khiến rong, tảo xuất hiện nhiều.
Sau khi xảy ra tình trạng tôm chết hàng loạt ở vùng nuôi Bình Ba, từ ngày 7-5 đến nay, nhiều hộ nuôi đã vội bán đi những lồng tôm chưa đạt trọng lượng, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Ông Lâm Anh Tuấn (thôn Bình Ba Tây) cho biết, ngày 8-5 ông đã xuất bán 1.000 con tôm hùm xanh đang đạt trọng lượng 2 - 3 lạng/con, giá bán chỉ 700.000 đồng/kg, rẻ hơn so với bình thường. Với tình trạng này, thời gian tới Bình Ba sẽ khan hiếm tôm hùm thịt. |
Được biết, ngày 26-3, Chi cục Nuôi trồng thủy sản đã ra Bình Ba lấy mẫu nước xét nghiệm. Kết quả cho thấy nguồn nước đã bị nhiễm vi khuẩn, có thể gây ra bệnh sữa trên tôm hùm. Ngay sau khi có kết quả, UBND xã Cam Bình đã ra thông báo yêu cầu các hộ nuôi tôm hùm gần bờ kéo lồng, bè ra xa để đảm bảo không xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, thông báo này không được người dân quan tâm. Cũng theo UBND xã Cam Bình, hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành quy định tạm thời vùng nuôi trồng thủy sản trên vịnh Cam Ranh. Theo đó, khu vực giáp bờ đã không còn nằm trong quy hoạch được nuôi tôm hùm. Sau khi tôm hùm chết hàng loạt, người dân đã kéo hết lồng, bè ra xa, nằm đúng khu vực quy hoạch. Xã sẽ tiến hành vận động người dân không kéo bè về gần bờ, đảm bảo đúng quy hoạch vùng nuôi, phục vụ phát triển lâu dài của ngành nghề.
Ông Lê Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết, phòng đã cử cán bộ ra đảo Bình Ba lấy mẫu nước và tôm chết đem đi xét nghiệm. Nguyên nhân ban đầu được xác định số tôm chết đều bị ngạt oxy do nguồn nước đã bị ô nhiễm. Hiện nay, tình trạng nuôi quá dày ở khu vực gần bờ khiến tôm hùm Bình Ba không đạt năng suất cao như thời gian trước. Phòng sẽ có hướng dẫn để xã Cam Bình tuyên truyền cho người dân nuôi đúng cách, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu ô nhiễm.
VĂN KỲ