Mỗi ngày, có hàng trăm lượt xe tải chở đất từ chân núi Hòn Rồng (xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) chạy ra đường Nguyễn Công Trứ về khu vực bắc bán đảo Cam Ranh cung ứng vật liệu san nền cho các dự án, gây ô nhiễm và tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Mỗi ngày, có hàng trăm lượt xe tải chở đất từ chân núi Hòn Rồng (xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) chạy ra đường Nguyễn Công Trứ về khu vực bắc bán đảo Cam Ranh cung ứng vật liệu san nền cho các dự án, gây ô nhiễm và tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Ô nhiễm và nguy hiểm
Có mặt tại đường Nguyễn Công Trứ (nối từ xã Cam An Nam với Quốc lộ 1, thuộc địa bàn phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh), chúng tôi chứng kiến từng đoàn xe tải nối đuôi nhau chở đất hướng từ huyện Cam Lâm ra khu vực bắc bán đảo Cam Ranh. Mỗi lần xe tải chạy qua, những người đi xe máy, xe đạp dạt sang hai bên đường. Nguy hiểm nhất là thời điểm học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự tan trường. Một cán bộ ở Cam Ranh cho biết, tuy lực lượng công an và thanh tra giao thông liên tục làm việc, nhưng không hiểu sao các “hung thần” vẫn thi nhau chạy trên tuyến đường này.
Ngồi ở một quán nước ven đường vào buổi trưa, chúng tôi nhẩm đếm chưa đầy 1 phút lại có một chiếc xe tải chạy qua. Xe chở đất đi, xe chạy lên núi lấy đất cứ rầm rầm cả ngày lẫn đêm. “Mấy hôm nay, thấy thanh tra giao thông chạy qua chạy lại nên tình hình đỡ hơn, chứ cách đây khoảng 2 tuần chú mà vào thì chịu không nổi”, chủ quán nước cho biết. Theo người này, đường Nguyễn Công Trứ có nền thấp hơn nhà hai bên, nên mỗi khi mưa là bùn và đất dồn ra đường; khi nắng lên xe tải chạy cuốn đất bụi mù mịt khiến người dân rất bức xúc.
Mới đây, không chịu nổi ô nhiễm nên người dân thôn Vĩnh Đông, xã Cam An Nam đã kéo nhau ra chặn xe tải ngay trên đường Nguyễn Công Trứ. Vụ việc căng thẳng kéo dài nhiều giờ, làm ứ đọng hàng chục xe chở đất nối thành đoàn dài. Ông Trương Hữu Tín (nhà ở mặt tiền đường Nguyễn Công Trứ, thuộc thôn Vĩnh Đông) bức xúc: “Tình trạng xe chở đất gây ô nhiễm, mất an toàn giao thông đã có từ vài năm nay. Nhà chúng tôi chưa khi nào hết bụi, dù lau chùi cả chục lần mỗi ngày. Buổi trưa nằm ngủ, lúc dậy người bám đầy bụi như đi cày về”. Sau khi người dân chặn xe, chủ doanh nghiệp khai thác đất ở chân núi Hòn Rồng đã phun nước tưới mặt đường thường xuyên, giảm tốc độ và phủ bạt kín thùng xe. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn không giảm được bao nhiêu.
Ông Trần Đức Thánh - Chủ tịch UBND xã Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh) cho biết: “Mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ánh vấn đề này, nhưng do địa điểm khai thác đất nằm ở địa phận huyện Cam Lâm nên xã không thể xử lý. Người dân hai bên đường đã nhiều lần chặn xe vì ô nhiễm bụi, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Tôi lo nhất là sự an toàn của học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự, bởi mỗi khi tan trường học sinh ra rất đông, trong khi xe tải vẫn vô tư chạy. Ngày nào có Đội Thanh tra số 2 (Thanh tra Sở Giao thông vận tải) túc trực trên tuyến đường này thì xe tải giảm hẳn, còn không là xe lại chạy vô tư”.
Có được cấp phép?
Trong công văn mới đây, ông Nguyễn Trí Tuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm yêu cầu UBND xã Cam An Nam và các cá nhân liên quan cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã lấy đất. Thời gian chậm nhất là ngày 20-4 phải hoàn thành. Chủ tịch UBND xã Cam An Nam phải thực hiện kiểm tra và báo cáo tiến độ phục hồi môi trường của các hộ và báo cáo về UBND huyện và Phòng Tài nguyên - Môi trường, chậm nhất là ngày 25-4 để theo dõi, kiểm tra.
|
Chúng tôi đến UBND xã Cam An Nam để hỏi rõ về tính pháp lý của dự án khai thác đất thì được ông Bùi Ngọc Yến - cán bộ địa chính, xây dựng xã cho biết: Năm 2014, để phục vụ cho dự án mở rộng Quốc lộ 1, UBND huyện Cam Lâm đã cấp phép cho 4 cá nhân được khai thác đất ở khu vực chân núi Hòn Rồng, gồm: ông Lê Quang Ba, ông Nguyễn Đăng Hùng, ông Đặng Ngọc Huy và bà Nguyễn Thị Nguyệt. Các dự án này đã chấm dứt từ năm 2016. Hiện nay, UBND huyện Cam Lâm đang yêu cầu các cá nhân này cải tạo, san ủi trả lại mặt bằng cho khu vực chân núi Hòn Rồng. Khi tiếp xúc với phóng viên, ông Yến khẳng định khu vực này không có doanh nghiệp nào được cấp phép khai thác đất, có thể họ khai thác đất ở xã Cam Thành Nam. Chúng tôi đưa video và hình ảnh của các xe chở đất tại vị trí khai thác ra thì ông Yến vội vàng ghi lại biển số xe rồi hứa sẽ kiểm tra lại. Tuy nhiên, ngày 15-3, khi chúng tôi điện thoại lại thì ông Yến cho biết ở địa bàn xã có một doanh nghiệp được cấp phép khai thác đất ở chân núi Hòn Rồng, nhưng vị trí cấp phép nằm sâu trong xã chứ không phải ở vị trí như phóng viên miêu tả. “Xe chở đất tại vị trí cho phép thường đi đường bên hông Trường Tiểu học Cam An Nam để ra đường Nguyễn Công Trứ. Tuy nhiên, xe chạy qua đây gây bụi bặm khiến giáo viên và học sinh phản ứng nên họ mới đi vòng ra khu đó”, ông Yến nói. Khi phóng viên khẳng định, vị trí khai thác phía sau lưng nhà máy sản xuất phân bón, không thể là vị trí được cấp phép thì ông Yến cho biết sẽ đi kiểm tra lại để nắm tình hình.
Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Quang Cảnh - Chủ tịch UBND xã Cam An Nam cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã có dự án khai thác đất ở chân núi Hòn Rồng được cấp cho Công ty TNHH Đại An. Vị trí cấp phép nằm sau lưng Trường Tiểu học Cam An Nam, rộng hơn 3,8ha, mục đích lấy đất phục vụ san lấp các dự án ở bắc bán đảo Cam Ranh và Vùng 4 Hải quân. Dự án được phép khai thác sâu 1m cát và 1,5m đất, tổng độ sâu là 2,5m. Thời hạn khai thác từ tháng 12-2016 đến tháng 12-2018. Theo ông Cảnh, việc khai thác, vận chuyển đất không tránh khỏi ô nhiễm môi trường, nên người dân trong xã thường xuyên có ý kiến phản ánh, thậm chí chặn xe phản ứng. Khi phóng viên phản ánh tình trạng khai thác đất tại vị trí đã hết phép khai thác thì ông Cảnh hứa sẽ kiểm tra lại.
Ông Nguyễn Hữu Lộc - Đội trưởng Đội Thanh tra số 2 (Thanh tra Sở Giao thông vận tải) cho biết: Sau vụ người dân thôn Vĩnh Đông chặn xe tải, đội đã đến lập biên bản và yêu cầu Công ty TNHH Đại An tiến hành tưới nước thường xuyên; đồng thời Hạt Quản lý cầu đường Cam Ranh sẽ thường xuyên dọn dẹp đất rơi vãi (Công ty TNHH Đại An hỗ trợ kinh phí hàng tháng). Việc khai thác đất trong chân núi Hòn Rồng do 3 đơn vị thực hiện, nhưng Công ty TNHH Đại An đứng ra đại diện chịu trách nhiệm. Mới đây, Công ty Sửa chữa quản lý đường bộ (Sở Giao thông vận tải) đã đi khảo sát dọc đường Nguyễn Công Trứ và kết luận đường này bị ô nhiễm bụi nghiêm trọng; đường đất nối vào đường Nguyễn Công Trứ còn bị sạt lở taluy hai bên. Đội Thanh tra số 2 thường xuyên đi kiểm tra, nhưng cứ ra quân là xe chạy giảm hẳn, còn nghỉ thì xe chạy nhiều lại. Đội cũng thiếu người, lại phải hỗ trợ cho các trạm cân nên lực lượng rất mỏng.
VĂN KỲ