09:12, 12/12/2017

Quá tải đóng, sửa tàu

Sau cơn bão số 12, lượng tàu thuyền của tỉnh bị hư hại phải sửa chữa nhiều khiến cho các xưởng đóng tàu truyền thống luôn trong tình trạng quá tải. Đã vậy, cuối năm cũng là hạn chót để các tốp thợ phải bàn giao những con tàu đóng mới khiến các xưởng đóng tàu ở TP. Nha Trang luôn tấp nập, hối hả.

Sau cơn bão số 12, lượng tàu thuyền của tỉnh bị hư hại phải sửa chữa nhiều khiến cho các xưởng đóng tàu truyền thống luôn trong tình trạng quá tải. Đã vậy, cuối năm cũng là hạn chót để các tốp thợ phải bàn giao những con tàu đóng mới khiến các xưởng đóng tàu ở TP. Nha Trang luôn tấp nập, hối hả.


Dồn dập đơn hàng sửa tàu


Nằm sau cảng cá Hòn Rớ, xưởng đóng tàu của Hợp tác xã (HTX) Cơ khí tàu thuyền Ngân Hà (xã Phước Đồng) lúc nào cũng xình xịch tiếng máy nổ. Những ngày này, bãi chứa rộng mấy ngàn mét vuông của HTX trở nên chật chội với đội tàu xếp hàng để sửa chữa. Xen giữa các con tàu, từng khoảng không nhỏ nhất cũng được các tốp thợ tận dụng để làm nơi xẻ gỗ, uốn ván gỗ…

 

Thợ đóng tàu đang vạt gỗ ở xưởng tàu

Thợ đóng tàu đang vạt gỗ ở xưởng tàu


Khi chúng tôi đến, nhóm anh Trần Văn Trung (thôn Văn Đăng 2, xã Vĩnh Lương) đang hì hục ghép miếng ván bao vào thân tàu sửa chữa. Anh Trung cho biết, sau bão, tàu bị vỡ bố viền, bố chụp, bố bao (các bộ phận ván bao quanh tạo nên thân tàu) nhiều vô kể. Chủ tàu gọi nhiều lắm nhưng làm không xuể nên đành phải từ chối, chỉ nhận sửa những mối quen… Việc nhiều nên trong khi đang sửa con tàu này anh phải đốt lửa uốn ván để chuẩn bị sửa con tàu khác đang đợi sẵn ở phía trước. “Hơn 1 tháng nay, gần như tốp thợ của tôi không có ngày nghỉ. Chủ tàu hối thúc nên mình dù mệt cũng phải ráng làm. Ngoài chuyện tiền bạc, còn là cái tình giúp nhau khi hoạn nạn…”, anh Trung bày tỏ.


Cuối năm, các chủ tàu cũng đưa tàu lên bờ để “làm nước” chuẩn bị cho vụ biển mới, cùng với việc năm nay tàu bị hư hại nhiều do bão nên lượng tàu cần sửa chữa càng bị ùn ứ. Có tàu đợi cả tháng mới đến lượt. Ở bãi đóng tàu của HTX Cơ khí tàu thuyền Ngân Hà, ngoài lực lượng thợ của HTX, còn có khoảng 6 tốp thợ làm liên tục nhưng vẫn không kịp. Chúng tôi gặp nhiều ngư dân đến thuê bãi để kéo tàu lên nhưng không còn chỗ trống. “Bây giờ kiếm thợ khó lắm nên thời gian sửa cũng lâu. Biết ngư dân rất sốt ruột nhưng khi nào phải chắc chắn có chỗ trống chúng tôi mới dám hứa”, anh Phan Bá Tiến - phụ trách HTX cho biết.

 

Thợ cắt gỗ trên tàu đóng mới

Thợ cắt gỗ trên tàu đóng mới


Đang trông coi thợ sửa tàu, ngư dân Nguyễn Thanh Hải (chủ tàu KH 9433TS, phường Xương Huân) chốc chốc lại chạy ra nhắc nhở tốp thợ làm kỹ. “Ngay khi bão tan, tôi đã cho kéo tàu lên đà đợi sẵn nhưng ngặt nỗi tìm không được tốp thợ nào. Có lẽ do tàu tôi chỉ hư hỏng vài điểm do va đập, kinh phí sửa ít nên các tốp thợ “chê”. Tuần trước, tôi phải nhờ mấy anh em quen mới gom được 4 thợ ở Ninh Hòa vô làm, hy vọng xong sớm để còn kịp đi chuyến biển cuối năm. Mùa này biển thường hay trúng vụ, không làm được thì uổng lắm”, ông Hải nói.


Cuối năm xưởng rộn ràng


Khác với những xưởng đóng tàu khác, ở HTX Đóng tàu Song Thủy (phường Vĩnh Phước) chủ yếu là tàu đóng mới. Hiện tại, xưởng có khoảng 20 con tàu đang được đóng, phần lớn đã vào công đoạn hoàn thiện, tàu nào cũng đã hoàn thành việc ghép xương. Mỗi tốp thợ một công việc, người xẻ gỗ, kéo triền đà, nhóm thì uốn be, khoan chốt... làm nên bức tranh lao động rất náo nhiệt.

 

Bãi đóng tàu của Hợp tác xã Đóng tàu Song Thủy chật kín các con tàu đang được đóng mới

Bãi đóng tàu của Hợp tác xã Đóng tàu Song Thủy chật kín các con tàu đang được đóng mới


Anh Võ Tấn Tài - chủ cơ sở đóng tàu Tấn Tài (phường Vĩnh Hòa) cho biết, sau thời gian sa sút, những năm gần đây nghề đóng tàu đang có chiều hướng được vực dậy bởi ngư dân đánh bắt khơi xa làm ăn đạt hiệu quả cao nên đầu tư đóng mới nhiều. Ngoài ra, nhờ có chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên nghề đóng tàu gỗ được tiếp sức thêm. Ngoài đội thợ gần 30 người của HTX Đóng tàu Song Thủy, tại công trường đóng tàu Song Thủy còn có hơn chục tốp thợ bên ngoài vào thuê bãi để đóng mới và sửa chữa. Năm nay, do tổn thất bởi cơn bão số 12, vì vậy lượng tàu cá đóng mới và sửa chữa càng nhiều hơn. Cũng may nghề đóng tàu bây giờ đã có nhiều thiết bị hiện đại hỗ trợ, chứ làm thủ công hoàn toàn như trước thì rất vất vả. Trong tháng này, đơn hàng sửa chữa tăng đột biến. Anh Tài có 17 thợ nhưng làm không hết việc. Hiện nay, anh mới sửa xong 5 tàu, 4 tàu còn lại hy vọng kịp hoàn thành vào cuối năm.


Có lẽ đã lâu lắm rồi, những thợ đóng tàu ở Nha Trang lại làm không hết việc. Chủ tàu suốt ngày hối thúc, còn các thầu chính thì đôn đáo đi Phú Yên, Ninh Thuận tìm thêm thợ. Vậy nhưng, kiếm thợ bây giờ cũng không dễ. Lớp thợ già ngày càng nhiều, còn lớp kế cận bây giờ chẳng mấy người theo nghề vì sợ vất vả.

 

 Vận chuyển gỗ để làm vỏ tàu

Vận chuyển gỗ để làm vỏ tàu

 

Ông Nguyễn Hoàng Thảo - Giám đốc HTX Đóng tàu Song Thủy: Hiện nay, vẫn chưa có loại tàu nào có thể thay thế được tàu gỗ truyền thống, kể cả tàu sắt và composite. Tàu gỗ có những ưu việt mà các loại tàu kia không có được, đó là hư hỏng đâu sửa đó. Bộ phận nào không đảm bảo thì tháo ra thay mới một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, nó cũng cho phép ngư dân thay đổi các loại hình khai thác một cách linh hoạt, không cứng nhắc như tàu vỏ thép. Với tình hình như hiện nay, nếu Nhà nước có chính sách, người dân sẽ mạnh dạn đầu tư và sang năm sau, đơn hàng đóng mới khả năng sẽ còn tăng.

Gặp chúng tôi khi đang đóng mới 2 con tàu có công suất 400CV cho ngư dân tỉnh Bình Thuận ở cuối xưởng Song Thủy, chủ thầu Nguyễn Châu Hóa (thôn Văn Đăng 3, xã Vĩnh Lương) cho biết, những năm gần đây, nghề đóng tàu gỗ đã phát triển trở lại. Sắp tới đây, khi ngư dân được thanh toán tiền bảo hiểm, được Nhà nước hỗ trợ chắc chắn sẽ có nhiều đơn đặt hàng đóng mới. “Ngay sau bão, một số chủ tàu đã liên hệ để nhờ đóng tàu mới. Tuy nhiên, do cuối năm nên đợi ra Tết mới khởi công”, bà Trần Thị Thu Trang (vợ ông Hóa) nói.


Trong câu chuyện về nghề đóng tàu cá, những người làm nghề đóng tàu vui vì đơn hàng nhiều, có thêm việc làm, nhưng trong họ cũng đầy nỗi niềm khi nhìn thấy những ngư dân - bạn hàng đang phải chạy vạy khắp nơi để kiếm tiền sửa tàu, đóng tàu ra khơi. “Nghề biển đã ăn vào máu. Có tiền thì đóng tàu lớn, không tiền thì đóng tàu nhỏ, họ không bỏ được đâu. Mình không giúp gì được, chỉ biết sửa, đóng tàu thật kỹ để ngư dân có thể ra khơi an toàn. Mỗi con tàu phải là ngôi nhà của ngư dân”, ông Hóa tâm sự. Qua câu nói ấy, chúng tôi cảm nhận được niềm tự hào của những người thợ đã đóng những con tàu, giúp ngư dân vững lòng bám biển. Cùng với ngư dân, mỗi người thợ đóng tàu ở các làng biển đã và đang góp phần bảo vệ ngư trường, biển đảo, gìn giữ nghề của cha ông.   


 XUÂN THÀNH - ĐÌNH LÂM