12:11, 29/11/2017

Vụ hoa xuân kém sắc

Tuy những người trồng hoa đã nỗ lực chăm cây sau bão, nhưng do cúc, mai đều là loại cây rất nhạy cảm với thời tiết, thiên tai nên nhiều người đang lo ngại mùa hoa Tết  năm nay có thể kém sắc.

Tuy những người trồng hoa đã nỗ lực chăm cây sau bão, nhưng do cúc, mai đều là loại cây rất nhạy cảm với thời tiết, thiên tai nên nhiều người đang lo ngại mùa hoa Tết  năm nay có thể kém sắc.


Gắng cho cúc nở đúng Tết


Gần 1 tháng sau cơn bão số 12, khi những trận mưa dai dẳng do ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường ở miền Bắc vừa ngớt, nắng mới lên, tại các khu vườn ở phường Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa), đã thấy người dân tất bật lo xử lý tiếp những chậu cúc bị hư hại.

 

Chăm sóc hoa cúc ở Ninh Giang

Chăm sóc hoa cúc ở Ninh Giang


Vừa thoăn thoắt nhặt những lá cúc bị héo, bà Trần Thị Tuyết Lan (tổ dân phố Phong Phú 2) kể, trận lụt lớn trước bão đã làm vài chục chậu trong số 400 chậu cúc loại nhỏ của gia đình bà bị ngập, úng cây, hư lá, gốc. Vợ chồng bà phải bỏ ra 3 triệu đồng mua thêm chậu về úp ngược, kê chân chậu cúc để phòng đợt lụt tiếp. Nhưng bão đến lại làm gãy cành, đổ vỡ gần 100 chậu. Sau bão, cả vùng không có điện hàng chục ngày, đúng giai đoạn cúc tăng trưởng mạnh, cần chong đèn thâu đêm để ngăn cây “ngủ”. Do không có tiền mua máy phát điện, ông bà đành rầu rĩ nhìn gần nửa số chậu cúc sớm đóng nụ. “Bão vừa tan, hai vợ chồng lo kê lại chậu, nhổ bỏ cây gãy, dựng lại cây đổ, cột dây, chêm thêm cây vào chậu. Xong xuôi, lại quay ra tỉa bỏ lá chân bị héo, xịt thuốc giữ cho những cây vừa ôm nụ. Khó nhất bây giờ là xử lý những cây cúc đã già, ôm nụ to, bởi nếu ngắt nụ đi, cây vẫn tiếp tục ra nụ và bung hoa trước Tết. Chúng tôi đang hỏi những người có kinh nghiệm rồi tính tiếp”, bà Lan cho biết.


Cũng do ít tiền, không thể thuê người, hộ ông Phan Như Ý ở gần đó đang tự tay vực dậy hàng trăm chậu cúc bị ngã rạp vì bão trong tổng số 500 chậu cúc trồng. Trong những ngày không có điện, ông phải bỏ tiền thuê máy nổ để chong đèn hãm cúc. Hiện giờ, ông chỉ biết vừa nỗ lực chăm cúc vừa hy vọng sắp tới thời tiết thuận lợi để cây phát triển tốt, bán được giá cao bù chi phí.

 

Bà Trần Thị Tuyết Lan đang tỉa bỏ những lá cúc bị héo trên ruộng cúc gia đình

Bà Trần Thị Tuyết Lan đang tỉa bỏ những lá cúc bị héo trên ruộng cúc gia đình


Ở tổ dân phố Phú Thạnh, ông Phạm Dên cũng phải thêm chi phí khôi phục cúc sau bão. Mặc dù thoát được trận lụt do ông chủ động kê chậu lên cao từ khi cho cúc vào chậu, nhưng ông vẫn bị đổ mất 50% chậu cúc do bão. Bão tan, ông lập tức thuê 2 nhân công cấp tập kê lại số chậu cúc bị đổ, xử lý tạm thời những cây bị hư hại. Trong thời gian không có điện, ông bỏ ra 2 triệu đồng mua thuốc hãm đóng nụ cúc sớm. “Do thêm nhiều chi phí đột xuất, giá cây cắm và một số loại phân, thuốc cũng tăng so với năm trước nên giá thành một chậu cúc nhỏ ước tăng gần 30.000 đồng. Tuy nhiên, giá bán cúc có tăng tương ứng không thì phải chờ ngày ra chợ mới biết. Hiện giờ, tôi chỉ biết cố giữ cho cúc nở đúng Tết”, ông Dên nói.


Theo ông Lê Bá Thuận - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, phường Ninh Giang có hơn 12.000 cây hoa các loại bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão, lũ. Thị xã đang tập trung rà soát số hoa màu bị thiệt hại, trong đó có cây cúc ở phường Ninh Giang để báo cáo tỉnh chỉ đạo khắc phục, hỗ trợ. Trước mắt, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo chính quyền, hội nông dân các xã, phường hướng dẫn người dân bón phân, phun thuốc… để khắc phục, sớm ổn định sản xuất.  

 

Không có tiền thuê nhân công, ông Phan Như Ý phải tự chăm sóc các chậu cúc bị rối cành, ngã rạp sau cơn bão

Không có tiền thuê nhân công, ông Phan Như Ý phải tự chăm sóc các chậu cúc bị rối cành, ngã rạp sau cơn bão


Ông Trần Trọng Hiếu - Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang cho biết, người dân Ninh Giang chuyên trồng hoa cúc đã gần 30 năm. Hoa cúc Tết của Ninh Giang không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh mà còn được xuất khẩu sang Campuchia, Lào… Năm nay, bà con Ninh Giang trồng khoảng 150.000 chậu cúc, chủ yếu là giống pha lê, đại đóa, ngoài ra còn trồng các loại hoa khác. Đợt lụt đã làm toàn bộ diện tích cây màu của phường bị ngập, tiếp đó lại đến bão. Tuy nhiên, thời gian này, cây cúc mới khoảng 45 ngày tuổi, hầu hết chưa cắm cây chống nên thiệt hại không lớn, khoảng 30 - 40%, chủ yếu là ngã cây, rối cành, bứt rễ, bể chậu…, sinh ra héo rũ, vàng lá, nhiều cây bị chết. Khó khăn khác là sau bão, toàn thị xã bị mất điện, ảnh hưởng không nhỏ đến việc chong đèn kích thích cây tăng chiều cao, tránh đóng nụ sớm. Để khắc phục, có hộ phải chi 7 - 8 triệu đồng mua 1 máy phát điện hoặc 2 - 3 hộ góp tiền mua chung. Hộ ít tiền hơn thì thuê máy phát điện với giá 150.000 - 160.000 đồng/ngày về chong đèn cho cúc. Hiện nay, bà con trồng cúc đang tập trung tìm mua các loại nông dược, thuốc có nguồn gốc sinh học để phun, tưới kích thích cây ra rễ, lá và phòng khi nắng lên, cúc không bị vàng, héo lá. Nếu thời tiết thuận, với những cố gắng trên, bà con vẫn có thể giữ cho cúc nở đúng Tết, giá trị thương phẩm của cây cúc có thể tăng 10 - 15% so với năm trước.


Ít mai ghép đẹp


So với người trồng cúc, hiện nay, người trồng mai  ở thôn Võ Dõng (xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang), thôn Trung Nam (xã Diên Toàn) và thôn An Ninh (xã Diên An) huyện Diên Khánh vẫn khó dự đoán vụ Tết này.

 

Khác mọi năm, những ngày này, vườn mai của ông Phạm Văn Tạo ở thôn Võ Dõng không rôm rả những lời bàn về dáng cây, giá bán… của cánh trồng mai lâu năm. Cơn bão đã làm hàng loạt cây mai bị ngã rạp, khiến nhà vườn phải tập trung lo khắc phục. Một số nhà vườn có tường bao kiên cố, che chắn được gió bão nhưng lại bị tôn bay, cây đổ đè gãy mai. Tuy nhiên, theo ông Tạo, người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trồng mai cho biết, những chậu mai tàng (bứng nguyên cây con đem trồng) bị đổ, vỡ có thể sang chậu khác, khôi phục được, nhưng những chậu mai ghép rất khó hồi phục kịp trong vụ Tết này; trong khi giá trị của cây mai ghép cao hơn hẳn mai tàng (10 - 15 triệu đồng so với 1 - 2 triệu đồng). “Mai ghép rất nhạy cảm, chỉ cần chậu đột ngột bị nghiêng cũng khó chăm. Các mắt ghép chính là điểm yếu của cây, vì gió bão rất dễ bẻ gãy cành ở vị trí này; rễ cây cũng dễ bị đứt. Những cây mai ghép bị bão bây giờ còn tệ hơn lúc tôi mới mua, chưa ghép. Muốn hồi phục một cây mai ghép phải mất vài năm”, ông Tạo giải thích.

 

Ông Phạm Văn Tạo đang cố chăm sóc cho những chậu mai ghép  bị thiệt hại nặng do bão

Ông Phạm Văn Tạo đang cố chăm sóc cho những chậu mai ghép bị thiệt hại nặng do bão

 

Không riêng nhà ông Tạo, nhiều nhà vườn khác cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Đình Dưỡng (xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang) cho biết, gió bão vặn gãy cây dừa đổ, đè gãy một số cây mai của gia đình. Cũng có tường xây kiên cố nhưng nhà ông Nguyễn Ngọc Ánh (thôn An Ninh, xã Diên An) vẫn bị tường nhà hàng xóm đổ xuống, đè nát 30 trong số 100 chậu mai ghép, không khắc phục được.


Sau bão, khi mưa vẫn còn, nước chưa ngấm hết, hai vợ chồng ông Tạo đã lội ngoài vườn, dựng lại từng chậu mai bị đổ. Gia đình ông có chừng 60 - 70 cây mai ghép trong tổng số 170 cây mai. Toàn bộ số mai ghép đều bị gió bão làm gãy trụi cành. Hiện nay, ông dựng tạm lại cây, cắt cành, cho đất mới vào chậu với lượng ít hơn bình thường rồi che kín gốc để tránh úng gốc, chờ hết mùa mưa, trời ấm hơn mới thêm đất, xử lý gốc kỹ  càng để đến tháng 2 - 3 (âm lịch), cây mới đủ sức nứt cành mới. Ông Ánh thì đành bỏ số mai ghép bị đè nát, tập trung chăm số mai còn lại cho thật khỏe.


Tuy nhiên, theo một số người trồng mai có kinh nghiệm, ngay cả với những cây không bị hư hại, cũng quá sớm để khẳng định có thể nở bông đúng Tết. Thường nếu sang tháng 11, trời dứt mưa, ấm lên, mới hy vọng thuận cho cây mai. Chắc chắn hơn, phải đợi sau khi lặt lá mai, qua 23 tháng Chạp. Bởi tuy có nhiều cây mai tàng đang có nụ kết, nhưng trung bình 100 cây kết nụ cũng chỉ có chừng 40 cây ra bông đúng Tết. Hơn thế, với thiệt hại chủ yếu thuộc về cây mai ghép, thêm đặc điểm khôi phục chậm, nếu không tính số mai ghép ngoại tỉnh thì khả năng Tết năm nay không còn nhiều mai ghép đẹp. “Năm nay, tôi chỉ hy vọng bán hết số mai tàng để lấy tiền khắc phục cho những cây mai ghép bị hư hại”, ông Tạo nhìn xuống vườn mai nói, ánh mắt tối thẫm trong ráng chiều muộn.  


Tiểu Mai - An Nhiên